Ảnh minh họa.
Mới đây, một tài khoản trên facebook đã đăng tải nội dung về cảnh voi chở khách du lịch tại Đắk Lắk trên người xuất hiện các vết máu rỉ ở vùng đầu và tai.
Tại đây có dịch vụ chèo thuyền độc mộc hoặc cưỡi voi xuống hồ ngắm cảnh. Mỗi nhân viên hướng dẫn voi đều cầm một cây gậy đầu sắt nhọn dùng để điều hướng đi và 'răn' voi. Đầu con nào cũng chằng chịt những vết thương cũ và mới.
Tại một điểm du lịch khác, có tổng 6 con voi chở người tham quan liên tục, trên đầu voi vẫn có vết thương, nhưng thay vì gậy sắt thì họ cầm gậy phía đầu có sợi dây buộc viên đá nhỏ. Đây được cho là dụng cụ gây ra các vết thương.
Xử lý thế nào?
Về vấn đề này, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Công ty Luật TNHH Hoàng Sa cho rằng, nếu thông tin voi ở khu du lịch tại Đắk Lắk bị đánh chảy máu được xác minh là sự thật thì đơn vị chịu trách nhiệm là Ban quản lý Khu du lịch. Bởi đây chính là chủ thể quản lý đối với cá thể voi. Ngoài ra, cá nhân trực tiếp quản lý voi là người nghi trực tiếp “hành hung” voi phải chịu trách nhiệm trước Ban quản lý.
Hành vi của Ban quản lý Khu du lịch đã xâm phạm tới quan hệ pháp luật hành chính, cụ thể là quan hệ pháp luật hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi. Do đó, Ban quản lý Khu du lịch sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính.
Hiện nay, hành vi tra tấn, hành hạ động vật được pháp luật xử lý rất nghiêm minh và thể hiện tinh thần nhân đạo đối với động vật. Điều này được thể hiện thông qua Nghị định số 14/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
Cần làm gì để bảo vệ động vật hoang dã?
Theo Luật sư Hoàng Trọng Giáp, vấn đề bảo vệ các loại động vật hoang dã thực sự là một bài toán nan giải, cần sự phối hợp của nhiều cá nhân, cơ quan, ban ngành liên ngành liên quan và thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp.
Với tư cách là một công cụ quản lý hiệu quả, pháp luật cần xây dựng một số quy định sau để việc bảo vệ các loài động vật hoang dã đạt được kết quả khả quan:
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý việc bảo vệ động vật hoang dã: Xây dựng môi trường sống phù hợp với các loài, cách thức chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát...
Thứ hai, tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Thứ ba, tuyên truyền, giáo dục, phổ biên pháp luật về vấn đề bảo vệ các loại động vật hoang dã.
NGỌC ANH