/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vợ Đường 'Nhuệ' có là chủ thể của tội 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ'?

Vợ Đường 'Nhuệ' có là chủ thể của tội 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ'?

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Khoản 1 Điều 356 Bộ Luật Hình sự quy định khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Do là vụ án có đồng phạm nên quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án sẽ làm rõ hành vi cụ thể của từng đối tượng, xác định và cá biệt hóa vai trò đồng phạm của từng đối tượng để có mức hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi của mỗi người.

Vợ của Đường ‘Nhuệ’ tiếp tục bị khởi tố thêm tội danh.

Liên quan đến vụ việc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình, ngày 19/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Dương về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, với vai trò là đồng phạm. Quyết định trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.

Vấn đề đặt ra là Nguyễn Thị Dương không có chức vụ, quyền hạn nhưng lại bị khởi tố về tội danh này liệu có đúng quy định của pháp luật hay không? Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về chủ thể của tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ"?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Cũng như chủ thể của các tội phạm về chức vụ, tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới thực hiện được hành vi phạm tội. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng với trường hợp vụ án không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức, còn người thực hành thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Khách thể của tội phạm này là quan hệ xã hội bảo đảm tính đúng đắn của hoạt động thực hiện công vụ. Đối tượng tác động của tội phạm là hoạt động thực hiện công vụ của người có chức vụ, quyền hạn.

Hành vi khách quan của tội này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ, người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình không thực hiện công vụ trong trường hợp phải thực hiện và có điều kiện để thực hiện hoặc thực hiện công vụ không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng với yêu cầu của công vụ.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, đó là thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng trở lên hoặc thiệt hại gây ra cho lợi ích của Nhà nước, cho quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Điều 356 Bộ luật Hình sự quy định tội danh này có 3 khung hình phạt. Theo đó người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng thì thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm đối với trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Theo thông tin thì cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố thêm bị can Nguyễn Thị Dương (vợ Đường Nhuệ) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra ngày 20/12/2019 tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình, quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự với vai trò là đồng phạm.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Khoản 1 Điều 356 quy định khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Do là vụ án có đồng phạm nên quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án sẽ làm rõ hành vi cụ thể của từng đối tượng, xác định và cá biệt hóa vai trò đồng phạm của từng đối tượng để có mức hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi của mỗi người, Luật sư Cường nói.

Khi quyết định hình phạt, tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, cá biệt hóa vai trò đồng phạm để tuyên mức án phù hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung.

Điều 17. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

THANH THANH

/bo-quy-tac-dao-duc-va-ung-xu-nghe-nghiep-luat-su-viet-nam-nhung-diem-moi-cu-the-duoc-sua-doi-bo-sung-phan-2.html
/vo-cua-duong-nhue-tiep-tuc-bi-khoi-to-them-toi-danh.html?fbclid=IwAR1TtUnsQIfJ3qevvpqHiGarAZOnvmhwS8fOCRP4OHRwc1gCqesICAPxQUw