/ Pháp luật - Đời sống
/ Vụ đề xuất tặng Huân chương Lao động cho nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Pháp luật quy định thế nào?

Vụ đề xuất tặng Huân chương Lao động cho nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Pháp luật quy định thế nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Theo Luật sư, cá nhân chưa đủ tiêu chuẩn, có vi phạm thì sẽ phải xem xét - đánh giá kỹ lưỡng hồ sơ, nếu chưa đủ điều kiện hồ sơ xin tặng thưởng sẽ bị từ chối. Việc đề xuất cá nhân để khen thưởng trái quy định thì sẽ bị Hội đồng thi đua - Khen thưởng xem xét loại ra khỏi danh sách xét tặng thưởng do không đủ điều kiện.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc lấy ý kiến nhân dân về các trường hợp tập thể, cá nhân đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động. Ảnh: Dantri.

Mới đây, Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc (www.vinhphuc.gov.vn) đã đăng tải, lấy ý kiến nhân dân đối với một tập thể và một cá nhân đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; 02 cá nhân đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trong đó, trường hợp ông Nguyễn Văn Trì, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc được đề xuất tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, đang gây xôn xao dư luận địa phương.

Theo báo cáo thành tích đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất được Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc công khai, ông Nguyễn Văn Trì (sinh năm 1962), giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian 05 năm, từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2020.

Văn bản báo cáo thành tích khẳng định, ông Nguyễn Văn Trì không bị kỷ luật.

Tuy nhiên, dư luận địa phương còn "băn khoăn" vì tháng 11/2017, UBKT Trung ương có thông báo về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và nhiều cá nhân. Trong đó, UBKT Trung ương kết luận BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ, quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án, công trình trọng điểm.

Ông Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2016 - 2021 có trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BTV Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh trong công tác quản lý, sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng dự án, công trình trọng điểm.

UBKT Trung ương cho rằng, BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã chủ động khắc phục một số vi phạm, khuyết điểm của nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020. Vi phạm, khuyết điểm của BTV Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Nguyễn Văn Trì chưa đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. UBKT Trung ương yêu cầu BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Nguyễn Văn Trì kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.

Đồng thời, BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và các tập thể, cá nhân có liên quan đến vi phạm, khuyết điểm của BTV Tỉnh ủy hai nhiệm kỳ theo thẩm quyền.

Vậy, theo quy định của pháp luật, việc xét duyệt Huân chương Lao động theo quy định pháp luật được tiến hành nhưu thế nào, nếu cá nhân có vi phạm khuyết điểm có được xét duyệt không?.

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Huân chương Lao động là một loại Huân chương dùng để ghi nhận các công lao đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước đã được Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam chứng nhận. Huân chương được đặt ra lần đầu theo Sắc lệnh số 65B/SL ngày 01/5/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cụ thể, Luật Thi đua - Khen thưởng ban hành ngày 26/11/2003 đã quy định, Huân chương Lao động để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo, xây dựng Tổ quốc. Huân chương Lao động có 03 hạng được phân biệt bằng số sao đính trên dải và cuống huân chương: Hạng Nhất có 3 sao; Hạng Nhì có 2 sao; Hạng Ba có 1 sao. Thẩm quyền tặng, truy tặng Huân chương Lao động do Chủ tịch nước quyết định.

Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2005/QH11 và Luật số 32/2009/QH12, Luật số  39/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng quy định Tiêu chuẩn và Điều kiện đối với cá nhân để được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất.

Huân chương Lao động hạng Nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều sáng tạo trong lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

Thứ nhất, đã được tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng Nhì và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục lập được thành tích xuất sắc, trong thời gian đó có 04 sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong toàn quốc được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương công nhận.

Thứ hai, lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong lao động, học tập, công tác có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong toàn quốc được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương công nhận hoặc lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất, được giải thưởng cao ở khu vực hoặc thế giới.

Huân chương Lao động hạng Nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có quá trình cống hiến lâu dài, liên tục trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời đạt một trong các tiêu chuẩn:

Thứ nhất, được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa và đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban, ngành cấp tỉnh hoặc chức vụ tương đương;

Thứ hai, tham gia hoạt động liên tục trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Thứ trưởng hoặc chức vụ tương đương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương.

Thứ ba, Vụ trưởng, Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 10 năm trở lên.

Mức tiền thưởng, theo quy định tại khoản 1, Điều 70, Nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật thi đua khen thưởng cũng quy định, các mức tiền thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất là 9,0 lần mức lương cơ sở.

Bên cạnh đó, cá nhân chưa đủ tiêu chuẩn, có vi phạm thì sẽ phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hồ sơ, nếu chưa đủ điều kiện hồ sơ xin tặng thưởng sẽ bị từ chối. Việc đề xuất cá nhân để khen thưởng trái quy định thì sẽ bị Hội đồng thi đua - Khen thưởng xem xét loại ra khỏi danh sách xét tặng thưởng do không đủ điều kiện.

VŨ TRẦN

Một số vấn đề pháp lý xung quanh việc khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo

Lê Minh Hoàng