Lực lượng chức năng xử lý vụ hỏa hoạn tại hiện trường. Ảnh: LĐO.
Mới đây, vào khoảng 20h chiều ngày 01/8, lực lượng chức năng Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã phong tỏa hiện trường, điều tra làm rõ vụ cháy xảy ra tại quán Karaoke ISIS số 231 bờ sông Quan Hoa, phường Quan Hoa.
Được biết, đã có 03 Cảnh sát hy sinh trong khi dập đám cháy tại quán karaoke này.
Thời điểm xảy ra, tại hiện trường, vẫn còn ít nhất 04 xe phòng cháy chữa cháy; các xe cứu thương, xe chở nước sạch và máy xúc trong khu vực hỏa hoạn.
Lực lượng chức năng đã chốt chặn tại đầu tuyến đường bờ sông Quan Hoa, các phương tiện ngừng di chuyển qua đây.
Vụ việc trên xảy ra không ít dư luận đã có ý kiến, nhiều người đặt ra câu hỏi về tính an toàn trong phòng cháy chữa cháy cũng như vụ việc trên sẽ được xử lý thế nào theo pháp luật hiện hành?
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, hàng năm nhắt là vào mùa hè cơ quan chức năng luôn tổ chức các hoạt động kiểm tra, tuyên truyền đến người dân, các cơ quan, tổ chức nhằm quán triệt việc phòng chống cháy nổ.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra không ít các vụ cháy bổ, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan. Nhưng theo Luật sư, nguyên nhân của sự cố cháy nổ hầu như phần lớn thuộc về nguyên nhân chủ quan đến từ cá nhân, tổ chức tại hiện trường vụ việc, một phần đến từ việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.
Sự việc cháy nổ tại quán Karaoke tại Cầu Giấy đã khiến 03 chiến sĩ Cảnh sát tham gia cứu hộ cứu nạn hy sinh là một hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng cháy chữa cháy. Theo đó, từ góc độ pháp lý, Luật sư đưa ra một số nhận định.
Cụ thể, muốn xem xét trách nhiệm trước, cơ quan chức năng sẽ phải xác định được nguyên nhân vụ cháy nổ bắt nguồn từ đâu, nếu biết cháy nổ từ đâu sẽ biết thời điểm cháy nổ do ai, do tổ chức nào đang thực hiện nhiệm vụ, thực hiện công việc. Cháy nổ là do bất cẩn, do cẩu thả, chủ quan hay thực hiện đúng quy trình công việc nhưng do không lường trước được sự cố.
Phải thấy rằng, thời điểm này chỉ có công nhân của đơn vị đang thi công hoàn thiện công trình (người của pháp nhân cơ quan thi công, nhà thầu), do quán karaoke chưa đưa vào hoạt động chưa có nhân viên để khẳng định nguyên nhân do người lao động của quán gây ra. Trách nhiệm chỉ thuộc về chủ cơ sở khi đơn vị này không xin cấp phép sửa chữa khi triển khai các công việc sửa chữa, tức chưa được cấp phép đã vội vàng tiến hành sửa chữa.
Còn trong trường hợp chủ cơ sở đã xin cấp phép và được sự cho phép sửa chữa, nâng cấp các hạng mục thành các phòng hát karaoke; thì trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công, đơn vị thi công có thể không tuân thủ các điều kiện về thi công như trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy, bất cẩn để việc hàn xì, chập điện khi thi công dẫn đến lửa cháy lan sang các vật liệu trang bị cho phòng hát (là những vật liệu xốp, gỗ để trang trí dễ bắt lửa), còn nếu công trình không đảm bảo để được cấp phép nhưng đơn vị vẫn cấp phép sửa chữa, nâng cấp thì đơn vị này sẽ liên đới chịu trách nhiệm.
Theo đó, chế tài xử lý đối với cá nhân, tổ chức vi phạm sau khi xác định được nguyên nhân vụ cháy, xác định được đối tượng gây ra vụ cháy, có thể tùy tính chất, mức độ của hành vi những cá nhân, tổ chức có liên quan mà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, buộc dừng việc nâng cấp, cải tạo không đảm bảo an toàn, không đảm bảo kỹ thuật.
Nếu xác định có dấu hiệu của việc thiếu trách nhiệm kiểm tra, quản lý, giám sát của những người có chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng thì những người vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360, Bộ luật Hình sự 2015; về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động" theo Điều 295, Bộ luật Hình sự 2015.
Còn nếu nguyên nhân xuất phát từ việc chủ ý gây ra 01 vụ cháy từ một ai đó thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Hủy hoại tài sản" theo Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015.
Về vấn đề liên quan tới việc các chiến sĩ hy sinh tại hiện trường liệu có được bồi thường hay không, bồi thường thế nào và pháp luật quy định thế nào về trường hợp này? Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, tham gia công tác cứu hộ có 02 Đội cảnh sát PCCC của Công an Quận Cầu Giấy và Công an Quận Đống Đa, tuy nhiên hậu quả đáng buồn là trong quá trình cứu hộ sự cố cháy nổ trên đã khiến 03 chiến sĩ Cảnh sát bị hy sinh khi đang tham gia cứu hộ, việc bồi thường hỗ trợ cho gia đình 03 chiến sĩ này sẽ được cơ quan nơi các chiến sĩ Cảnh sát này đang công tác hỗ trợ, các chiến sĩ sẽ được phong tặng danh hiệu Liệt sĩ (do hy sinh khi đang làm nhiệm vụ).
Ngoài ra, tuy không phải là trách nhiệm nhưng là một việc nên làm thì chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình cũng cần có động thái động viên, thăm hỏi, hỗ trợ tinh thần, vật chất cho gia đình các chiến sĩ hy sinh này nhằm xoa dịu nỗi đau và mất mát cho các gia đình. Việc bồi thường, hỗ trợ cho các chiến sĩ theo quy định ngành Công an, còn việc bồi thường hỗ trợ của đơn vị gây ra sự cố đối với các cá nhân, tổ chức gây ra vụ cháy thì mang tinh thần tự nguyện.
"Những sự cố cháy nổ luôn gây ra những thiệt hại, mất mát rất lớn về tài sản và người nên nhận thức được vấn đề này hằng năm cơ quan chức năng luôn kiểm tra, tuyên truyền rất nhiều về vấn đề phòng chống cháy nổ, nhưng còn nhiều hạn chế từ nhiều phía như: Việc kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo, chưa thực hiện thường xuyên – liên tục, việc cấp phép cho những cơ sở chưa đủ điều kiện kinh doanh còn chưa đúng, những căn nhà chủ cơ sở karaoke thuê lại của người dân để cải tạo thành quán hét tiềm ẩn nhiều nguy cơ do biến thiết kế mục đích để ở sang kinh doanh phòng hát không gian hạn hẹp nhưng lại chất đầy vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự cố cháy nổ. Đặc biệt, một bộ phận công nhân thi công công trình còn chưa tuân thủ các quy trình làm việc cẩu thả, thiếu quan sát, kiểm tra, thiếu trách nhiệm quản lý của người đứng đầu tổ chức… dẫn đến hậu quả đang tiếc thiệt hại lớn về người và tài sản. Những đám cháy nếu không được kịp thời chữa cháy thì nguy cơ cháy lan sang các tòa nhà bên cạnh gây thiệt hại lớn hơn về người và tài sản. Vì vậy theo tôi, cần siết chặt công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở có kinh doanh karaoke, cơ sở cho thuê nhà, công trình… nếu không đảm bảo phương án phòng cháy thì kiên quyết không cho kinh doanh, không cho chuyển đổi mục đích nhà ở sang kinh doanh karaoke, nhà nghỉ, khách sạn…", Luật sư bày tỏ quan điểm.
HOÀNG NGUYỄN
Vụ lái xe có tiền sử động kinh gây tai nạn liên hoàn: Ai chịu trách nhiệm?