/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ 'bắn nhầm' dê của người dân: 3 cựu cán bộ Công an có thể bị xử lý như thế nào?

Vụ 'bắn nhầm' dê của người dân: 3 cựu cán bộ Công an có thể bị xử lý như thế nào?

28/06/2023 06:40 |

(LSVN) - Với hành vi trộm cắp tài sản từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính, bị kết án về tội danh xâm phạm quyền sở hữu mà còn vi phạm, những người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hiện trường vụ việc.

Tước danh hiệu Công an nhân dân ba cán bộ 'bắn nhầm' dê của người dân

Ngày 27/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Trộm cắp tài sản" xảy ra ngày 26/6/2023 tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức; Quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Nhân, Bùi Đình Việt và Bùi Tiến Tùng, để tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Công an TP. Hà Nội cũng yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy có liên quan trong việc quản lý để cán bộ sai phạm, vi phạm pháp luật; đồng thời, yêu cầu Công an huyện Mỹ Đức gặp trực tiếp xin lỗi và bồi thường đối với gia đình người bị hại.

Trước đó, trưa 26/6, Đại úy Nguyễn Văn Nhân, Thượng úy Bùi Đình Việt và Thượng úy Bùi Tiến Tùng đi xe ô tô, mang theo 1 khẩu súng hơi vào khu vực núi Mào Gà, thôn Ái Nàng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, để bắn chim. Trong lúc đi săn, nhóm này đã bắn chết 2 con dê của người dân và cho vào cốp xe ô tô, rồi đi về. Khi đến khu vực cầu Ái Nàng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, cả nhóm bị người dân phát hiện và chặn lại.

Sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Mỹ Đức phối hợp với Công an TP. Hà Nội đã có mặt để lập biên bản và xác định ba người là cán bộ đang công tác tại Công an thị trấn Đại Nghĩa. Khẩu súng dùng bắn dê là khẩu súng tự chế. Bước đầu, ba cán bộ Công an thừa nhận, vào giờ nghỉ trưa họ đi bắn chim. Tuy nhiên, họ bắn nhầm dê của người dân nuôi thả trên núi.

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng việc khởi tố vụ án hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" là có căn cứ. Theo quy định, điều kiện để khởi tố vụ án hình sự là vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Hành vi bắn dê nhưng không có mục đích chiếm đoạt có thể bị xử lý hình sự về tội "Hủy hoại tài sản", còn trường hợp săn bắn nhằm chiếm đoạt, đây là hành vi trộm cắp tài sản. Do đó, trường hợp xác định những con dê này là tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời định giá giá trị tài sản này từ 2.000.000 đồng trở lên đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về tội "Trộm cắp tài sản".

Với hành vi trộm cắp tài sản từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính, bị kết án về tội danh xâm phạm quyền sở hữu mà còn vi phạm, những người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc hành vi được xác định là phạm tội có tổ chức, những người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo quy định tại điều 173 Bộ luật Hình sự. Còn trường hợp không có tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tới 3 năm tù.

Có thể điều tra thêm tội danh

Chia sẻ thêm một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc, Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo thông tin ban đầu, ba cựu cán bộ Công an đã sử dụng súng hơi tự chế để săn bắt. Khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định súng hơi là một dạng súng săn và mang tính chất của vũ khí nói chung, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất. Trong vụ việc, các cán bộ đã bắn chết hai con dê, có thể thấy, lực sát thương của khẩu súng được sử dụng là không hề nhỏ, có tính nguy hiểm. 

Hơn nữa, cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật này thì hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Tùy vào tính chất mục đích của hành vi, những người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Theo đó, hành vi chế tạo các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn đã vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm tại điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Do đó, người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp tịch thu tang vật theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều trên.

"Mặt khác, nếu những người này trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi chế tạo vũ khí thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sử dụng súng săn" theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, mức hình phạt có thể áp dụng đối với họ là bị phạt tù từ 01 đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, bị phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 đến 05 năm. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thiết đặt ra, còn để xác định ngoài hành vi trộm cắp tài sản đã bị khởi tố, ba người này có thể bị khởi tố về hành vi sử dụng súng săn hay không còn phụ thuộc vào kết luận từ phía cơ quan điều tra", Luật sư Tiền nói.

Bên cạnh đó, 3 cựu cán bộ Công an có hành vi vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân theo quy định của pháp luật dân sự. Cụ thể, Điều 598 Bộ luật Dân sự quy định bồi thường do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại sẽ bao gồm: Tài sản bị hủy hoại; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại và thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, Luật sư Tiền cho rằng cần xem xét, xác định trách nhiệm của cán bộ quản lý, lãnh đạo cấp trên của 3 cựu cán bộ Công an trong sự việc lần này, vì đã để cấp dưới thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, căn cứ vào mức độ, tính chất vi phạm và thiệt hại đối với người dân để xác định trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo và có phương án xử lý kỷ luật theo quy định của ngành Công an nhân dân.

DUY ANH

Bùi Thị Thanh Loan