/ Pháp luật - Đời sống
/ Vụ án hủy hoại rừng ở Krông Pa: Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung một số tình tiết gây ‘tranh cãi’

Vụ án hủy hoại rừng ở Krông Pa: Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung một số tình tiết gây ‘tranh cãi’

08/11/2022 02:34 |

(LSVN) - Vụ án huỷ hoại rừng xảy ra tại xã Chư Drăng với nhiều nội dung tranh luận “nảy lửa” giữa đại diện Viện Kiểm sát với các Luật sư đã được Thẩm phán Ksor Pep thay mặt Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung các tình tiết, chứng cứ đang gây “tranh cãi”…

Định giá tài sản có sự chênh lệch và chưa có căn cứ để xác định thiệt hại…

Ngày 02/11/2022 vừa qua, Toà án nhân dân huyện Krông Pa đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung một số nội dung tình tiết của vụ án mà các Luật sư bào chữa cho các bị cáo đã kiến nghị tại phiên toà xét xử ngày 27/10/2022 như: Căn cứ pháp lý của tấm bản đồ hiện trạng, diện tích và khu vực bị huỷ hoại có phải là rừng, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan. Đặc biệt là trách nhiệm của Ban QLRPH Nam Sông Ba trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, giao đất cho Công ty Phúc Phong nhưng không kiểm tra thực địa, không phát hiện sai sót trong bản đồ hiện trạng do Công ty Nhật Tuấn lập do đó đã tạo điều kiện cho hành vi vi phạm. Đồng thời các tình tiết như cơ sở tính toán thiệt hại và vai trò người chủ mưu cũng cần được làm rõ.

Theo hồ sơ vụ án, việc huỷ hoại rừng đã gây thiệt hại tổng cộng là 365.329.193 đồng, trong đó thiệt hại về lâm sản (gỗ và củi) là 192.282.786 đồng và thiệt hại về môi trường là: 173,046.407 đồng. 

Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Công ty Luật ATK, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội (Luật sư bào chữa cho ông Lê Hoàng Phúc) cho rằng, chưa có cơ sở để tính toán thiệt hại. Luật sư Thắng viện dẫn Văn bản số 341/SNNPTNT-CCKL ngày 25/02/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai trả lời cho Cơ quan điều tra: “…Không có đủ thông tin, độ tin cậy, cơ sở tính toán thiệt hại thực tế để tính toán khối lượng lâm sản bị thiệt hại (Theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 20/12/2018 ).

Văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai trả lời cơ quan CSĐT.

Luật sư Thắng cũng nêu quan điểm: “Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra đã nhiều lần định giá lại tài sản bị huỷ hoại mà không rõ lý do, mỗi lần định giá có sự thay đổi (làm tăng) về giá trị thiệt hại. Theo Kết luận định giá số 12/KL-HĐĐG ngày 24/01/2019 của UBND huyện Krông Pa thì tổng tài sản bị xâm phạm là 125.355.759 (Một trăm hai mươi lăm triệu ba trăm năm mươi lăm nghìn bảy trăm năm mươi chín đồng). Đến ngày 07/6/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Pa đã yêu cầu định giá tài sản tiếp. Đến ngày 01/8/2019 UBND huyện Krông Pa đã ban hành Kết luận định giá tài sản số 31/KL-HĐĐG xác định tổng giá trị tài sản bị xâm phạm là: 365.320.193 đồng (Ba trăm sáu mươi lăm triệu, ba trăm hai mươi nghìn, một trăm chin mươi ba đồng). Căn cứ vào kết luận định giá ngày 01/8/2019 cơ quan tố tụng đã truy cứu TNHS và yêu cầu các bị can bồi thường trách nhiệm dân sự. Việc định giá tài sản bị thiệt hại có sự chênh lệch giữa hai lần giám định dẫn đến sự hoài nghi về cơ sở pháp lý trong việc áp dụng kết luận định giá tài sản để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tôi hy vọng rằng sự hoài nghi này sẽ được minh bạch trong quá trình điều tra bổ sung”.

Từ đoạn băng ghi âm đến tranh cãi về vai trò chủ mưu…

Trong 03 bị cáo bị truy tố xét xử, thì bị cáo Lê Hoàng Phúc bị truy tố với vai trò là chủ mưu. Căn cứ để cơ quan CSĐT khởi tố ông Lê Hoàng Phúc là một đoạn hội thoại được ghi âm giữa ông Lê Hoàng Phúc và ông Lục Văn Khoa.

Tại phiên toà, ông Lục Văn Khoa cho biết, ông ghi âm lại để mở ra cho mọi người (phát dọn thực bì) cùng nghe. Trong đoạn ghi âm này ông Lê Hoàng Phúc nói với ông Khoa về việc phát dọn để trồng rừng, ông Phúc cũng có nói “… hai nữa những cái rừng, chỗ đó là rừng là cây dày đặc …”.

Cơ quan điều tra đã kết luận: “Nội dung đoạn ghi âm  thể hiện Lê Hoàng Phúc xúi giục Lục Văn Khoa chặt hạ 03 ha rừng nêu trên…”. Luật sư Nguyễn Văn Thắng cho rằng chứng cứ (đoạn ghi âm) buộc tội ông Lê Hoàng Phúc chưa thật sự thuyết phục. Bởi vì trong băng ghi âm ông Phúc không nói rõ (hoặc yêu cầu) ông Lục Văn Khoa chặt cây ở vị trí Lô 3, Khoảnh 3, tiểu khu 1369. Thời điểm ông Phúc gọi điện cho ông Khoa là vào khoảng đầu tháng 02/2018. Trong khi đó ông Lục Văn Khoa thuê người phát dọn thực bì (xâm lấn đất rừng) bị ông Rô Thưk cán bộ Ban QLRPH Nam Sông Ba phát hiện là vào giữa tháng 10/2018. Có nghĩa là từ lúc ông Phúc giục ông Khoa phát dọn thực bì (chặt cây) đến khi ông Khoa tổ chức thực hiện cách nhau gần 8 tháng.

Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Công ty Luật ATK, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Vị Luật sư này cũng nêu quan điểm: “Cần làm rõ thời điểm cuối tháng 02/2018 ông Khoa đang thực hiện phát dọn thực bì tại vị trí nào, ông Phúc có mặt ở hiện trường hoặc chỉ đạo gián tiếp (qua điện thoại) không? Từ đó xác định rõ vai trò của từng bị cáo qua từng thời điểm thực hiện hành vi vi phạm. Bởi vì khái niệm “chủ mưu” phải có đầy đủ các yếu tố như: Chủ động về mặt tinh thần, đề xướng và thiết lập nhóm tội phạm, vạch ra các ý đồ phương hướng hoạt động của nhóm tội phạm…”.

Luật sư Thắng cũng rất tin tưởng một số tình tiết của vụ án đang gây “tranh cãi” sẽ được làm sáng tỏ, minh bạch, khách quan và thuyết phục khi hồ sơ vụ án đã được Hội đồng xét xử trả lại để điều tra bổ sung.

TẢ THANH THIÊN

Vụ án hủy hoại rừng ở Krông Pa: Tranh cãi 'nảy lửa' về tấm bản đồ và khu vực bị hủy hoại có phải là rừng

Lê Minh Hoàng