/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ bị can giết người có bệnh án tâm thần vẫn điều hành đường dây bảo kê, tín dụng đen: 'Lỗ hổng' cho những kẻ phạm tội

Vụ bị can giết người có bệnh án tâm thần vẫn điều hành đường dây bảo kê, tín dụng đen: 'Lỗ hổng' cho những kẻ phạm tội

02/06/2021 06:03 |

(LSVN) - Việc pháp luật hiện hành quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây được xem như là "lỗ hổng" để cho những kẻ phạm tội bằng một cách nào đó tạo ra các giấy tờ giả nhằm hợp thức hóa việc "giả tâm thần" hòng thoát vòng lao lý.

Dũng và nhóm đàn em tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an cung cấp.

Liên quan đến vụ bị can trong vụ án giết người, có bệnh án tâm thần vẫn điều hành đường dây bảo kê, tín dụng đen.

Ngày 31/5, Phòng cảnh sát Hình sự Công an TP. Hà Nội cho biết, hiện đang tạm giữ Nguyễn Việt Dũng (39 tuổi, trú quận Cầu Giấy, còn gọi là "Dũng Ốt") và 06 nghi phạm khác để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đồng thời tiếp tục làm rõ các hành vi phạm tội “Bảo kê”, “Cưỡng đoạt tài sản”...

Theo cơ quan Công an, Dũng là bị can trong vụ án giết người xảy ra tại quận Cầu Giấy từ năm 2011. Sau khi gây án, Dũng bỏ trốn. Sau đó đối tượng này làm bệnh án tâm thần, rồi ra cơ quan Công an đầu thú.

Nhờ bệnh án này, Dũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I. Tuy nhiên, thời gian này Dũng vẫn ra ngoài, gặp gỡ và quan hệ với các đối tượng xã hội.

Theo đó, Dũng đã câu kết với các đối tượng khác, tập hợp “đàn em” lấn chiếm các khu đất trống sát với các dự án xây dựng, dựng nhà tôn, nhà container để ăn ở, sinh hoạt, dùng diện tích đất đó để trông giữ xe, buôn bán vật liệu xây dựng, cũng như tổ chức đánh bạc, chốt sổ công nợ, thu tiền lãi cho vay hàng ngày...

Sau 06 tháng thu thập tài liệu, ngày 24/5, 11 tổ công tác được triển khai đồng loạt khám xét, kiểm tra hành chính các bãi trông xe, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng..., thu giữ hàng chục dao kiếm, vũ khí thô sơ các loại được nhóm đối tượng này sử dụng để hoạt động phạm tội.

Hàng trăm tài liệu giấy tờ, sổ sách liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng của ổ nhóm cũng như bảo kê bến bãi vật liệu xây dựng cũng bị thu giữ. Cùng với đó là nhiều két sắt, bảng thống kê hơn 500 khách vay nợ nặng lãi của đường dây này cũng được Cảnh sát thu giữ.

Để điều tra mở rộng hành vi phạm tội của nhóm này, đặc biệt là hành vi cưỡng đoạt tài sản, bảo kê bến bãi, buôn bán phế liệu, vật liệu xây dựng, Phòng cảnh sát Hình sự Công an TP. Hà Nội  đã đề nghị ai là bị hại của nhóm Dũng đến trụ sở trình báo.

“Lỗ hổng” cho những kẻ phạm tội

Theo Luật sư Nguyễn Văn Cận, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết, việc pháp luật hiện hành quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, đây được xem như là “lỗ hổng” để cho những kẻ phạm tội bằng một cách nào đó tạo ra các giấy tờ giả nhằm hợp thức hóa việc “giả tâm thần” hòng thoát vòng lao lý.

Luật sư Nguyễn Văn Cận, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai.

“Như vậy, một số đối tượng phạm pháp biết được quy định này nên đã yêu cầu cơ sở chữa bệnh làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để không phải chấp hành hình phạt tù mà sẽ được áp dụng bệnh pháp chữa bệnh. Sau đó lợi dụng việc đang chữa bệnh để tiếp tục ra ngoài phạm pháp”, Luật sư Cận nhận định.

Theo Luật sư Cận, theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Ngoài ra tại Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã quy định về các trường hợp “Bắt buộc chữa bênh” như sau:

1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Vấn đề quản lý người bị tâm thần đã đến mức báo động?

Theo đó, Luật sư Cận đánh giá, người tâm thần có những hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác là một hiện tượng hết sức nguy hiểm cho xã hội. Pháp luật hiện hành có quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

“Hiện chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì thường vẫn đang sinh hoạt tự do, không có người quản lý, ngoại trừ gia đình. Nếu trong trường hợp gia đình không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời trường hợp người tâm thần phát bệnh và có những hành vi vi phạm pháp luật, từ đó rất dễ dẫn đến những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Đây cũng chính là mối tiềm ẩn gây ra nguy hiểm cao độ cho xã hội”, Luật sư Cận nói.

Để khắc phục một số bất cập này, Luật sư Cận cho rằng, những gia đình có người bị bệnh tâm thần cần chủ động đưa người bệnh đi khám, chữa bệnh. Ngoài ra, cũng không nên quá trông chờ vào những cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương mà trách nhiệm chính vẫn là từ các gia đình của người có dấu hiệu tâm thần, cần giám sát và tận tâm, chia sẻ, phải đưa người tâm thần đi chữa bệnh kịp thời để phòng những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Chịu trách nhiệm hình sự nếu tiếp tay làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần

Luật sư Cận cũng cho biết, theo quy định tại Điều 76, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm quy định tại các điều: tội “Buôn lậu”; tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”; tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”; tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”; tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”; tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”; tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”; tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi”; tội “Đầu cơ”; tội “Trốn thuế”; tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”; tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”; tội “Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán”; tội “Thao túng thị trường chứng khoán”; tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”; tội “Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”; tội “Vi phạm quy định về cạnh tranh”; tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”; tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”; tội “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”; tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”; tội “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã”.

Trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa được sửa đổi, bổ sung thì chỉ có 31 tội danh mà pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015  được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì ngoài 31 tội danh đã được quy định trong Bộ luật hình sự thì Quốc hội đã bổ sung thêm 02 tội, đó là tội “Tài trợ khủng bố” và tội “Rửa tiền”.

 Như vậy, tổng số tội danh mà pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là 33 tội.

“Như vậy, theo các quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự về việc cấp giấy bệnh án cho đối tượng phạm pháp”, Luật sư Cận cho hay.

Tuy nhiên, Luật sư Cận cũng cho rằng, trách nghiệm pháp lý sẽ do cá nhân người nào tiếp tay làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần.

Cụ thể, tại điểm b, khoản 3, Điều 382, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định, người làm công tác giám định tâm thần nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 03-07 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.

Ngoài ra, với loại hồ sơ do giám định viên, bác sĩ được phân công kiểm tra, xác nhận thì hành vi của người làm giả sẽ thuộc vào trường hợp thi hành công vụ, nhiệm vụ. Lúc này, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao. Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 01-05 năm... Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên thì bị phạt tù từ 12- 20 năm.

Nếu người này đã nhận hoặc có hứa hẹn sẽ nhận được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để làm giả hồ sơ bệnh án, thì việc làm giả của họ có dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ” (Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017), người đưa tiền có dấu hiệu của tội “Đưa hối lộ” (Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017)". Còn nếu không chứng minh được tình tiết đã hoặc sẽ nhận lợi ích thì người phạm tội có thể bị xem xét về tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

Trong trường hợp người làm giả là những cá nhân không được phân công công việc đó, xác định họ không có chức vụ, quyền hạn đối với việc làm giả. Do đó, họ sẽ không bị định tội danh đối với nhóm về chức vụ, mà có thể xem xét theo tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” (Điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu bệnh viện và các cá nhân được giao quản lý

Luật sư Cận cho biết, Bộ y tế đã ban hành Quyết định số 5091/QĐ-BYT ngày 07/12/2020 ban quy trình tiếp nhận, và quản lý người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh. Theo Quyết định này thì Khoa/khu/buồng điều trị nội trú đối với người bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần được bố trí riêng; được kiểm soát chặt chẽ người ra vào.

Trong quá trình điều trị, không để người bệnh tự ra khỏi khu vực điều trị. Khi đưa người bệnh ra khỏi khu điều trị để đi khám/hoạt động liệu pháp phải có nhân viên y tế đi cùng giám sát và được 04 bàn giao giữa người quản lý và người đưa đi. Trong quá trình điều trị, người bệnh được chăm sóc, điều trị như những người bệnh tâm thần khác.

Như vậy, việc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã để cho đối tượng bắt buộc chữa bệnh ra ngoài đã sai phạm các quy định của Bộ Y Tế nên trách nhiệm thuộc về người đứng đầu bệnh viện và các cá nhân được giao quản lý đối với người bắt buộc chữa bệnh.

“Đối với trách nhiệm quản lý của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tôi chỉ góp ý về việc quản lý người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, đây là những đối tượng đã từng phạm pháp nên rất ma mãnh và có nhiều thủ đoạn để trốn khỏi nơi điều trị để tiếp tục phạm pháp. Vì vậy, cần tuân thủ các quy định của Quyết định số 5091/QĐ-BYT ngày 07/12/2020 mà Bộ Y tế đã ban hành, nếu các đối tượng trốn khỏi nơi chữa bệnh thì phải lập tức báo cho cơ quan, lực lượng Công an để truy tìm người trốn viện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Luật sư Nguyễn Văn Cận bày tỏ quan điểm.

TRẦN MINH

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có chức vụ quyền hạn trong vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I?

Admin