Trường học xảy ra vụ việc con Hiệu trưởng Làm lộ đề thi. Ảnh: TTXVN.
Mới đây, ngày 23/5, Phòng GD&ĐT TP. Thuận An (Bình Dương) đã họp để xem xét xử lý vụ việc làm lộ đề thi Văn, GDCD lớp 8 tại Trường THCS Phú Long (TP.Thuận An).
Trước đó, liên quan đến vụ việc này, vào ngày 16/5, Trường THCS Phú Long đã tổ chức thi hết Học kỳ 2 cho hơn 400 học sinh khối lớp 8. Sau khi thi xong, một số học sinh bàn tán về việc đề thi môn Văn và GDCD trùng khớp với hình ảnh chụp đề thi của một số học sinh đã gửi cho nhau trước đó.
Qua xác minh nhanh, Trường THCS Phú Long xác định hình ảnh chụp đề thi xuất phát từ một học sinh là con của Hiệu trưởng Trường THCS Phú Long, cùng đang học lớp 8 tại trường này.
Ngày sau khi tiếp nhận thông tin, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Long đã có văn bản giải trình với Phòng GD&ĐT TP. Thuận An.
Theo giải trình của vị Hiệu trưởng này, trước đó các bộ phận chuyên môn gửi đề thi duyệt qua email của nhà trường, mật khẩu chỉ có Hiệu trưởng và 02 Hiệu phó biết. Trong lúc duyệt đề thi tại trường, Hiệu trưởng quên đăng xuất email và đi ra ngoài.
Thời điểm này, con của Hiệu trưởng đi vào phòng làm việc tìm cha và thấy đề thi trong email còn trên màn hình máy tính nên đã dùng điện thoại chụp lại gửi cho 02 bạn cùng lớp. Đến khi Trường THCS Phú Long tổ chức thi học kỳ xong thì phát hiện sự việc.
Vậy, pháp luật quy định thế nào về vấn đề này, sự việc xảy ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm và bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật hiện hành?
Chưa có quy định cụ thể việc biên soạn, xét duyệt các đề thi, đề kiểm tra hết học kỳ
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, việc biên soạn, xét duyệt các đề thi, đề kiểm tra hết học kỳ ở các trường học phổ thông đều do các tổ bộ môn và các nhà trường tự thực hiện.
Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể và cũng không cấm việc gửi đề thi qua email khi duyệt đề thi học kỳ trong các cấp học phổ thông. Do đó, việc gửi đề thi qua email của nhà trường trong quá trình duyệt đề thi là không trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các trường học cần phải có biện pháp bảo mật cần thiết, bảo vệ được tính bí mật của đề thi.
Mặt khác, chính mỗi cá nhân có trách nhiệm trong việc xây dựng, soạn thảo và xét duyệt đề thi cũng cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự cẩn trọng, thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ của mình, tránh việc đề thi bị lộ, dẫn đế những hệ lụy đáng tiếc như vụ việc này.
Luật sư cũng cho hay, trong vụ việc này, tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm thì những cá nhân có thiếu sót, vi phạm dẫn đến việc lộ đề thi sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức. Nếu gây ra thiệt hại thì người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường, hoàn trả theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại Điều 24, Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định: “Viên chức làm mất, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc có hành vi khác gây hại tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập thì phải có nghĩa vụ bồi thường theo quy định tại Nghị định này”.
Liên quan đến vấn đề trên, theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, hành vi làm lọt hay lộ đề thi là hành vi gian lận trong thi cử. Thí sinh để lộ lọt đề thi ra ngoài làm ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi, gây ra sự bất công bằng trong thi cử sẽ bị kỷ luật theo quy định về quy chế thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, trong một số trường hợp, hành vi làm lộ hoặc lọt đề thi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lộ bí mật Nhà nước".
"Đối với trường hợp đề thi đã được mở, phát cho thí sinh mà thí sinh sao chụp, chuyển ra bên ngoài cần phải làm rõ trách nhiệm của giám thị coi thi trong việc để xảy ra vụ việc nghiêm trọng trong phòng thi và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan. Tùy vào tính chất mức độ, yếu tố lỗi, sai phạm nếu có, giám thị sẽ bị kỷ luật ở các mức độ khác nhau", Luật sư Đặng Văn Cường thông tin.
Cần nghiên cứu, ban hành các quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn về thi cử
Trước đó, đã có không ít những vụ việc liên quan đến vấn đề lộ, lọt đề thi gây chấn động cả nước. Cụ thể, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt I vừa qua đã xảy ra sự cố đáng tiếc liên quan đến việc lọt đề thi môn Toán ra ngoài trong giờ thi. Theo đó, vào khoảng 15 giờ 50 phút ngày 07/7, khi các thí sinh vẫn trong thời gian thí sinh làm bài thi, trên mạng xã hội Facebook đã bất ngờ xuất hiện hình ảnh được cho là đề thi môn Toán. Qua điều tra, Cơ quan Công an xác định được thí sinh trường THPT Lệ Thủy (Quảng Bình) mang điện thoại vào phòng thi, chụp đề thi gửi ra ngoài.
Thời điểm đó, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh đã khẳng định, đây là lọt đề chứ không phải lộ đề và thí sinh mang điện thoại đã bị đình chỉ, đồng thời cán bộ coi thi cũng phải làm tường trình.
Trước đó, sáng 20/4/2021, học sinh lớp 9 ở Đà Nẵng tiến hành làm bài kiểm tra cuối Học kỳ II môn Toán, thời gian bắt đầu làm bài là 7 giờ 30. Tuy nhiên, vào khoảng 7 giờ 55 thì đề thi môn Toán này đã xuất hiện trên mạng xã hội. Sự việc xảy ra tại một phòng thi của một trường THCS trên địa bàn. Đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng xác nhận việc lộ đề kiểm tra là do có một thí sinh mang điện thoại vào phòng thi và chụp ảnh post lên mạng xã hội.
Ngày 04/7/2020, UBND TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) phải hủy kết quả và cho hàng nghìn học sinh lớp 9 thi lại môn Văn học kỳ II năm học 2019 - 2020. Trước đó, sáng ngày 03/7/2021, các trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku tổ chức thi Học kỳ II môn Văn lớp 9. Cùng ngày, dư luận xôn xao việc xuất hiện đề thi môn Văn bị lộ trước giờ thi. Số đề này được các học sinh gửi cho nhau qua mạng xã hội, tin nhắn. Sau khi lộ đề thi, Chủ tịch UBND TP. Pleiku đã gửi lời xin lỗi đến phụ huynh và học sinh.
Vụ việc gây rúng động cách đây 03 năm, tại kỳ thi vào lớp 10 THPT không chuyên của Hà Nội diễn ra, ở cả hai môn thi là Văn và Toán đều để lọt đề thi ra ngoài. Qua xác minh cho thấy, thầy Nông Hoàng Phúc, giáo viên trường THCS Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là cán bộ coi thi số 2 đã mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề thi truyền ra ngoài tại điểm thi trường THPT Vân Nội.
Nhận định về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết, ở những mức độ khác nhau thì việc lộ đề thi luôn có những hệ lụy rất tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến tính công bằng, khách quan của các kỳ thi, uy tín của các nhà trường, tâm lý của các em học sinh, gây thiệt hại về thời gian, công sức và tài chính khi phải tổ chức thi lại.
Để hạn chế những vụ việc lộ đề, lọt đề thi thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và ban hành các quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn về công tác biên soạn, xét duyệt và bảo mật đề thi ở tất các các cấp học, và đảm bảo sự áp dụng thống nhất trên toàn Quốc.
Đồng thời, cũng cần có những quy định rõ ràng và cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, cơ quan và tổ chức có liên quan, để nâng cao tinh thần trách nhiệm của họ trong công tác bảo mật đề thi, tránh các thiếu sót hoặc tiêu cực có thể xảy ra, dẫn đến việc lộ hoặc lọt đề thi.
HOÀNG ANH
Cần xử lý nghiêm hành vi ly hôn giả để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ dân sự