/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ clip 'nóng' bị phát tán: Ai có quyền ra lệnh thu giữ, khám xét điện thoại của người khác?

Vụ clip 'nóng' bị phát tán: Ai có quyền ra lệnh thu giữ, khám xét điện thoại của người khác?

02/06/2021 09:30 |

(LSVN) - Pháp luật đã quy định chi tiết về căn cứ, thẩm quyền để tạm thu giữ, khám xét tài sản của cá nhân (bao gồm cả điện thoại di động) để phục vụ quá trình xác minh, xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cũng chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu liên quan trực tiếp đến vụ việc vi phạm hành chính. Còn các dữ liệu khác thuộc về bí mật cá nhân của người sở hữu tài sản phải được đảm bảo, tôn trọng và bảo vệ bí mật tuyệt đối.

Liên quan đến vụ việc đoạn clip dài khoảng 8 phút, quay lại cảnh ân ái giữa V.T.A.T. (23 tuổi) và một người đàn ông bị phát tán trên mạng xã hội. Cụ thể, tối 26/5, chị T. cùng nhóm bạn bị Công an phường đưa về trụ sở làm việc do bật nhạc lớn trong khi ăn uống tại nhà. Tại trụ sở, T. được yêu cầu nộp điện thoại và cung cấp mật khẩu để phục vụ công tác điều tra. Sau khi làm việc xong, họ được trả lại điện thoại và cho về. Sáng hôm sau, cô gái hoảng hốt khi bạn bè thông báo clip đó bị lan truyền. Sau đó, T. gọi điện cho cán bộ Công an làm việc trực tiếp với mình tối hôm trước để trao đổi về vụ việc và được trả lời rằng Công an sẽ xác minh nguyên nhân.

Hiện tại, Công an TP. cũng đã vào cuộc điều tra xác minh nguồn gốc sự việc.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý xoay quanh vụ việc này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc, Hãng luật TGS cho biết, căn cứ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, việc thu giữ tài sản chỉ diễn ra khi có căn cứ xác định tài sản đó là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc để đảm bảo xử lý vi phạm hành chính. Khi thực hiện việc tạm giữ cần phải lập thành biên bản và niêm phong tang vật. Trường hợp tang vật niêm phong thì phải được niêm phong ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến. Đồng thời, người ra quyết định tạm giữ tang vật là người có trách nhiệm bảo quản tang vật đó. 

Pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành cũng quy định cụ thể về thẩm quyền của cơ quan, cá nhân được tiến hành việc tạm giữ tang vật được sử dụng vi phạm hành chính, trong đó có trưởng Công an phường, xã. Trường hợp người lập biên bản là cán bộ cấp dưới thì phải báo cáo trong vòng 24 giờ với trưởng Công an phường, xã để xem xét ra quyết định tạm giữ.

Như vậy, pháp luật đã quy định chi tiết về căn cứ, thẩm quyền để tạm thu giữ, khám xét tài sản của cá nhân (bao gồm cả điện thoại di động) để phục vụ quá trình xác minh, xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cũng chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu liên quan trực tiếp đến vụ việc vi phạm hành chính. Còn các dữ liệu khác thuộc về bí mật cá nhân của người sở hữu tài sản phải được đảm bảo, tôn trọng và bảo vệ bí mật tuyệt đối.

Trường hợp lời khai của nữ diễn viên là đúng, clip riêng tư của cô bị tung lên mạng sau khi điện thoại bị Công an phường thu giữ thì cần xác minh được ai là người thực hiện hành vi này. Nếu người phát tán là cán bộ, chiến sĩ Công an thì có thể phải chịu kỷ luật của đơn vị, bị xử lý vi phạm hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm lộ thông tin, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Nếu việc làm lộ clip riêng tư là do đối tượng xấu truy cập trái phép, đánh cắp và đăng tải lên mạng xã hội thì đối tượng đó cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo quy định tại Điều 326, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, trường hợp xác định được người đăng tải clip còn vì mục đích xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nữ diễn viên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Hãng luật TGS.

Luật sư Hùng chia sẻ thêm, việc thu giữ điện thoại cá nhân trong trường hợp nữ diễn viên và nhóm bạn bị bắt quả tang gây mất an ninh trật tự trong mùa dịch là chưa đủ cơ sở và không cần thiết. Công dân có quyền từ chối, yêu cầu giải thích hoặc khiếu nại, khởi kiện, tố cáo theo quy định của pháp luật nếu cán bộ, cơ quan chức năng yêu cầu thu giữ những tài liệu, đồ vật không liên quan đến vụ việc. Trong trường hợp lực lượng chức năng thu giữ điện thoại của người vi phạm hành chính hoặc thậm chí vi phạm pháp luật hình sự thì phải có căn cứ chứng minh điện thoại đó là công cụ, phương tiện phạm tội hoặc là đồ vật vi phạm hành chính. 

Theo khoản 2 Điều 21 Luật Hiến pháp có quy định: “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể trong tố tụng hình sự, việc bóc mở, thu giữ thư, điện tín, dữ liệu điện tử của người khác vẫn được tiến hành nhằm mục đích phục vụ trong quá trình tố tụng hình sự. Việc kiểm tra, thu giữ, bóc mở, bảo quản dữ liệu điện tử của người khác cũng phải được thực hiện theo quy trình cụ thể. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Cơ quan có thẩm quyền có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án.  Trong trường hợp Công an đang điều tra mà nghi ngờ người này có dấu hiệu vi phạm thì họ cũng không có quyền tự ý kiểm tra điện thoại của người đó, mà phải có lệnh của cấp trên quy định tại khoản 1 Điều 113, và khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Công an điều tra có mới quyền kiểm tra điện thoại của đối tượng. 

Như vậy, những người có quyền ra lệnh khám xét, thu giữ điện thoại, thư tín của người khác tại điều Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bao gồm:

“a)Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử". 

Tóm lại, cơ quan chức năng được khám xét điện thoại thông minh trong trường hợp có căn cứ để nhận định trong dữ liệu của điện thoại có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án. Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến. Người ra lệnh, người thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ trái pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Căn cứ Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu có căn cứ nhận định trong người, chỗ ở, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hình sự thì cơ quan có thẩm quyền có quyền khám xét. Vì vậy, trong trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự, cơ quan Công an có quyền yêu cầu cá nhân cung cấp mật khẩu để phục vụ cho quá trình điều tra. Tuy nhiên, khi thực hiện tạm giữ, phải lập biên bản và niêm phong tang vật. Người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật. Khi tiến hành khám đồ vật phải lập biên bản, có mặt chủ đồ vật, trong trường hợp chủ đồ vật vắng mặt thì phải có 2 người chứng kiến.

Như vậy, cơ quan Công an chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu trong điện thoại có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với các dữ liệu không liên quan thì thuộc bí mật cá nhân, phải tôn trọng và bảo vệ an toàn bí mật.

PHƯƠNG HOA

Vụ clip 'nóng' bị phát tán: Trường hợp nào thì được thu giữ điện thoại của công dân?

Lê Minh Hoàng