Đại tá Đinh Kim Lập đọc lời xin lỗi đối với ông Võ Tê và gia đình. Ảnh: HOÀNG ĐIỆP.
Việc xin lỗi là do các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã khởi tố, bắt giam và điều tra oan ông Võ Tê (sinh năm 1932) trong suốt 5 tháng sau vụ việc bà Phan Thị Khanh bị giết, cướp tài sản ngày 31/7/1980 tại xã Tân Minh (nay là Tân Phúc), huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Sai phạm chủ quan của cơ quan tố tụng
Tại buổi xin lỗi, Đại tá Đinh Kim Lập, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, đọc thông báo về kết quả điều tra vụ án và thừa nhận trong suốt thời gian sau khi vụ án xảy ra, Công an tỉnh đã nhận được nhiều đơn tố cáo của gia đình người bị hại nhưng đến sau này Công an Bình Thuận mới truy tìm được manh mối của vụ án.
"Tôi chân thành gửi lời xin lỗi đến ông Võ Ngọc và gia đình, mong gia đình hãy nhận lời xin lỗi này", Đại tá Lập nói.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Viện trưởng VKSND Bình Thuận, cũng thừa nhận những sai sót trong quá trình điều tra và phê chuẩn lệnh khởi tố và tạm giam đối với ông Võ Tê trong 5 tháng là không đúng với quy định của pháp luật.
"Việc các cơ quan tố tụng không truy tìm ra hung thủ thực sự của vụ án đã gây ra đau khổ cho ông Võ Tê cũng như gia đình. Đối với lệnh tạm giam ông Võ Tê mà VKSND huyện Hàm Tân phê chuẩn và chuyển hồ sơ vụ án về tỉnh Bình Thuận để điều tra ông Võ Tê, đến nay xác định Trương Đình Chi hay còn có tên gọi khác là Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn là hung thủ thực sự của vụ án", bà Lan nói.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận, gửi lời xin lỗi đến gia đình - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP.
"Để ông Tê bị oan là sai phạm chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến năm 2022 mới ban hành quyết định đình chỉ điều tra bị can, chúng tôi hiểu rằng những thiệt hại về vật chất và tinh thần đối với ông Võ Tê và gia đình là không có gì bù đắp được. Để chia sẻ phần nào mất mát đối với gia đình, hôm nay chúng tôi gửi lời xin lỗi chính thức đến gia đình ông Võ Tê.
Việc để ông Võ Tê mang thân phận bị can kéo dài đến hơn 41 năm, đến ngày 05/01/2022, là rất đau xót cho gia đình. Do đó, đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận gửi lời xin lỗi sâu sắc đến gia đình ông Võ Tê và mong rằng lời xin lỗi này xoa dịu đi phần nào những đau khổ mà gia đình ông Võ Tê đã trải qua", bà Lan phát biểu.
"Lời xin lỗi hay bồi thường không làm cha tôi sống lại"
Trong phần phát biểu của đại diện gia đình bị hại, ông Võ Ngọc, con ruột ông Võ Tê, đã gửi lời cảm ơn đến con trai nạn nhân là anh Đỗ Thanh An đã không ngừng truy tìm hung thủ và tố cáo liên tục để có ngày ông Võ Tê được minh oan.
Ông Ngọc cũng gửi lời cảm ơn đến ông Nguyễn Thận đã hỗ trợ, cảm ơn Luật sư Phan Trung Hoài đã bảo vệ miễn phí cho gia đình và đặc biệt cảm ơn báo Tuổi Trẻ cùng nhiều cơ quan báo chí đã đồng hành đưa vụ việc ra công luận.
Người thân mang di ảnh ông Võ Tê đến buổi xin lỗi - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, đã gần 42 năm trôi qua, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Bình Thuận mới có quyết định đình chỉ điều tra bị can và hôm nay mới tổ chức xin lỗi công khai là quá chậm trễ.
"Điều gia đình tôi hết sức bức xúc là vào tháng 4/2022, chương trình Hồ sơ vụ án 'Những người theo đuổi sự thật' của Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) lại cho rằng việc điều tra lúc đó là 'thận trọng', 'khách quan', rồi 'không hiểu vì sao ông Võ Tê lại tự nhận mình phạm tội'. Người ta không ép, không biệt giam thì sao cha tôi phải nhận tội?", ông Ngọc đặt câu hỏi.
"Trên đường từ nhà tù về nhà, cái này cũng là sai sót của công an, nếu thông báo cho gia đình thì tôi sẽ mang xe đạp rước cha tôi về để cha tôi, một người đàn ông còn 37kg, không phải đi bộ 50km mất 3 ngày mới về tới nhà.
Bản thân tôi đi học, ra đường là bị đá, bị cây ném, người ta chửi 'con ông Võ Tê giết người' thì tôi không đi học được.
Anh chị em chúng tôi sống mấy chục năm như xác ướp vô hồn, bị xã hội coi như con ma chết. Tôi chấp nhận lời xin lỗi của cơ quan kiểm sát và Công an. Cha mẹ tôi đã chết không còn nghe được lời xin lỗi này nữa", ông Ngọc nói.
Ông Võ Ngọc mong các cơ quan hỗ trợ gia đình ông trong việc bồi thường oan sai: "Gia đình tôi mong viện kiểm sát và công an làm việc trên tinh thần thiện chí để việc bồi thường không kéo dài. Việc bồi thường cho gia đình tôi không làm cho cha tôi sống lại, cũng không làm cho gia đình tôi giàu, mà bớt đi nỗi đau dai dẳng 42 năm qua".
HOÀNG ĐIỆP/TUỔI TRẺ