/ Dọc đường tố tụng
/ Vụ án hủy hoại rừng ở Krông Pa: Tranh cãi 'nảy lửa' về tấm bản đồ và khu vực bị hủy hoại có phải là rừng

Vụ án hủy hoại rừng ở Krông Pa: Tranh cãi 'nảy lửa' về tấm bản đồ và khu vực bị hủy hoại có phải là rừng

01/11/2022 03:39 |

(LSVN) - Vừa qua TAND Huyện Krông Pa đã đưa ra xét xử vụ án hủy hoại rừng xảy ra vào giữa tháng 10/2018 tại xã Chư Đrăng nhưng vẫn chưa tuyên án. Các Luật sư đề nghị Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung vì căn cứ pháp lý của tấm bản đồ hiện trạng, diện tích và khu vực bị hủy hoại có phải là rừng, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan… vẫn còn đang gây tranh cãi.

Toàn cảnh phiên tòa.

Biên bản vi phạm ký giữa đường và biên bản không có chữ ký của đương sự

Sau hai lần hoãn xử, ngày 27/10 vừa qua TAND huyện Krông Pa đã mở phiên toà xét xử vụ hủy hoại 30.000m2 rừng xảy ra vào giữa tháng 10/2018 tại xã Chư Đrăng. Ba bị can bị khởi tố về tội "Hủy hoại rừng" là ông Lê Hoàng Phúc, Lục Văn Khoa và Lê Văn Tuyển. Phiên toà đã kéo dài suốt một ngày, với phần đối đáp, tranh luận căng thẳng giữa đại diện Viện Kiểm sát và các Luật sư về một số tình tiết của vụ án. Đặc biệt là tranh cãi về tính pháp lý của tấm bản đồ hiện trạng do Công ty Nhật Tuấn lập có sự xác nhận của các sở Ban ngành, xác định khu vực bị hủy hoại có phải là rừng, số liệu diện tích bị hủy hoại, cũng như trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan.

Theo hồ sơ vụ án, căn cứ để Cơ quan CSĐT Công an Huyện Krông Pa khởi tố vụ án là từ biên bản hiện trường do ông Rô Thưk, cán bộ của Ban QLRPH Nam Sông Ba lập vào hồi 12 giờ 01 ngày 19/10/2018 với diện tích rừng bị lấn chiếm khi phát dọn thực bì khoảng 07 sào (7000m2). Ông Lục Văn Khoa (bị can - nguyên chỉ huy phó công trường phát dọn thực bì do Công ty Phúc Phong phân công – PV) cho biết. Biên bản vi phạm này được ông Rô Thưk đưa cho ký ở giữa đường.

Ngày 23/10/2018, Ban QLRPH Nam Sông Ba lại lập tiếp một biên bản vi phạm, nhưng không có chữ ký của đương sự (Ông Lục Văn Khoa). Trong biên bản này phần diện tích (bị hủy hoại) ghi là 30.000m2  tại vị trí toạ độ 1451678 - 0498695 nhưng không thấy ghi phương pháp đo vẽ để tính diện tích.

Tại phiên toà, ông Lục Văn Khoa cho biết, ông không biết về việc lập biên bản này. Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Công ty Luật ATK (bào chữa cho Lê Hoàng Phúc) đề nghị làm rõ về phần diện tích chênh lệch 23.000m2 rừng bị lấn chiếm (nếu có) diễn ra trước hay sau thời điểm lập biên bản (ngày 19/10/2018) và ai là người phá tiếp khi biên bản vi phạm lần đầu ghi là 07 sào (7000m2) Ban QLRPH Nam Sông Ba cũng căn cứ vào biên bản này nhưng lại báo cáo là 30.000m2.

Đại diện Ban QLRPH Nam Sông Ba cho biết, lúc đầu ông Rô Thưk chỉ ước lượng là 07 sào (7000m2) nhưng khi kiểm tra lại thì là 30.000m2. Khi Luật sư Thắng đặt câu hỏi: "Dùng phương pháp nào để đo diện tích...? thì được đại diện Ban QLRPH Nam Sông Ba trả lời là "Dùng máy định vị" nhưng lại không diễn giải việc đo vẽ như thế nào. Luật sư Thắng cũng đề nghị được giám định lại hiện trường để xác định rõ khu vực bị hủy hoại có phải là rừng và tính toán lại số lâm sản bị thiệt hại...

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, không cần phải giám định lại vì hiện trường đã bị thay đổi và Biên bản giám định hiện trường ngày 20/12/2018 đã thể hiện rất rõ. Không đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát, Luật sư Thắng  đã viện dẫn văn bản số: 341/ SNNPTNT- CCKL ngày 25/2/2019 (Căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 20/12/2018,Biên bản định giá tài sản ngày 24/01/2019…) Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai trả lời cho Cơ quan CSĐT Công an Huyện Krông Pa: "Theo Bản đồ quy hoạch 03 loại rừng kèm theo Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh Gia Lai là rừng tự nhiên thường xanh phục hồi nhưng ngoài thực tế thì cần phải căn cứ vào tiêu chí xác định rừng do Chính phủ, Bộ NN&PTNT quy định để xác định trên cơ sở đo đếm các chỉ tiêu thực tế hiện trạng khu vực bị phá".

Trả lời chất vấn của các Luật sư tại phiên toà, ông Rô Thưk cán bộ Ban QLRPH Nam Sông Ba khảng định ông cũng không biết khu vực này (Khu vực bị hủy hoại) là rừng, mặc dù ông được giao quản lý và bảo vệ.

Tranh luận về tấm bản đồ hiện trạng do Công ty Nhật Tuấn lập, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, tấm bản đồ này chỉ để xin thuê đất mà không có giá trị pháp lý. Đối đáp lại với đại diện Viện Kiểm sát, Luật sư Nguyễn Văn Hưng (Luật sư bảo vệ cho bị cáo Lục Văn Khoa và Lê Đình Tuyển) cho rằng, đây là tấm bản đồ duy nhất, có sự xác nhận của các sở ban ngành chuyên môn và là căn cứ để Ban QLRPH Nam Sông Ba viện dẫn để lập biên bản bàn giao hiện trạng cho Công ty Phúc Phong tổ chức phát dọn thực bì. Để vụ việc đáng tiếc xảy ra cũng có trách nhiệm của các Sở ngành có liên quan và đây là lỗi của cả một hệ thống. Tuy nhiên, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan, nhất là Ban QLRPH Nam Sông Ba vẫn chưa được làm rõ.

Chứng cứ có thuyết phục?

Sau một ngày xét xử với những cuộc tranh luận, đối đáp căng thẳng giữa các Luật sư, đại diện Viện Kiểm sát với các bị cáo, bị hại… thẩm phán chủ toạ phiên toà Ksor Pep đã nhận định, vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thời gian để nghị án, vì vậy Toà sẽ tuyên án vào thứ 4 ngày 02/11/2022. Trao đổi với phóng viên bên lề phiên toà Luật sư Nguyễn Văn Thắng cho rằng: "Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung” mỗi chứng cứ đều được Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm với tinh thần trách nhiệm kiểm tra, xem xét, đánh giá đảm bảo khách quan, toàn diện về tất cả các tình tiết của vụ án. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng như diễn biến phiên toà có thể thấy rất nhiều tình tiết chứng cứ chưa thực sự thuyết phục, cụ thể: Chưa làm rõ trách nhiệm của các cán bộ Ban QLRPH Nam Sông Ba trong việc bàn giao hiện trường; Giám sát việc phát dọn thực bì; Giám đốc Công ty trắc địa bản đồ Nhật Tuấn lập bản đồ sai; Các Sở Ban ngành đã xác nhận vào Bản đồ hiện trạng giao đất tạo điều kiện cho hành vi phạm tội… Đặc biệt là căn cứ để khởi tố vụ án cũng chưa đảm bảo được sự khách quan khi số liệu diện tích rừng bị phá có sự “mập mờ”. Kết luận khu vực bị hủy hoại là rừng cũng mẫu thuẫn trái chiều với quan điểm của Sở NN&PTNT... Để có căn cứ xét xử đúng người đúng tội, rất mong Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ những nội dung, tình tiết (nêu trên) mà đang gây tranh cãi".

Diễn biến phiên toà sẽ được chúng tôi thông tin đến bạn đọc trong kỳ tiếp theo.

Theo hồ sơ tài liệu, Công ty TNHH Nông Lâm Sản Phúc Phong được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận chủ trương triển khai trồng rừng tại địa bàn xã Chư Drăng, Huyện Krông Pa với diện tích khoảng gần 900 ha. Bản đồ thực trạng diện tích đất được Công ty TNHH Trắc địa bản đồ Nhật Tuấn lập, có xác nhận của các cơ quan ban nghành tỉnh Gia Lai như Sở NN&PTNT, UBND Huyện Krông Pa, UBND xã Chư Drăng, Ban QLRPH Nam Sông Ba…

Căn cứ vào biên bản bàn giao hiện trường để phát dọn thực bì chuẩn bị đất trồng rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba (Ban QLRPH Nam Sông Ba) lập ngày 03/07/2017 Công ty Phúc Phong đã quyết định thành lập Ban chỉ huy công trường, giao cho ông Trần Thế Anh và ông Lục Văn Khoa chỉ huy việc phát dọn thực bì. Vào khoảng giữa tháng 10/2018 các nhân công đang phát dọn thực bì thì ông Rô Thưk là cán bộ Ban QLRPH Nam Sông Ba, phát hiện, xác định tọa độ, vị trí, báo cáo về Ban QLRPH để đối chiếu xác minh. Ban QLRPH Nam Sông Ba xác định khu đất đang phát dọn thực bì thuộc rừng tự nhiên.

Căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án của Hạt kiểm lâm Huyện Krông Pa, Cơ quan CSĐT CA huyện Krông Pa đã khởi tố vụ án, khởi tố 03 bị can là ông Lê Hoàng Phúc, Lê Văn Khoa và Lê Văn Tuyển về tội "Hủy hoại tài sản" quy định tại Điều 243, Bộ Luật hình sự.

TẢ THANH THIÊN

Quảng Bình: Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân liên tiếp có hành vi vi phạm pháp luật?

Lê Minh Hoàng