/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Vụ cựu giảng viên “xâm phạm” cấp trên: Luật sư cho rằng vi phạm thủ tục tố tụng?

Vụ cựu giảng viên “xâm phạm” cấp trên: Luật sư cho rằng vi phạm thủ tục tố tụng?

05/01/2021 17:56 |

LSVNO – Bào chữa cho bị cáo Trần Tuấn Kiệt - cựu giảng viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP. Cần Thơ cho rằng, bản án vi phạm thủ tục tố tụng và hình sự hóa...

LSVNO – Bào chữa cho bị cáo Trần Tuấn Kiệt - cựu giảng viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP. Cần Thơ cho rằng, bản án vi phạm thủ tục tố tụng và hình sự hóa nội dung. Luật sư Việt Nam Online xin giới thiệu quan điểm bào chữa của Luật sư Nguyễn Trường Thành tới bạn đọc.

Vi phạm thủ tục tố tụng

Bài bào chữa cho rằng, quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể như sau:

a/ Về việc áp dụng pháp luật bản án sơ thẩm dẫn chiếu Bộ luật Hình sự năm 2015 để xét xử đối với bị cáo Trần Tuấn Kiệt là chưa đầy đủ, mà phải dẫn chiếu Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 mới đúng và đầy đủ.

b/ Xét xử bị cáo Trần Tuấn Kiệt về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” nhưng không trưng cầu giám định chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông là không bảo đảm tính khách quan. Trong khi đó các vụ án khác tương tự trên địa bàn TP. Cần Thơ đều có trưng cầu giám định, TAND quận Ninh Kiều khi trả hồ sơ vụ án cũng đã có yêu cầu cơ quan điều tra trưng cầu giám định. Bản án sơ thẩm nhận định “Không thuộc trường hợp bắt buộc giám định” là trái với thực tế điều tra, truy tố và xét xử những vụ án tương tự cũng như trái với quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của chính TAND quận Ninh Kiều.

c/ Cơ quan điều tra, truy tố và xét xử cấp sơ thẩm xác định Trường Cao đẳng Cần Thơ là tổ chức bị xâm phạm lợi ích từ hành vi của bị cáo Trần Tuấn Kiệt nhưng cũng không trưng cầu giám định để xác định bị cáo xâm phạm lợi ích gì (vật chất, tinh thần, thương hiệu…) để từ đó có cơ sở xác định có hay không có hành vi phạm tội của bị cáo.

d/ Thành phần tham gia tố tụng không đầy đủ, không triệu tập những người tham gia tố tụng theo yêu cầu của bị cáo, Luật sư mặc dù yêu cầu đó là hợp pháp.

Cụ thể là: Không đưa các cơ quan báo chí, các nhà báo tham gia tố tụng cũng như không triệu tập họ đến tòa trong khi lại quy kết bị cáo là cung cấp thông tin không đúng sự thật cho nhà báo, cơ quan báo chí. Không triệu tập điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án, để kiểm tra tính xác thực của tài liệu thu thập và lời khai của bị cáo, bị hại và người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng như nhân chứng.

e/ Phần dân sự bản án tuyên “Tịch thu lưu hồ sơ một bọc tài liệu” nhưng không biết là tài liệu gì, số bút lục bao nhiêu là chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng sẽ khó khăn cho việc thi hành án.

Bị cáo Trần Tuấn Kiệt.

Nội dung hình sự hóa

Bài bào chữa cho rằng, bản án sơ thẩm TAND quận Ninh kiều tuyên bị cáo Trần Tuấn Kiệt phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” đồng thời xử phạt bị cáo 01 năm tù là chưa có căn cứ pháp lý vững chắc. Luật sư nêu các lý do:

a/ Không có bất cứ tài liệu nào của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông kết luận ông Trần Tuấn Kiệt có hành vi “Đăng trên mạng xã hội có nội dung xâm phạm đến lợi ích của cá nhân Hiệu trưởng Trần Thanh Liêm và tập thể Trường Cao đẳng Cần Thơ”; ông Kiệt chưa từng bị xử lý hành chính về hành vi này, mới bị xử lý về mặt Đảng ở mức độ cảnh cáo đang trong thời hạn khiếu nại theo quy định của điều lệ Đảng thì bị khởi tố bắt giam. Việc hình sự hóa đối với ông là không hợp pháp.

b/ Có sự nhầm lẫn của cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm khi quy kết hành vi “Đe dọa giết ông Trần Thanh Liêm” là hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để từ đó buộc tội theo khoản 1 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là hoàn toàn không đúng. Bởi khách thể hai hành vi khác nhau, hành vi đe dọa giết xâm phạm tính mạng sức khỏe còn hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ chỉ xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của cá nhân ông Trần Thanh Liêm mà không xâm phạm đến “tính mạng, sức khỏe”.

c/ Tài liệu điều tra và xét xử sơ thẩm cũng như bản án sơ thẩm của TAND quận Ninh Kiều đều không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hai hành vi truy tố đối với bị cáo và lợi ích của cá nhân ông Trần Thanh Liêm và Trường Cao đẳng Cần Thơ. Thực tế lợi ích của ông Liêm và Trường cao đẳng Cần Thơ không có ảnh hưởng gì từ những trạng thái đăng trên facebook cá nhân của ông Kiệt bằng chứng là ông Trần Thanh Liêm tiếp tục được bổ nhiệm Hiệu trưởng nhà trường mặc dù chỉ còn 01 năm là đến tuổi nghỉ hưu.

d/ Cơ quan điều tra có thu thập hàng trăm tài liệu từ trang facebook cá nhân bị cáo Trần Tuấn Kiệt (bút lục từ số 380-549) trong đó có hàng nghìn dòng trạng thái, nhưng chưa chứng minh được dòng trạng thái nào xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của cá nhân ông Trần Thanh Liêm, dòng trạng thái nào xâm phạm đến lợi ích của Trường Cao đẳng Cần Thơ. Nên không có căn cứ pháp lý để quy kết tội đối với bị cáo.

e/ Bản án sơ thẩm còn quy kết bị cáo Trần Tuấn Kiệt “Lợi dụng các quyền tự ngôn luận” để xâm phạm lợi ích của cá nhân ông Trần Thanh Liêm và Trường Cao đẳng TP. Cần Thơ, quy kết này trái với tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948 tại Pari Cộng hòa Pháp và Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên tham gia, công nhận. Theo đó đã xác định rõ: “Người dân có quyền tự do ngôn luận được sử dụng các phương tiện báo chí, truyền thông mạng internet, các trang mạng xã hội không trái pháp luật”.

Khi chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn hoặc giám định của cơ quan giám định tư pháp về thông tin truyền thông kết luận ông Trần Tuấn Kiệt vi phạm điều khoản nào của các văn bản pháp luật nêu trên thì không có căn cứ buộc tội bị cáo về tội danh và tuyên mức hình phạt như án sơ thẩm của TAND quận Ninh Kiều.

Với các lý do trên, Luật sư trân trọng kính đề nghị HĐXX TAND TP. Cần Thơ, VKSND TP. Cần Thơ xem xét để hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Cáo buộc và bắt tại tòa

Cáo trạng của VKSND quận Ninh Kiều ký ngày 18/01/2018 kết luận: “Trần Tuấn Kiệt đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng trên mạng xã hội và cung cấp cho báo chí những thông tin nội bộ của Trường Cao đẳng Cần Thơ khi chưa có sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường; không những vậy Trần Tuấn Kiệt còn nhiều lần công khai đe dọa giết ông Hiệu trưởng Trần Thanh Liêm nhằm gây áp lực để ông Liêm và cơ quan chức năng chấp nhận yêu cầu của mình. Hành vi của Trần Tuấn Kiệt làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và uy tín của Trường Cao đẳng Cần Thơ cũng như uy tín và sinh hoạt bình thường của ông Trần Thanh Liêm, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Cáo trạng chưa đầy 04 trang giấy, liệt kê một số hành vi của ông Kiệt là: đăng lên facebook quyết định bổ nhiệm một hiệu phó của trường, cho rằng “không đúng quy trình”. Tiếp đó, “ông Kiệt còn tự ý cung cấp thông tin cho phóng viên báo Lao động về việc giáo viên của trường làm mất bài thi, trong khi chưa có sự đồng ý của Ban giám hiệu”. Vì những hành vi đó, ngày 15/02/2017, ông Kiệt bị Hiệu trưởng Liêm ký quyết định kỷ luật khiển trách về Đảng và ông Kiệt ba lần nói sẽ mài dao “cắt cổ ông Liêm”.

Vụ án mở ra khi ông Liêm làm đơn tố cáo và ngày 01/8/2017, Cơ quan CSĐT Công an quận Ninh Kiều khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam ông Kiệt. Nửa tháng sau, ông Kiệt có dấu hiệu bệnh tâm thần nên ngày 16/8/2017 được đưa vào bệnh viện tại Cần Thơ điều trị 35 ngày. Trở lại trại giam một tuần, ông Kiệt được đưa lên bệnh viện tâm thần ở Biên Hòa từ ngày 29/9 đến 06/12/2017, rồi về trại giam và ngày 11/01/2018, gia đình bảo lãnh về nhà.

Cấp sơ thẩm đã hai lần hoãn tòa, lần thứ ba xử ngày 30/11/2018 tuyên phạt bị cáo Kiệt 01 năm tù giam. Bản án sơ thẩm bị kháng cáo, Hiệu trưởng Liêm yêu cầu xử phúc thẩm tăng nặng hình phạt, bị cáo Kiệt yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Sáng 30/5/2019, TAND TP. Cần Thơ xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, bắt giam bị cáo Kiệt tại tòa.

Luật sư Nguyễn Trường Thành