/ Pháp luật - Đời sống
/ Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang: Tranh chấp quyền sở hữu đất rừng bao giờ có hồi kết?

Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang: Tranh chấp quyền sở hữu đất rừng bao giờ có hồi kết?

09/03/2022 07:30 |

(LSVN) -  Theo phản ánh, năm 2001, UBND xã Vĩnh Khương phối hợp với Lâm trường Sơn Động I giao đất cho các hộ dân thực hiện dự án trồng rừng Việt Đức khi chưa có các quyết định thu hồi đất, dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài hàng chục năm vẫn chưa có hồi kết. Để giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp, biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất đã được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đồng thời, xem xét trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức trong quá trình giao đất, cấp GCNQSDĐ trái quy định.

Nội dung vụ việc

Căn cứ vào Quyết định 840/QĐ/TTg ngày 04/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án "Trồng rừng tại các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh và Lạng Sơn" do Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức viện trợ không hoàn lại (Dự án trồng rừng Việt Đức).

Tại thời điểm Dự án trồng rừng Việt Đức triển khai tại huyện Sơn Động năm 2001, nhiều hộ dân thuộc xã Vĩnh Khương đã được UBND xã Vĩnh Khương đã phối hợp với Lâm trường Sơn Động I giao đất cho nhiều hộ thực hiện dự án trồng rừng trên phần diện tích đất 50,2ha thuộc lô 1 khoảnh 4 của hộ ông Lê Văn Sử, đã được UBND huyện Sơn Động cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp năm 1996 (cấp đổi năm 1999, bị tẩy xóa, làm giả..); diện tích đất 23,3 thuộc lô 1 khoảnh 5, đã được UBND huyện Sơn Động cấp cho hộ ông Hoàng Văn Đức theo GCNQSDĐ lâm nghiệp cấp đổi số 00437 QSDĐ năm 1999.

Việc UBND xã Vĩnh Khương đã phối hợp với Lâm trường Sơn Động I giao đất cho nhiều hộ thực hiện dự án trồng rừng trên phần diện tích đất của các hộ dân đã được UBND huyện giao đất, cấp GCNQSDĐ có đúng thẩm quyền, có tuân thủ các quy định luật pháp?

Trên thực tế, hộ ông Lê Văn Sử, ông Hoàng Văn Đức kể từ khi được UBND huyện Sơn Động giao đất từ năm 1996 (cấp đổi năm 1999) đến nay chưa có bất kỳ các quyết định thu hồi đất nào được ban hành. Việc cấp GCNQSDĐ được dựa trên căn cứ khoản 2, Điều 16 Luật Đất đai; Quyết định 184/HĐBT ngày 06/11/1982 và Quyết định 327/HĐBT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về giao đất giao rừng; căn cứ vào Quyết định 678/UBND ngày 21/9/1988 của UBND tỉnh Hà Bắc về chính sách giao đất giao rừng; căn cứ vào Nghị định 02/CP ngày 15/01/1994 về giao đất giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ổn định làm sản xuất kinh doanh.

Với quyền chủ động sản xuất kinh doanh nông lâm kết hợp theo kế hoạch, kế hoạch của Nhà nước và địa phương ổn định lâu dài thời gian 50 năm và được hưởng thành quả lao động do chính mình làm ra theo chế độ chính sách hiện hành, được thừa kế và chuyển quyền sử dụng đất rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Đất đai. Khi Nhà nước cần thu hồi đất rừng và đất lâm nghiệp vào mục đích khác, gia đình được bồi thường thành quả lao động đã làm ra và được Nhà nước giao cho khu đất khác nếu có.

Căn cứ vào quy định của Luật Đất đai năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2001 (tại các Điều 19, Điều 21, Điều 24, Luật Đất đai quy định về thẩm quyền giao đất, thu hồi đất), có thể nhận định UBND xã Vĩnh Khương đã phối hợp với Lâm trường Sơn Động I giao đất cho nhiều hộ thực hiện dự án trồng rừng trên phần diện tích đất đã được UBND huyện Sơn Động cấp GCNQSDĐ khi chưa có các Quyết định thu hồi đất là trái với quy định, không đúng thẩm quyền.

Điều 19: Các căn cứ để quyết định giao đất, cho thuê đất:

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt;

2. Yêu cầu sử dụng đất ghi trong dự án đầu tư và trong thiết kế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt hoặc chấp thuận bằng văn bản về địa điểm, diện tích đất hoặc đơn xin giao đất, thuê đất.

Điều 21: Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó.

Điều 24: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối được quy định như sau:

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định giao đất, cho thuê đất cho tổ chức kinh tế sử dụng đất;

2. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân;

3. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn cho thuê đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

Cấp GCNQSDĐ đất trái quy định?

Việc UBND xã Vĩnh Khương đã phối hợp với Lâm trường Sơn Động I giao đất cho nhiều hộ thực hiện dự án trồng rừng Việt Đức vào phần diện tích đất đã được UBND huyện Sơn Động cấp GCNQSDĐ dẫn đến việc tranh chấp đất đai giữa các hộ dân đến nay chưa có hồi kết. Đối với hộ nhà ông Lê Văn Sử có 13 hộ dân được giao đất trồng rừng nằm trên diện tích đất 50,2ha; đối với hộ nhà ông Hoàng Văn Đức có 15 hộ dân được giao đất trồng rừng Việt Đức trên diện tích 23,3ha.

Trước những dấu hiệu vi phạm của UBND xã Vĩnh Khương trong việc phối hợp với Lâm trường Sơn Động I giao đất cho nhiều hộ thực hiện dự án trong việc giao đất trái quy định. UBND huyện Sơn Động không những không thẩm định, xử lý theo đúng quy định tại thời điểm giao đất triển khai thực hiện dự án, mà sau khi dự án kết thúc (năm 2012) còn lập, xét duyệt hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho 13 hộ dân trên phần diện tích đất đã cấp GCNQSDĐ.

Việc UBND huyện Sơn Đông cấp GCNQSDĐ cho 13 hộ dân vào năm 2014 là trái quy định Luật Đất đai năm 2013, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Lê Văn Sử.

Để xử lý sai phạm, năm 2017 tại Thông báo số 17/TB-UBND của ông Nguyễn Việt Ước, Phó Chủ tịch huyện Sơn Động ngày 20/3/2017 về thu hồi GCNQSDĐ đã được cấp đối với 13 hộ dân (tại thôn Đồng Mặn, xã Vĩnh Khương, huyện Sơn Động) với lý do thu hồi: Do cấp 13 GCNQSDĐ đã cấp không đúng đối tượng sử dụng đất (cấp vào diện tích đất tại lô 1, khoảnh 4 của gia đình ông Lê Văn Sử).

Thông báo thu hồi GCNQSDĐ của UBND huyện Sơn Động.

Truớc thực trạng những vi phạm trong quá trình giao đất dự án, cấp GCNQSDĐ trái quy định luật pháp đã diễn ra tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đến nay vẫn chưa có một cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm. Quyền và lợi ích hợp pháp của hộ ông Sử, ông Đức có GCNQSDĐ đang bị xâm phạm nghiêm trọng cần sự bảo vệ của các cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Bắc Giang, huyện Sơn Động, tránh tình trạng “nghiêng luật” bao che, hợp thức hóa cho sai phạm. Đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, ổn định sản xuất, phát huy hiệu quả nguồn lực kinh tế rừng.

Giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân và xử lý sai phạm

Để có góc nhìn đa chiều, nhận định các quy định luật pháp có hiệu lực qua các thời kỳ, việc giao đất, cấp GCNQSDĐ, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong trường hợp công dân có GCNQSDĐ hợp pháp bị xâm phạm, xem xét trách nhiệm và xử lý sai phạm, Luật sư Lê Đức Minh, Văn phòng Luật sư Vũ Đức, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, thứ nhất, trong trường hợp giao đất trái thẩm quyền, mà lại giao đất vào diện tích đất đang có người sử dụng, không phân biệt có giấy tờ về quyền sử dụng đất hay không, không có Quyết định thu hồi đất đối với người đang sử dụng đất là việc hoàn toàn trái pháp luật. Theo pháp luật về đất đai qua các thời kỳ thì Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, được Nhà nước bảo vệ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình (khoản 1, Điều 3 Luật Đất đai 1993; khoản 5, Điều 105 Luật Đất đai 2003, khoản 5, Điều 166 Luật Đất đai 2013 và Điều IV giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp).

Theo Điều 21 Luật Đất đai 1993, được sửa đổi, bổ sung năm 1998; 2001 quy định tại Điều 21, việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó. Tại Điều 53 Luật Đất đai 2013 quy định, giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác: “Việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật này và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng”.

Thứ hai, đối với các trường hợp giao đất trái thẩm quyền và lại giao đất vào diện tích đất đang có người sử dụng là sự vi phạm pháp luật về đất đai của cơ quan quản lý, cụ thể là UBND cấp xã, phường, thị trấn. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, thanh tra chuyên ngành đất đai có trách nhiệm thanh tra về nội dung theo điểm a, khoản 2 và thực hiện nhiệm vụ được quy định tại điểm a, b, khoản 3 Điều 201 Luật Đất đai 2013, kiến nghị UBND cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 70 Luật Đất đai 2013 thì trình tự thủ tục cấp GCNQSD đất đối với các cá nhân liên quan đến UBND cấp xã, phường, thị trấn; văn phòng đăng ký đất đai; cơ quan tài nguyên và môi trường và UBND cấp có thẩm quyền.

Trong trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân thì vai trò của UBND cấp xã, phường, thị trấn đặc biệt quan trọng vì cấp này trực tiếp quản lý hồ sơ địa chính, quản lý việc sử dụng đất đai trên thực tế của hộ gia đình, cá nhân. Việc kiểm tra hồ sơ và xác nhận hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký là cơ sở, là tiền đề cho việc các cơ quan khác cấp GCNQSDĐ có đúng pháp luật hay không? Có dẫn đến tranh chấp về đất đai hay không?

Đối với việc cấp sai GCNQSD đất đối với các cá nhân cần cụ thể hóa trách nhiện của từng cá nhân, tổ chức có liên quan: Đối với UBND cấp huyện ký GCNQSDĐ sai thì phải thu hồi GCNQSDĐ đã cấp theo quy định tại điểm d, khoản 2; khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai 2013. Đối với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường xem xét trách nhiệm về việc kiểm tra hồ sơ. Trong trường hợp UBND cấp xã, phường, thị trấn cung cấp thông tin sai, làm giả hồ sơ, trình thẩm định, xét duyệt cấp GCNQSDĐ của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền sai phạm thì tùy theo hậu quả cụ thể để tiến hành xử lý kỷ luật hoặc truy tố hình sự nếu có đủ dấu hiệu phạm tội.

Thứ tư, đối với các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần giải quyết triệt để sự việc theo đúng thẩm quyền, đúng luật pháp. Theo quy định tại điểm b, khoản 1 điều 16 Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước quyết định thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai, vì vậy đối với các trường hợp giao đất trái thẩm quyền mà không đủ điều kiện để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì UBND cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã ban hành quyết định thu hồi đất; tổ chức cưỡng chế thực hiện quết định thu hồi đất (nếu cần).

VƯƠNG HƯỞNG

Vụ chia hàng chục ha đất ‘vô lý’ ở Sơn Động (Bắc Giang): Bao giờ có kết quả trả lời công dân?

Lê Minh Hoàng