/ Pháp luật - Đời sống
/ Vụ 'Cố ý gây thương tích' tại Ninh Thuận: Liệu giám định pháp y có 'sai 01 ly đi 01 dặm'?

Vụ 'Cố ý gây thương tích' tại Ninh Thuận: Liệu giám định pháp y có 'sai 01 ly đi 01 dặm'?

31/08/2023 19:30 |

(LSVN) - Vụ xô xát giữa 02 nhóm thanh thiếu niên khiến 01 người bị thương ở chân, tỉ lệ 34%. Tuy nhiên, điều đáng nói, sự sai khác giữa những lần giám định pháp y lại không làm thay đổi quan điểm của cơ quan tố tụng. Và, điều này liệu dẫn đến oan sai?

Kết luận điều tra và cáo trạng truy tố 13 bị can.

Diễn biến vụ xô xát

Theo Cơ quan Điều tra và VKSND TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), khoảng 20h30' ngày 24/4/2022, trong lúc ngồi uống nước tại quán OH (phường Thanh  Sơn, TP. Phan Rang - Tháp Chàm) nhóm của Ngô Quang Trường (ngoài Trường có Đăng Khoa, Nam, Giỏi, Thọ, Phong, Quang, Quốc, Anh, Phương, Long, Chí, Nhật Huy cùng 5 người khác) nhìn thấy nhóm của Phạm Quang Nghĩa (gồm Nghĩa, Hậu, Trường Huy, Đình Huy, Đạt và Quốc Khoa) đi xe máy ngang qua. Cho rằng nhóm Nghĩa đang đi tìm đánh nhóm mình (do mâu thuẫn từ trước) nên nhóm của Trường đứng dậy ra bãi giữ xe lấy xe máy để đuổi theo nhóm Nghĩa. Riêng, Trường chở Đăng Khoa và khi Đăng Khoa định nhặt đá để ném thì Trường bảo: "Không cần, dùng mũ bảo hiểm cũng được".

Khi Trường chở Đăng Khoa cách quán 07-08m thì gặp xe (loại bánh căm) của Quốc Khoa chở Hậu chạy ngược lại. Hậu dùng bình xịt hơi cay xịt về phía Trường, rồi bỏ chạy. Chạy đến bãi giữ xe của quán OH thì xe của Quốc Khoa bị Phương dùng xe máy tông trúng đuôi khiến Hậu ngã xuống, chân phải mắc vào bánh sau và bị kéo lê khoảng 02m thì ngã hẳn. Lúc này Phong, Long, Quang, Nam, Anh, Chí chạy đến dùng tay chân và mũ bảo hiểm đánh Hậu. Giỏi thấy các bạn đánh Hậu thì cầm 01 con dao cùng Quốc chạy ra rồi dùng chân đạp vào người Hậu. Còn Quốc dùng mũ bảo hiểm, lấy ở bãi giữ xe, đánh Hậu 02-03 cái. Thấy Hậu bị đánh, Nghĩa chở Đạt chạy tới. Đạt dùng bình xịt hơi cay xịt vào nhóm đang đánh Hậu thì bị Trường dùng xe tông làm cả 02 ngã, bỏ chạy. Sau đó, Trường tông xe tiếp vào hông Hậu. Trong lúc Hậu bị đánh thì Huy, Thọ, Đăng Khoa đứng canh để các bạn đánh Hậu. Lúc này, Trường Huy chở Đình Huy chạy tới. Trường Huy lấy bình xịt hơi cay xịt về nhóm đang đánh Hậu rồi bế Hậu lên xe chở đi cấp cứu.

Vết thương do vật tày hay vật sắc gây ra?

Ngày 15/6/2022 Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Ninh Thuận, kết luận: Hậu bị gãy 1/3 dưới 02 xương chày - mác và gãy (mẻ) xương gót chân bên phải khiến phải mổ 1/3 cẳng chân xuống cổ chân và mổ mặt ngoài 1/3 cổ chân xuống mắt cá. Tỉ lệ thương tật 34% về "cơ chế hình thành vết thương: Vết thương đã qua điều trị nhận định do vật sắc gây nên". Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau, ngày 19/7/2022 tại văn bản số 223 Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Ninh Thuận lại cho rằng cơ chế hình thành vết thương (gãy 1/3 dưới 02 xương chày - mác) là "do tác động với vật tày gây nên".

Trên cơ sở giám định (vết thương do vật sắc và sau đó "đính chính" 01 phần do vật tày gây ra) này, cơ quan điều tra cho rằng: Các đối tượng "đã dùng vật tày và vật sắc đánh anh Hậu gây ra các thương tích với tỉ lệ tổn thương 34%". Vì thế, ngày 09/9/2022 Công an TP. Phan Rang - Tháp Chàm đã khởi tố 13 bị can, tất cả đều thuộc nhóm Trường (gồm: Trường, Anh, Phong, Long, Chí, Thọ, Đăng Khoa, Giỏi, Quang, Nam, Quốc, Phương và Nhật Huy. Trong đó, có 04 bị can chưa đủ 18 tuổi) về tội "Cố ý gây thương tích" theo điểm c, khoản 3, Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015.

"Tôi đã khiếu nại và đề nghị cần phải dựng lại hiện trường và tiến hành đối chất giữa các bị cáo. Thế nhưng, cho đến nay vẫn không được VKSND TP. Phan Rang - Tháp Chàm trả lời", ông Nguyễn Hữu Đức, cha của bị can Nguyễn Hữu Thọ (đối tượng khi bị khởi tố chưa đủ 18 tuổi).

Trước khiếu nại của gia đình các bị can Công an TP. Phan Rang - Tháp Chàm phải ra quyết định trưng cầu giám định lại. Và, Kết luận giám định pháp y số 9.924, ngày 01/6/2023, của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định: "Thương tích của nạn nhân Nguyễn Đức Hậu là do vật tày có cạnh trực tiếp gây nên. Trong trường hợp chân phải của Nguyễn Đức Hậu bị mắc kẹt vào bánh sau bên phải của mô tô loại xe Wave, bánh căm và kéo lê đi, có thể gây ra các thương tích trên của nạn nhân".

Như vậy, đã xảy ra việc: 01 vết thương lại có nhiều kết luận cơ chế hình thành khác nhau. Đó là, do vật sắc, do vật tày cùng vật sắc và do vật tày gây ra. Theo Luật sư Hoàng Thế Trọng (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng), căn cứ tình tiết trong vụ án thì các bị can không trực tiếp gây ra vết thương cho nạn nhân. Thực tế, chân phải của Hậu, khi ngã mắc vào bên phải bánh sau xe máy và bị kéo lê 2m (rồi mới ngã hẳn xuống đường) hình thành thương tích. Điều này, được chính kết luận điều tra của Công an và cáo trạng của VKSND TP. Phan Rang - Tháp Chàm thừa nhận (chân phải của Hậu mắc vào bánh xe rồi bị kéo lê) và cũng phù hợp với Kết luận giám định pháp y số 9.993 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.

Do đó, việc khởi tố rồi truy tố 13 bị can theo điểm c, khoản 3, Điều 134, có mức án cao nhất lên đến 10 năm tù là không đúng với tình tiết khách quan của vụ án, trái với cơ chế hình thành vết thương của nạn nhân.

Tiềm ẩn khả năng dẫn đến oan sai?

VKSND tỉnh Ninh Thuận chuyển đơn khiếu nại của phụ huynh các bị can đến VKSND TP. Phan Rang - Tháp Chàm để xem xét, giải quyết.

Cũng theo Luật sư Trọng, nếu cho rằng vết thương do vật sắc gây ra thì vật sắc đó là gì? Ai sử dụng và sử dụng ra sao, khi nào?... Trong khi, tại kết luận điều tra và cáo trạng không hề có bất cứ chữ nào, dòng nào thể hiện tình tiết hết sức quan trọng này mà chỉ mô tả: Hậu té, mắc chân vào bánh sau xe rồi bị kéo lê; Hậu bị Phong, Long, Quang, Nam, Anh, Chí dùng tay chân và mũ bảo hiểm đánh; Hậu bị Giỏi dùng chân đạp vào người, bị Quốc lấy mũ bảo hiểm đánh 02-03 cái, và sau cùng, bị Trường dùng xe máy tông vào hông. Vì thế, cần xác định vật sắc gây ra gãy 1/3 dưới 02 xương chày - mác chân phải của Hậu là vật gì? Tương tự, 06 người (Phong, Long, Quang, Nam, Anh, Chí) đánh Hậu bằng tay chân, mũ bảo hiểm ra sao, đánh vào đâu? Giỏi đạp và Quốc đập Hậu 02-03 cái bằng mũ bảo hiểm thế nào, lực tác động mạnh hay nhẹ?.

"Để làm rõ điều này cơ quan điều tra phải thực nghiệm hiện trường và tổ chức đối chất giữa các bị can. Nhất là khi giám định pháp y có nhận định trái ngược nhau về cơ chế gây ra vết thương thì càng cần phải thực nghiệm. Thế nhưng, thật tiếc cả 02 tác nghiệp rất cần thiết trong hoạt động tố tụng nói trên đã không được tiến hành. Vì sao?", vị Luật sư, vốn giữ chức Trưởng phòng thuộc VKSND cấp tỉnh, nêu câu hỏi.

Một điều đáng lưu tâm nữa, theo Luật sư Trọng, kết luận điều tra và cáo trạng nêu rõ: Trong 13 bị can có 09 đối tượng tác động trực tiếp đến nạn nhân (kẻ tông xe, người hành hung). Còn Nhật Huy, Thọ và Đăng Khoa chỉ "đứng canh để các bạn đánh Hậu"? Vậy mà, họ cũng bị truy tố về tội "Cố ý gây thương tích", tại điểm c, khoản 3, Điều 134: "Gây thương tích hoặc tổn hại từ 31% đến 60% và có hành vi côn đồ hoặc dùng hung khí nguy hiểm..." với mức hình phạt từ 05 đến 10 năm tù thì liệu quá nặng, và thậm chí, có dấu hiệu oan sai? Theo một số chuyên gia pháp luật, với nhận định "trong quá trình xảy ra sự việc, Thọ không trực tiếp tham gia đánh nhưng đã có ý thức hỗ trợ về mặt tinh thần cho các bị can khác đánh Hậu" (trích Kết luận điều tra) thì có thể xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng, là đủ sức răn đe?

MẠC HỒNG KỲ - LÊ HỮU QUẾ

Vụ Đoàn Thành Horse Farm: Dừng xử phạt để tồn tại

Nguyễn Hoàng Lâm