Chưa đủ căn cứ khi buộc tội bị cáo Lê Sỹ Trị
Theo Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không có đủ căn cứ xác định ông Lê Sỹ Trị có hành vi chỉ đạo các bác sĩ, điều dưỡng của Phòng khám Kỳ Đồng cấp giấy khám sức khỏe “khống”. Bởi vì, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác mà không thu thập được bất kỳ chứng cứ vật chất nào xác định ông Trị có hành vi chỉ đạo các bác sĩ, điều dưỡng của Phòng khám Kỳ Đồng cấp giấy khám sức khỏe “khống”.
“Mặc dù vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn quy kết ông Trị phạm tội “Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015”, Luật sư nói.
Làm rõ nội này, Luật sư đã đưa ra những dẫn chứng, cụ thể: Ông Trị không thực hiện hành vi ký, xác nhận khống vào giấy khám sức khỏe. Tại các giấy khám sức khỏe của người lái xe và phiếu trả kết quả xét nghiệm có tên Nguyễn Quốc Hưng, Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Ngọc Hiếu, Bùi Quang Anh chỉ có chữ ký và dấu chức danh của các Bác sĩ: Lưu Ngọc Mưu, Phạm Minh Tuấn, Ngô Hồng Hoa, Nguyễn Quang Hoài (Bút lục 535 - 537, 539 - 547).
Tại phiếu thu tiền của những cá nhân trên có chữ ký của ông Trị (Bút lục 538, 548 - 550), nhưng đây là chữ ký đóng dấu, chứ không phải do ông Trị trực tiếp ký. Con dấu chữ ký này được lưu giữ tại phòng hành chính và do người phụ trách quản lý, ông Trị không giữ và sử dụng (Bút lục 133, 889).
Hồ sơ vụ án.
Thứ hai, trong ngày 07/5/2021 (ngày xảy ra vụ việc), ông Trị không có mặt tại Phòng khám (Bút lục 877, 1008); không có tài liệu nào chứng minh ngày 07/5/2021 ông Trị liên lạc qua điện thoại để chỉ đạo việc cấp giấy khám sức khỏe cho Bùi Quang Anh, Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Hoàng Long; cũng không có tài liệu nào thể hiện ông Trị đã trực tiếp hoặc thông qua giao dịch trên tài khoản để nhận tiền về việc cấp giấy khám sức khỏe “khống” cho những người trên.
Thứ ba, ông Trị là Giám đốc chi nhánh, phụ trách chung; chịu trách nhiệm về chuyên môn của Phòng khám Kỳ Đồng là một người khác; không có chứng cứ vật chất thể hiện việc ông Trị đã chỉ đạo ký, đóng dấu, phát hành các giấy khám sức khỏe dù không có người đến khám tại Phòng khám.
Thứ tư, một số bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên phòng khám khai rằng ông Trị chỉ đạo việc cấp giấy khám sức khỏe “khống” cho khách hàng. Tuy nhiên, các lời khai này không được kiểm chứng bởi bất kỳ chứng cứ vật chất nào.
Tất cả các lời khai đều không rõ ràng, không cụ thể về nội dung chỉ đạo của ông Trị. Mặt khác, có nhiều mâu thuẫn giữa lời khai của các bị can, thậm chí có bị can còn có mâu thuẫn trong chính lời khai của mình ở các lần khai khác nhau.
“Việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm cho rằng phải có vai trò chỉ đạo của ông Lê Sỹ Trị thì Phòng khám mới cấp “khống” giấy khám sức khỏe là nhận định mang tính suy diễn, là suy đoán có tội, trái với nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ luật Tố tụng hình sự. Như vậy, cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm chỉ dựa vào các lời khai không được kiểm chứng của một số bị can mà không có bất kỳ chứng cứ vật chất nào khác để kết tội ông Trị là không khách quan, có dấu hiệu oan sai”, Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang khẳng định.
Vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự?
Luật sư Trần Hoàng Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, theo cáo trạng, trong số 10 bị can của vụ án, bị can Phạm Minh Tuấn là Bác sĩ công tác tại Khoa Mắt, Viện Y học Hải Quân, đã có quyết định nghỉ hưu (nghỉ chờ sổ hưu) nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã chuyển từ Cơ quan điều tra Công an quận Ngô Quyền sang Cơ quan điều tra hình sự Hải quân để điều tra và ban hành Kết luận điều tra, Cáo trạng truy tố là chưa đúng thẩm quyền.
Theo Luật sư Hoàng Anh, không có quy định nào cấm ông Tuấn không được làm thêm cho các cơ sở khám bệnh dân sự. Việc xét xử 9 bị can khác là dân sự trong Tòa án quân sự là không đúng quy định của pháp luật. Đối với bị can Tuấn có thể tách riêng ra xử lý theo Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, hành vi cấp giấy khám sức khỏe cho Bùi Quang Anh, Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Hoàng Long của Phòng khám đa khoa Kỳ Đồng xảy ra tại địa bàn quận Lê Chân, TP. Hải Phòng. Theo quy định tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan điều tra Công an quận Lê Chân, TP. Hải Phòng.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện vụ việc trên, Cơ quan điều tra Công an quận Ngô Quyền không chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra, Công an quận Lê Chân xác minh, điều tra mà lại khởi tố, điều tra là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Luật sư Hoàng Anh dẫn chứng khoản 1 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP, quy định về các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Theo đó, “việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật” là trường hợp vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 6 của Thông tư nêu trên.
“Việc vi phạm tố tụng của Cơ quan điều tra Công an quận Ngô Quyền đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo trong vụ án”, Luật sư nói.
Đối với việc bắt quả tang Nguyễn Ngọc Bách cho đến khi khởi tố, điều tra vụ án, Luật sư Hoàng Anh cho rằng có dấu hiệu không khách quan, không bình thường.
Cụ thể, trong 3 giấy khám sức khỏe mà Công an quận Ngô Quyền thu giữ của Bách ngày 07/5/2021 thì có hai người là Nguyễn Ngọc Hiếu và Nguyễn Hoàng Long là các bị can đang bị tạm giam trong vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, do chính Cơ quan điều tra Công an quận Ngô Quyền thụ lý. Hai đối tượng Long và Hiếu bị bắt giữ từ ngày 01/5/2021, đến ngày 27/9/2021 bị TAND quận Ngô Quyền xét xử và tuyên án.
Trong ngày 07/5/2021, Long và Hiếu đều đang bị tạm giam tại Trại Tạm giam Công an TP. Hải Phòng. Lời khai của Hiếu và Long trong hồ sơ vụ án này đều khẳng định trước và trong khi bị cơ quan công an bắt giữ, các đối tượng trên không có nhu cầu xin cấp giấy khám sức khỏe. Thậm chí, Hiếu đã có giấy phép lái xe ô tô và còn hạn sử dụng. Đồng thời, Hiếu và Long cũng không cung cấp ảnh và thông tin cá nhân cho bất cứ ai.
Trong phiên xét xử phúc thẩm tới đây, các Luật sư hy vọng Hội đồng xét xử cần xem xét toàn bộ nội dung vụ án một cách thận trọng, khách quan; đánh giá các tình tiết, chứng cứ một cách khoa học, đúng pháp luật, tránh gây oan sai, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bị cáo trong vụ án.
PV
Vụ án cấp ‘khống’ giấy khám sức khỏe: Cần làm rõ các căn cứ pháp lý trong quá trình tố tụng