/ Tư vấn
/ Vốn điều lệ có phải là vốn pháp định?

Vốn điều lệ có phải là vốn pháp định?

19/06/2022 22:48 |

(LSVN) - Chúng ta thường nghe nhắc tới vốn điều lệ và vốn pháp định khi thành lập công ty, liệu vốn điều lệ có phải là vốn pháp định không, pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?

Ảnh minh họa.

Vốn điều lệ là gì?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo khoản 34, Điều 4, Luật Doanh nghiệp, vốn điều lệ là:

- Tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty TNHH, công ty hợp danh;

- Tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.

Nói một cách dễ hiểu, vốn điều lệ chính là số tiền mà thành viên cam kết góp tại thời điểm đăng ký thành lập công ty, được ghi trong Giấy đề nghị thành lập công ty gửi Phòng Đăng ký kinh doanh.

Vốn pháp định

Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập công ty do pháp luật quy định đối với một số ngành nghề.

Vốn pháp định xác định theo từng ngành, nghề, không áp dụng cho từng loại hình doanh nghiệp.

Phân biệt vốn điều lệ và vốn pháp định

Giống nhau

Vốn điều lệ và vốn pháp định đều là số vốn ban đầu do nhà đầu tư cùng góp vào công ty làm vốn sản xuất kinh doanh của công ty. 

Khác nhau

 

Vốn điều lệ

Vốn pháp định

Cơ sở xác định

Khi thành lập công ty bắt buộc phải đăng ký vốn điều lệ.

Vốn điều lệ có thể tăng hoặc giảm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Vốn pháp định không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà được xác định theo ngành nghề kinh doanh cụ thể.

Công ty dự định thành lập có ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định thì vốn góp phải tối thiểu bằng vốn pháp định.

Mức vốn

Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa khi thành lập công ty.

Tuy nhiên, cần chú ý nếu đăng ký vốn điều lệ quá thấp thì sẽ khó tạo được niềm tin với khách hàng khi giao dịch.

Song nếu đăng ký vốn điều lệ quá cao so với số vốn thực sẽ tác động tới nghĩa vụ tài chính của công ty

Mức vốn pháp định là cố định đối với từng ngành nghề kinh doanh.

Ví dụ:

- Ngành nghề kinh doanh bất động sản vốn pháp định 6 tỉ.

- Cho thuê lại lao động yêu cầu vốn pháp định 2 tỉ đồng.

Thời hạn góp vốn

Góp vốn đủ từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện

Thực hiện góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng ký

Như vậy, vốn điều lệ và vốn pháp định không phải là một, đây là 02 loại vốn mà các nhà đầu tư cần quan tâm khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp.

Tăng, giảm vốn điều lệ thực hiện thế nào?

Tại Điều 68, Luật Doanh nghiệp 2020 nêu rõ, doanh nghiệp có thể tăng vốn điều lệ trong các trường hợp sau:

- Tăng vốn góp của thành viên;

- Tiếp nhận thêm vốn góp từ thành viên mới.

Theo đó, thủ tục tăng vốn điều lệ được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 51, Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Về hồ sơ làm thủ tục:

+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;

+ Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi vốn điều lệ;

+ Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

- Về trình tự, thủ tục thực hiện:

+ Bước 1:Nộp hồ sơ

Thực hiện theo một trong 02 cách sau:

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Cách 2: Nộp online qua Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh.

+ Bước 02: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

+ Bước 03: Nhận kết quả

Thời hạn giải quyết là 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

NGUYỄN TRẦN

Bị tai nạn lao động, NLĐ được nghỉ bao nhiêu ngày?

Lê Minh Hoàng