(LSO) - Để có thể xác định chính xác mức phạt đối với cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong trường hợp này cần căn cứ cụ thể vào tính chất, động cơ, hậu quả, thiệt hại tài sản gây thất thoát, lãng phí,... Theo đó, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" là 20 năm tù nếu phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên.
Ngày 13/8, VKSND tối cao đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can số 409/QĐ-VKSTC-V5, Quyết định tạm giam số 108/QĐ-VKSTC-V5 đối với ông Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực thi việc bắt, tạm giam đối với Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Chí Thành, quyền Vụ trưởng Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải; Nguyễn Trung Cường, chuyên viên Vụ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải. Liên quan sai phạm của ba người này, C03 tiếp tục khởi tố với ông Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Bốn người cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Quyết định tố tụng với các bị can được đưa ra trong quá trình Bộ Công an điều tra vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương. Đây là một trong chín vụ án trọng điểm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cần tập trung hoàn thành xét xử sơ thẩm trong năm 2020.
Vậy, theo quy định của pháp luật, với tội danh bị khởi tố, ông Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ đối diện với khung hình phạt như thế nào?
Luật sư Trần Văn An, Trưởng Văn phòng Luật sư Dân An (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bắc Giang) cho rằng trước hết, phải khẳng định, Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với một cá nhân cụ thể về một tội danh cụ thể khi đã có những tài liệu, chứng cứ xác định người đó đã vi phạm điều luật cụ thể. Nhưng việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can không đồng nghĩa với việc người đó đã bị có tội. Việc tuyên bố một người phạm tội chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án, căn cứ kết quả điều tra, truy tố và xét xử theo thủ tục tố tụng được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử Cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể khởi tố bổ sung tội danh, chuyển tội danh hoặc đình chỉ tội danh đã khởi tố theo quy định của pháp luật.
Pháp luật quy định, tài sản nhà nước được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng. Việc quản lí, sử dụng tài sản của nhà nước phải đảm bảo đúng pháp luật, đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Trường hợp có hành vi vi phạm gây thất thoát lãng phí đối với tài sản nhà nước sẽ bị xử lý trách hành chính hoặc trách nhiệm hình sự tùy tính chất, hậu quả, mức độ vi phạm.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí hiện được quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Điều luật quy định 03 khung hình phạt, theo đó người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính169 về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
- Vì vụ lợi;
- Có tổ chức;
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
- Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, để có thể xác định chính xác mức phạt đối với cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong trường hợp này căn căn cứ cụ thể vào tính chất, động có, hậu quả, thiệt hại tài sản gây thất thoát, lãng phí,... Theo đó, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" là 20 năm tù nếu phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên.
Về chủ thể của tội phạm, người phạm tội phải là người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, có năng lực tách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.
Về khách thể của tội phạm tội phạm xâm phạm chế độ quản lí nhà nước đối với việc quản lí, sử dụng tài sản nhà nước.
Về mặt khách quan của tội phạm đòi hỏi người phạm tội có hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước. Hành vi này có thể là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí…
Về lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.
Theo Luật sư An, quá trình xét xử vụ án, Hội đồng xét xử căn cứ quy định của điều luật bị cáo bị truy tố, xét xử; xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện, triệt để và đầy đủ mọi vấn đề có liên quan của vụ án; xem xét, đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bi can… để tuyên một mức án cụ thể đối với bị can vừa đảm bảo giáo dục, trừng phạt riêng và phòng ngừa chung.
Trường hợp một người bị xét xử, tuyên án về nhiều tội danh, Tòa án sẽ tổng hợp hình phạt. Trường hợp bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật có thể được xem xét xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, được xem xét cho hưởng án treo, được chuyển tội danh, được miễn hình phạt….
THANH THANH