(LSO) - Sáng 04/8/1992, phiên tòa được bắt đầu. Ông công tố ủy viên (quan chủ tố) đã cáo buộc Việt phạm vào các điều 47 (1) (b) và 47 (2) của Sắc lệnh về chất độc ma túy của Chính Phủ Hoàng gia có hiệu lực ngày 05/6/1992. Nhưng Luật sư John Mc Lanachan lập luận rằng trường hợp của Việt phải được hưởng thế cân bằng giữa nhu cầu xã hội đối phó với tội ác của việc mua bán ma túy và quyền của cá nhân được suy đoán vô tội theo tinh thần không hồi tố của điều luật viện dẫn...
Trong lúc cơ quan an ninh điều tra Việt Nam, bằng nguồn tin do ông Văn cấp báo, từ 16/6/1992 đã tiến hành cuộc điều tra về hành vi mua bán, vận chuyển chất ma túy (cần sa) của Trần và đồng bọn thì ở Trại Lai Chi Kok, Việt đếm từng ngày mong được đưa ra tòa Hồng Kông xử.
Tuy ở trong trại giam, Việt vẫn được ăn uống tương đối đầy đủ, chỉ có một điều lo lắng duy nhất là với hành vi bị bắt giữ, theo luật Hồng Kông tối thiểu cũng phải lãnh mức án từ 5 đến 6 năm tù. Chỉ nghĩ đến cảnh đó thôi, Việt đã không cầm được nước mắt... Trong một lá thư của gia đình gửi sang, ông Văn thông báo là Trần hứa sẽ cho người bay sang Hồng Kông để thuê Luật sư cãi cho Việt. Nhưng gần 10 tháng nằm trong trại, Việt chẳng thấy bóng dáng người của Trần đâu cả. Quá lo lắng, Việt viết một lá đơn gửi lên Tối cao Pháp viện Hồng Kông (The High Court of HongKong) xin được xét xử sớm, vì đã qua 6 lần đưa ra Pháp viện khu Đông mà vẫn chưa xét xử được, lúc thì thiếu phiên dịch tiếng Việt, lúc thì Tòa bận...
Ngày 25/6/1992, Việt được viên quản lý trại giam thông báo Tối cao Pháp viện đã chỉ định Luật sư Roderick Miller và John Mc Lanachan bào chữa cho Việt. Trước phiên xử một tháng, Việt được gặp hai Luật sư tại Trại Lai Chi Kok...
Ông Roderick Miller lên tiếng:
- Chúng tôi đã nghiên cứu hồ sơ, thấy chứng cứ đã rõ. Tôi khuyên anh nên nhận tội để hưởng sự khoan hồng...
Việt nói:
- Tôi không biết đó là cần sa, mong các ông hiểu cho...
- Trước Hải quan Cảng anh nhận hai bao lá là của anh, do vậy mọi chứng cứ đều chống lại anh. Vụ này rất khó xử trắng án.
- Tôi không có tội – Việt trả lời dứt khoát.
- Vậy anh có bằng chứng nào chứng minh anh hoàn toàn không biết đó là lá cần sa không? Ông John Mc Lanachan hỏi lại Việt.
- Tôi có bằng chứng. Một là, số bao lá này do một người ở TP. Hồ Chí Minh gửi cho người nhà bên Nhật. Người gửi nói với tôi đây là lá mát gan. Tôi hoàn toàn không biết lá cần sa như thế nào. Hai là, các ông đã nhìn thấy trên bao bì người gửi có ghi rõ: “Lá mát gởi Trung”. Làm sao tôi biết được đó là lá cần sa?...
Cả 2 Luật sư chăm chú nghe Việt nói, đột nhiên họ cảm thấy những điều trình bày của Việt là chân thật và tin rằng Việt không biết 2 bao hàng đó là lá cần sa.
Ngày 02/7/1992, Việt được cho đi “dạo” Tòa Tối cao Pháp viện, nhưng vì Tòa bận nên hẹn lại ngày khác. Ngày 17/7/1992, Việt được đưa lên Tòa số 26, sau lại hẹn vào ngày 04/8/1992 mới xử. Lúc này đại diện các Công ty Vận tải biển của Việt Nam tại Hồng Kong đã liên hệ được với Việt.
Sáng 04/8/1992, phiên tòa được bắt đầu. Ông công tố ủy viên (quan chủ tố) đã cáo buộc Việt phạm vào các điều 47 (1) (b) và 47 (2) của Sắc lệnh về chất độc ma túy của Chính Phủ Hoàng gia có hiệu lực ngày 05/6/1992. Nhưng Luật sư John Mc Lanachan lập luận rằng trường hợp của Việt phải được hưởng thế cân bằng giữa nhu cầu xã hội đối phó với tội ác của việc mua bán ma túy và quyền của cá nhân được suy đoán vô tội theo tinh thần không hồi tố của điều luật viện dẫn.
Ông Balay, đại diện Chính Phủ Hoàng gia xuất hiện trong vụ án này đã cho rằng về mặt tố tụng, pháp chế sẽ có hiệu lực ngay khi luật được ban hành và do đó, vụ xử được tiến hành sau khi sắc lệnh ban hành sẽ bị chi phối bởi luật mới. Một lần nữa, Luật sư John Mc Lanachan cho rằng các suy đoán của điều 47 đã tước bỏ quyền hạn sẵn có của một người và áp đặt lên bị cáo một ràng buộc mới là phải bước ra vành móng ngựa để chứng minh sự vô tội của mình.
Trước sự tranh luận căng thẳng của 2 bên buộc tội và gỡ tội, phiên tòa phải dừng lại đến hết ngày 10/8/1992. Tờ báo South China Morning Post phát hành sáng hôm sau đã mô tả tỉ mỉ cuộc tranh luận này. Việt hết sức hồi hộp, chưa biết số phận mình sẽ bị định đoạt như thế nào? Đến sáng 10/8/1992, khi bắt đầu phiên tòa, Thẩm phán của Tối cao Pháp viện là Jones đã tuyên bố:
- Không thể áp dụng điều luật 47 (1) (b) và 47 (2) như Sắc lệnh của Chính phủ Hoàng gia ban hành trong trường hợp của bị cáo vì nếu áp dụng điều luật này thì quá thiệt thòi cho bị cáo... Để có thể kết tội bị cáo, ông quan chủ tố phải bằng mọi cách chứng minh trước quan Tòa và Bồi thẩm đoàn rằng bị cáo biết đó là cần sa và có ý định buôn bán số hàng đó. Nếu không chứng minh được, bị cáo phải được tha bổng...
Quan chủ tố liền đứng lên đưa ra các bằng chứng phạm pháp do Hải quan Hồng Kông lập, sau đó tiến hành thẩm vấn Việt suốt buổi chiều 11/8 đến hết buổi sáng ngày 12/8/1992, Việt đã tự biện hộ cho mình là không biết rõ đó là lá cần sa mà chỉ hiểu đó là “lá mát” do ông Trần gửi cho người nhà bên Nhật Bản, đồng thời không có ý định buôn bán số hàng này tại Hồng Kông.
Cả 3 người: Quan chủ tố, Luật sư John Mc Lanachan và quan tòa Jones sau đó lần lượt phát biểu ý kiến kết luận của mình về hành vi của Việt để thuyết phục Bồi thẩm đoàn. Chiều 12/8/1992, Bồi thẩm đoàn tiến hành bỏ phiếu kín và 7/7 vị Bồi thẩm đoàn điều nhất trí cho rằng Việt không phạm tội buôn bán ma túy như cáo buộc của Hải quan Hồng Kông.
Khi được tuyên bố trắng án, tha bổng ngay tại phiên tòa cùng với việc trả lại hành lý tư trang, Việt đã khóc nức nở, ôm lấy đại diện của các Công ty Vận tải biển Việt Nam tại Hồng Kông có mặt đón Việt từ Pháp viện Tối cao trở về.
Ngày 19/8/1992, Việt đáp chuyến bay từ Hồng Kông về đến TP. Hồ Chí Minh trong sự đón mừng của gia đình. Vụ án “lá cần sa” của Phạm Việt khép lại từ bên Hồng Kông, nhưng lại mở ra đối với ông Trần và đồng phạm tại Việt Nam, được xét xử vào tháng 10/1993 tại Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
(Mời quý độc giả đón đọc tập truyện hấp dẫn tiếp theo: “Người sống lại (Kỳ 1): Tìm mẹ” sẽ được đăng tải vào ngày 16/7/2020).
PHONG LINH