LSVNO – Luật sư Nguyễn Trường Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý (Đoàn luật sư TP. Cần Thơ), bảo vệ quyền - lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên – cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone cho rằng bị cáo Nguyên đã có công trong việc ngăn cản thanh toán 5% cuối cùng dẫn đến không thanh lý được thoả thuận hợp đồng. Đó chính là cơ sở pháp lý để huỷ bỏ thoả thuận chuyển nhượng cổ phần và khắc phục toàn bộ hậu quả.
Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên – cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone bị cáo trạng của VKSND truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” với các hành vi: Biết rõ tình hình tài chính AVG khó khăn, kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn ký Văn bản số 5054/Mobifone ngày 14/9/2015 và Quyển dự án để HĐTV trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án.
Tham gia cuộc họp ngày 02/10/2015 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng với HĐTV, Ban Tổng Giám đốc MobiFone và AVG thống nhất giá mua 8.898,3 tỷ đồng tương đương 95% cổ phần AVG theo nguyên trạng. Tham gia ký Biên bản họp khống Ban Tổng Giám đốc ngày 24/12/2015.
Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên.
Ba giai đoạn diễn ra vụ án
Luật sư Nguyễn Trường Thành đưa ra nhiều bút lục hồ sơ vụ án để chứng minh quá trình xảy ra vụ án qua 03 giai đoạn: Chuẩn bị dự án, dự thảo ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, thanh toán và thanh lý hợp đồng. Đó cũng là quá trình đấu tranh nội bộ giữa một bên quyết thực hiện và một bên ngăn cản. Bên ngăn cản có nhiều người, nổi bật là ông Nguyễn Đăng Nguyên.
Giai đoạn chuẩn bị dự án: Cáo trạng viết: “Nguyễn Đăng Nguyên được Tổng Giám đốc Cao Duy Hải giao nhiệm vụ tại Văn bản số 4463/MOBIFONE ngày 19/08/2015 chỉ đạo lập dự án đánh giá phân tích nội dung kỹ thuật, kinh doanh, tài chính trên cơ sở ý kiến các Phó Tổng Giám đốc”. Thực tế, Kết luận điều tra tại trang 54 cho biết: “Nguyễn Đăng Nguyên được phân công nhiệm vụ tổng hợp dự án chung, nhưng thực tế không tham gia”.
Tổng Giám đốc Cao Duy Hải trong bản khai ngày 21/12/2018 bút lục số 001621 (BCA) xác nhận: “Theo phân công nhiệm vụ số 4463/MOBIFONE tôi ký thì anh Nguyễn Đăng Nguyên - Phó Tổng Giám đốc có nhiệm vụ chỉ đạo đánh giá phân tích về khả năng cân đối nguồn vốn và hiệu quả đầu tư dự án. Tuy nhiên thực tế nhiệm vụ này do chị Phương Anh thực hiện”.
Còn với Quyển dự án để HĐTV trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án, Luật sư Thành phân tích: “Nguyễn Đăng Nguyên chỉ ký khi các thành viên khác đã ký, ông là người duy nhất hai lần từ chối ký vào trang lấy ý kiến trên Quyển dự án. Chỉ đến khi Tổng Giám đốc gọi điện yêu cầu phải ký thì Nguyên mới ký vì theo quy định điều lệ Tổng Công ty, ông Nguyên phải chấp hành mệnh lệnh của Tổng Giám đốc”.
Đặc biệt, Luật sư Thành nhấn mạnh: “Chủ tịch HĐTV đã trình Bộ Thông tin và Truyền thông về giá mua (văn bản 58/MobiFone, biên bản họp ngày 18/9/2015 và 23/9/2015) mà không thực hiện theo kết luận của văn bản 5054/MobiFone và Quyển dự án. Chủ tịch HĐTV đã bỏ qua việc phải tiếp tục xác định giá trị doanh nghiệp AVG theo phương pháp tài sản và xác định nguyên tắc bù trừ công nợ để làm cơ sở đàm phán giá mua có lợi nhất, tránh thất thoát”.
Giai đoạn đàm phán ký kết thoả thuận chuyển nhượng cổ phần: Cáo trạng của VKSND tối cao và kết luận của VKSND TP. Hà Nội tại tòa quy buộc hành vi phạm tội của Nguyễn Đăng Nguyên: “Tham gia cuộc họp ngày 02/10/2015 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng với HĐTV, Ban Tổng Giám đốc MobiFone và AVG thống nhất giá mua 8.898,3 tỷ đồng tương đương 95% AVG theo nguyên trạng. Nguyễn Đăng Nguyên còn ký khống Biên bản cuộc họp Ban Tổng Giám đốc ngày 24/12/2015”.
Những việc trên, Luật sư Thành dẫn nhiều bút lục chứng minh ông Nguyên đã phản đối bằng văn bản nhưng là cấp dưới nên bị động. Đó là, sau khi Hợp đồng mua bán giữa AVG và MobiFone đã ký ngày 25/12/2015 ông Nguyên mới được yêu cầu ký Biên bản cuộc họp Ban Tổng Giám đốc ngày 24/12/2015.
Biên bản này có nội dung góp ý cho dự thảo thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, nhưng trước đó Tổng Giám đốc đã có văn bản 7738/MobiFone trình HĐTV phê duyệt kết quả đàm phán và dự thảo thỏa thuận Hợp đồng. Khi phát hiện những bất hợp lý, ông Nguyên đã ghi ý kiến vào Biên bản là: “Việc xử lý các khoản nợ vay của AVG tuân thủ quy định hiện hành và khoản 3 Điều 19 Điều lệ Tổng Công ty ngày 14/09/2015”.
Giai đoạn thanh toán và thanh lý Hợp đồng: Tài liệu điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an thể hiện: Thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng, ông Nguyên không tham gia. Thanh toán 5% giá trị Hợp đồng còn lại tương đương 444 tỷ đồng: Cổ đông AVG đã có nhiều văn bản đề nghị Tổng Công ty MobiFone thanh toán. Ông Nguyên là người duy nhất trong Ban Tổng Giám đốc 3 lần từ chối bằng văn bản việc thanh toán 5% giá trị hợp đồng, từ chối việc trình hồ sơ quyết toán dự án.
Chính nhờ ông Nguyễn Đăng Nguyên phản đối nên 5% giá trị Hợp đồng còn lại không thanh toán được, có cơ sở pháp lý quan trọng để cổ đông AVG đơn phương đề nghị hủy bỏ thoả thuận hợp đồng hoàn lại vốn và lãi cho MobiFone.
Điều này được minh chứng tại Văn bản thông báo ngày 09/3/2018, ông Phạm Nhật Vũ yêu cầu hủy hợp đồng với lý do ghi rõ: “Theo điều 1.6 của thỏa thuận chuyển nhượng MobiFone phải thanh toán cho chúng tôi 5% tổng giá trị chuyển nhượng là ~ 444 tỷ VNĐ, nhưng thực tế sau ngày hoàn tất Hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng này chuyển giao ngày 08/4/2016, MobiFone đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, tức không chuyển 5% giá trị Hợp đồng còn lại ~ 444 tỷ VNĐ.
Mặc dù trước đó chúng tôi đã có văn bản ngày 09/4/2016 gửi MobiFone thanh toán số tiền này. Chấm dứt thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần số 2512/2015 MobiFone theo Điều 8.2 theo hướng huỷ bỏ thoả thuận”.
Kết luận điều tra cũng ghi rõ tại trang 36: “Nguyễn Đăng Nguyên đã nêu ý kiến về nội dung dự thảo vi phạm Điều lệ để HĐTV cân nhắc trước khi ký Hợp đồng theo thẩm quyền, đồng thời Nguyên không đồng ý thanh toán 5% giá trị Hợp đồng và không ký biên bản Ban chỉ đạo tiếp nhận dự án đầu tư dịch vụ truyền hình ngày 18/7/2016. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để thu hồi tiền cho Nhà nước”.
Mức độ phạm tội và kiến nghị
Qua phân tích hành vi của bị cáo Nguyên suốt quá trình diễn ra vụ án, Luật sư Thành đặt câu hỏi: “Ông Nguyên phạm tội mức độ nào?”. Việc xác định đúng mức độ phạm tội với ông Nguyên rất cần thiết vì bảo đảm sự công bằng giữa các bị cáo và hơn thế còn có ý nghĩa ngăn ngừa những vụ án tương tự. Theo Luật sư Thành, để làm rõ câu hỏi nêu trên cần căn cứ vào hồ sơ vụ án quá trình xử lý của cơ quan Đảng, hành chính và cơ quan tiến hành tố tụng.
Trước hết, về kỷ luật Đảng với ông Nguyên. Văn bản số 2881/CV.UB.KTTW ngày 13/6/2018 của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương về việc “Thi hành kỷ luật đối với Ban thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty MobiFone nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cá nhân” kết luận, Nguyễn Đăng Nguyên - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty MobiFonecó vi phạm khuyết điểm khi tham gia dự án.
Nhưng văn bản cũng chỉ rõ “HĐTV và Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty MobiFone không tiếp thu các ý kiến của đồng chí Phó Tổng Giám đốc còn băn khoăn về dự án. Báo cáo không trung thực với Bộ Thông tin và Truyền thông khi Tổng Công ty MobiFone không lập phương án đầu tư mới”.
Phó Tổng Giám đốc được nhắc đến chính là Nguyễn Đăng Nguyên. Từ kết luận trên, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đã kỷ luật ông Nguyên ở mức “Khiển trách” (Quyết định số 1373/QĐ-ĐUK ngày 27/02/2018).
Sau kỷ luật Đảng, HĐTV Tổng Công ty cũng có quyết định kỷ luật hành chính đối với ông Nguyên ở mức khiển trách. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, HĐTV Tổng Công ty đã tin tưởng, động viên và giao nhiệm vụ Phụ trách Tổng Giám đốc MobiFone cho ông Nguyên từ tháng 8/2018 cho đến ngày bị khởi tố (hơn 1 năm).
Dưới sự điều hành của ông Nguyên cùng tập thể lãnh đạo, Tổng Công ty viễn thông MobiFone đã có những bước phục hồi và chuyển biến tốt. Kết quả kinh doanh của Tổng Công ty 06 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế tăng 8,6% và lợi nhuận sau thuế tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (Văn bản số 246/CĐ.MOBIFONE ngày 30/08/2019 của Công đoàn Tổng Công ty Viễn thông MobiFone gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKSND tối cao đề nghị miễn, giảm trách nhiệm hình sự cho ông Nguyên).
Văn bản của Công đoàn vừa nêu viết: “Đồng chí Nguyễn Đăng Nguyên được giao phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc MobiFone. Áp lực và trọng trách điều hành công tác sản xuất kinh doanh chung, ổn định hoạt động của MobiFone và quản lý cả lĩnh vực tài chính kế toán, lĩnh vực chưa có kinh nghiệm trước đó lại tiếp tục đặt lên vai đồng chí. Tại thời điểm đó tập thể lao động MobiFone đều nhận định rằng đồng chí Nguyên là người xứng đáng, phù hợp để được lựa chọn cho vị trí này”.
Bào chữa của Luật sư Thành: “Cơ quan Đảng, quản lý nhà nước đã nhìn nhận thấu đáo những khuyết điểm của Nguyễn Đăng Nguyên không phải là từ bản chất của con người ông, lại là người có ý kiến không đồng thuận, băn khoăn về dự án mà không được cấp trên tiếp thu, nên đã xử lý có lý có tình. Khi MobiFone được sự điều hành của ông và tập thể Lãnh đạo đang dần hồi phục và chuyển biến tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì bất ngờ xảy đến, chỉ 03 ngày trước khi kết thúc điều tra vụ án ông bị khởi tố và đề nghị truy tố.
Thật sự đáng tiếc cho ông và 5.000 người lao động tại MobiFone. Khi vận dụng chính sách pháp luật đối với doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp, Đảng và Nhà nước cũng đã và đang chú trọng để phân hóa đối tượng khi áp dụng hình thức kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền, thiết nghĩ rằng Cơ quan tố tụng cũng nên xem xét để có sự phù hợp khách quan đối với những gì mà trước đó Đảng và cơ quan quản lý nhà nước đã có kết luận và xử lý.
Luật sư hy vọng HĐXX sẽ đánh giá công bằng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN hoạt động có hiệu quả, hiệu quả là thước đo bản lĩnh của người quản lý khi họ có cái tâm trong sáng.
Đề nghị HĐXX áp dụng Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 hoặc Điều 16 Bộ luật này để quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Đăng Nguyên.
Bởi vì, ông Nguyên đáp ứng điều kiện để có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29, cụ thể là: Khai rõ sự việc, góp phần hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận”.
Trong vụ án này cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố và truy tố ông Phạm Nhật Vũ về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” với lý do “Đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, nhiều tình tiết giảm nhẹ, làm nhiều công tác từ thiện…” nên áp dụng chính sách hình sự đặc biệt đối với ông. Tôi cũng không phản đối việc này, nhưng chính sách này cần phải được áp dụng công bằng đối với các bị cáo khác trong đó có bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên người đúng ra phải được ưu tiên số một vì ông đã có công trong việc ngăn cản thanh toán 5% cuối cùng dẫn đến không thanh lý được thoả thuận hợp đồng. Đó chính là cơ sở pháp lý để huỷ bỏ thoả thuận chuyển nhượng cổ phần và khắc phục toàn bộ hậu quả.
Luật sư Nguyễn Trường Thành
Sáu Nghệ