/ Pháp luật - Đời sống
/ Vụ bệnh nhân hành hung bác sĩ: Có thể bị xử lý hình sự nếu bác sĩ bị thương tích từ 11% trở lên

Vụ bệnh nhân hành hung bác sĩ: Có thể bị xử lý hình sự nếu bác sĩ bị thương tích từ 11% trở lên

06/02/2021 03:59 |

(LSVN) - Luật sư nhận định, với hành vi hành hung bác sĩ, bệnh nhân có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 167/2012/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa là 4.000.000 đồng. Đồng thời, nếu bác sĩ bị thương tích từ 11% trở lên, thì người hành hung là bệnh nhân còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Cố ý gây thương tích".

Ông N. được bảo vệ bệnh viện giữ lại khi hành hung bác sĩ. Ảnh: Cắt từ clip.

Vào ngày 03/02, Khoa Cấp cứu của bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam đã tiếp nhận bệnh nhân tên H.N. (42 tuổi, ở xã Điện Phương) trong tình trạng tay bị vết rách lớn, máu chảy nhiều.

Tuy nhiên, khi được nhân viên cấp cứu đề nghị mang khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19 thì bệnh nhân trên đã không những không chấp hành mà còn lớn tiếng quát nạt và hành hung bác sĩ tại bệnh viện.

Mặc dù bị đánh, bác sĩ vẫn thuyết phục bệnh nhân để đưa lên phòng mổ và chữa trị vết thương.

Trao đổi với báo chí, ngày 05/02, bác sĩ Trần Đỗ Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam thông tin, hiện bệnh viện đang điều trị cho bác sĩ T. (người bị bệnh nhân H.N. trên hành hung). Được biết, sau khi bị đánh, bác sĩ T. đã được đưa đi chụp CT cắt lớp.

“Bác sĩ T. bị thương tích vùng mặt bên trái, có sưng nề, đau đầu, chóng mặt. Tuy sự việc xảy ra đã 2 ngày nhưng anh T. vẫn còn rất hoang mang", Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam cho biết.

Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho hay, từ trước đến nay đã có nhiều trường hợp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung các y, bác sĩ tại bệnh viện và được báo chí đăng tải thông tin.

Và có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có trường hợp thì xuất phát từ tính nóng nảy, côn đồ của bệnh nhân hoặc người nhà; có trường hợp thì do say rượu hoặc các chất kích thích khác dẫn đến mất kiểm soát hành động. Nhưng cũng có trường hợp do thái độ làm việc, phục vụ chưa chuẩn mực của y, bác sĩ đã khiến bệnh nhân bức xúc… Tuy nhiên, Luật sư Thanh nhận định, dù là vì lý do gì thì hành hung người khác cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

“Trong vụ việc xảy ra tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam chiều ngày 03/2/2021 vừa qua, bệnh nhân H.N đã đánh bác sĩ T. do không hài lòng khi bị bác sĩ T. nhắc nhở đeo khẩu trang để phòng dịch. Nếu điều này là chính xác, thì rất cần một hình thức xử lý nghiêm đối với ông N”, Luật sư Hồng Thanh cho hay.

Theo Luật sư Thanh, với hành vi trên, ông N. hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a, khoản 2, Điều 5, Nghị định số 167/2012/NĐ-CP (Đánh nhau) và điểm h, khoản 3, Điều 5, Nghị định này (Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức); và mức phạt tiền tối đa cho cả hai chế tài là 4.000.000 đồng.

Nghị định số 167/2012/NĐ-CP quy định về  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa chát; phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể như sau:

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;
c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
b) Báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng;
d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;
đ) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;
e) Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác;
g) Thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả “đèn trời”;
h) Sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở các bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;
b) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
c) Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau;
d) Gây rối trật tự tại phiên tòa, nơi thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án;
đ) Gây rối trật tự tại nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế;
e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;
g) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
h) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức;
i) Tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm;
k) Tổ chức, tạo điều kiện cho người khác kết hôn với người nước ngoài trái với thuần phong mỹ tục hoặc trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
l) Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân;
m) Tàng trữ, vận chuyển “đèn trời”.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ;
b) Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán "đèn trời".
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm g Khoản 2; Điểm a, l, m Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.
6. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điểm k Khoản 3 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng thời, nếu bác sỹ T. bị thương tích từ 11% trở lên, ông N. còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" cụ thể như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

LÂM HOÀNG

'Hôi của' - Vấn đề đạo đức và pháp lý

 

 

Lê Minh Hoàng