Trước đó, ngày 29/9, khi ông Dũng đang trên đường đi về sau khi đến Vietcombank Nha Trang tại số 21 Lê Thành Phương, phường Vạn Thắng để thanh toán tiền hợp đồng cho doanh nghiệp đối tác của Công ty TNHH Invest Product do ông làm Phó giám đốc. Khi ông Dũng chạy xe gắn máy về đến đường Thống Nhất thì bị một nhóm cán bộ, có ông cán bộ Công an phường Vạn Thắng là Ngô Thái Nguyên yêu cầu dừng xe, vào "làm việc", lập biên bản vi phạm hành chính.
Ông Dũng đã xuất trình cho các cán bộ phường Vạn Thắng hóa đơn GTGT - phiếu hạch toán của Vietcombank Nha Trang đã cấp cho ông chừng 15 phút trước đó, đồng thời trình bày lý do ông đến ngân hàng để thực hiện giao dịch thiết yếu là đúng theo quy định. Tuy nhiên, ông Ngô Thái Nguyên vẫn lập "biên bản vi phạm hành chính" với ông Dũng, vì "đã có các hành vi vi phạm hành chính không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Cụ thể, ra đường không có lý do chính đáng để bảo đảm quy định phòng, chống dịch Covid-19 (tại thời điểm chỉ có giấy đi đường, không có giấy xét nghiệm âm tính). Đồng thời, ông Ngô Thái Nguyên còn tạm giữ luôn cả giấy phép lái xe và giấy đăng ký xe môtô của ông Dũng.
Ngày 30/9, Phó chủ tịch UBND phường Vạn Thắng Ngô Trí Dũng đã ban hành quyết định số 274/QĐ- XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Viết Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Invest Product (quyết định ghi sai tên người bị phạt thành "Việt Dũng"), mức phạt tiền 2 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi hành vi “Ra đường không lý do chính đáng để đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19, quy định tại điểm a khỏan 1, điều 12 Nghị định 117/2020/NĐCP-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế".
Ngay trong ngày 30/9, ông Nguyễn Viết Dũng đã khiếu nại cho rằng việc cán bộ lập biên bản vi phạm hành chính và Phó Chủ tịch phường ban hành quyết định xử phạt ông với là không đúng ông đã cung cấp thông tin cho báo chí chứng minh ông không có hành vi phạm hành chính, yêu cầu hủy quyết định xử phạt 2 triệu với lý do ra đường không chính đáng.
Ngày 01/10, UBND phường Vạn Thắng cũng cho biết đã ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó Chủ tịch, với lý do "chưa giao quyết định và biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho ông Nguyễn Viết Dũng".
Đến chiều 04/10, bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết - Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang, Khánh Hòa - cho biết đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Viết Dũng - người đi ngân hàng về bị phường này phạt 2 triệu vì "ra đường không có lý do chính đáng". Tại đây, Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng và Phó Chủ tịch phường là ông Ngô Trí Dũng (người ký quyết định xử phạt nói trên) đã xin lỗi ông Nguyễn Viết Dũng về việc có sai sót trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân ông vừa qua. Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết đã giao cho ông Nguyễn Viết Dũng quyết định của Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng "hủy bỏ toàn bộ quyết định số 274/QĐ-XPVPHC ngày 30/9/2021 của Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Viết Dũng". Lý do hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính đối với ông Dũng là "thủ tục xử lý vi phạm hành chính chưa đầy đủ
Chủ tịch phường Vạn Thắng cũng đã trả lại giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe môtô của ông Nguyễn Viết Dũng bị cán bộ Công an phường thu giữ khi lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông chiều 29/9.
Quyết định hủy bỏ toàn bộ quyết định số 274/QĐ-XPVPHC ngày 30/9/2021 của Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng.
Ông Nguyễn Viết Dũng cho biết sau khi lãnh đạo UBND phường Vạn Thắng nhận sai trong việc xử phạt ông và xin lỗi, ông đã đồng ý sẽ rút đơn khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông trước đó. Ông cũng cho hay ông Ngô Trí Dũng - Phó chủ tịch phường - có giải thích việc ký quyết định xử phạt ông là do "thiếu kiểm tra khi căn cứ theo hồ sơ, biên bản vi phạm hành chính do tổ công tác liên ngành lập".
Quyết định xử phạt trái pháp luật?
Việc lập biên bản nhanh, không lắng nghe, không ghi nhận ý kiến người dân, chưa xác minh kiểm tra nội dung đã vội ban hành quyết định xử phạt không đúng đã được phản ánh trên là sự kiện pháp lý có thật. Việc Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng ngay sau khi tiếp nhận thông tin đã nhanh chóng ban hành thu hồi quyết định của cấp phó, tuy nhiên lý do hủy do “chưa giao quyết định và biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho ông Nguyễn Viết Dũng"; hoặc “thủ tục xử lý vi phạm hành chính chưa đầy đủ" đã gây nhiều tranh luận trong dư luận, bạn dọc bất bất bình.
Nếu Văn bản trả lời và lý do hủy bỏ quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng là đúng thì vô hình chung ông Nguyễn Viết Dũng có hành vi vi phạm hành chính? Theo đó người có thẩm quyền xử phạt phải khắc phục những sai sót về thủ tục, để ban hành quyết định xử phạt cho đúng thủ tục đối với người vi phạm. Bạn đọc, dư luận báo chí bất bình với lý do hủy “lập lờ” là có căn cứ. Chẳng lẽ giờ ai đó vi phạm pháp luật mà do quy trình sai thì họ không bị xử lý hay sao? Nhiều bạn đọc thắc mắc cho rằng việc xử lý của UBND phường Vạn Thắng như vậy không đảm bảo nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính.
Theo biên bản làm việc trao đổi nội dung liên quan đến khiếu nại của ông Nguyễn Viết Dũng lập vào chiều 04/10 tại hội trường UBND phường Vạn Thắng, do bà nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng chủ trì, có mặt các ông Ngô Trí Dũng - Phó chủ tịch UBND phường Vạn Thắng; ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Công an phường Vạn Thắng, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga – Công chức Tư pháp – Hộ tịch. Nội dung biên bản chỉ thể hiện việc Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng đã giao cho ông Nguyễn Viết Dũng quyết định của Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng hủy bỏ toàn bộ quyết định số 274/QĐ-XPVPHC ngày 30/9/2021 của Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Viết Dũng, đồng thời trả lại giấy tờ cá nhân gồm: 01 Giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe môtô của ông Nguyễn Viết Dũng. Tại buổi làm việc qua phân tích trao đổi làm rõ nội dung đơn khiếu nại của ông Nguyễn Viết Dũng, ông Nguyễn Viết Dũng sẽ có đơn gửi đến UBND phường Vạn Thắng trong thời gian sớm nhất về việc rút đơn gửi đến vào ngày 30/9/2021. Ngoài ra không có nội dung nào khác.
Biên bản làm việc ngày 04/10/2021 tại UBND phường Vạn Thắng.
Về mặt pháp lý, biên bản làm việc, trao đổi này không thay thế cho quyết định giải quyết khiếu nại, cũng không phải là văn bản xin lỗi , khắc phục hậu quả do việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật gây ra. Văn bản này chỉ thể hiện việc giao nhận quyết định của UBND phường trong quá trình xử lý vi phạm hành chính , có thêm nội dung “trao đổi làm rõ nội dung đơn khiếu nại và ý kiến sẽ rút đơn khiếu nại”, là không có giá trị pháp lý để làm căn cứ không thụ lý đơn khiếu nại của ông Dũng đã gửi ngày 30/9.
Về thẩm quyền xử phạt hành chính là của Chủ tịch UBND phường. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND phường có quyết định giao quyền cho ông Ngô Trí Dũng - Phó Chủ tịch được quyền xử phạt, nên Phó Chủ tịch được quyền ban hành quyết định xử phạt nhưng phải thực hiện đúng luật. Lẽ ra trước khi ra quyết định xử phạt, Phó chủ tịch cần xác minh có hay không có vi phạm hành chính; xem xét nội dung biên bản về hành vi vi phạt về tình tiết thực tế có đảm bảo tính chính xác, khách quan và đã cấu thành hành vi vi phạm hành chính hay không. Việc lập biên bản, xử phạt nhanh, phản hồi vội vàng với nội dung chưa rõ ràng dẫn đến bạn đọc bất bình là điều dễ hiểu. Bạn đọc và dư luận báo chí có quyền yêu cầu làm rõ quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp nêu trên là hợp pháp hay là quyết định trái pháp luật?
Quyết định số 274/QĐ-XPVPHC ngày 30/9/2021 của Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Viết Dũng về hành vi "Ra đường không lý do chính đáng để đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19”.
Nghĩa vụ chứng minh có hành vi vi phạm
Theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng là người xử phạt, có trách nhiệm chứng minh ông Dũng có hay không hành vi phạm hành chính, vi phạm cụ thể ở Văn bản quy phạm pháp nào, lỗi vi phạm cụ thể ,không thể nói chung chung với việc viện dẫn điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định 117/2020/NĐCP-CP.
Về lý do “Ra đường không có lý do chính đáng”?
Căn cứ Công văn 2601/VPCP-KGVX Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy trường hợp ông Dũng đến Ngân hàng giao dịch là trường hợp cần thiết, phù hợp với Chỉ thị 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, ngày 23/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản số 9388/UBND-KGVX, đối với thôn, tổ dân phố vùng xanh, vùng vàng "kể từ 00h00 ngày 24/9/2021 người dân được đi tập thể dục ngoài trời, tại các công viên; tập luyện quần vợt, golf,… được đi chợ, siêu thị trong địa giới hành chính cấp huyện nhưng phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K”. Đáng lưu ý là khi trả lời về việc liên quan đến vụ xử phạt ông Nguyễn Viết Dũng, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đã khẳng định người dân TP. Nha Trang thuộc "vùng xanh" đến ngân hàng giao dịch là ra đường có lý do chính đáng.
Mặt khác, ngân hàng nơi ông Dũng đã thực hiện giao dich vào chiều ngày 29/9 cũng phải thực hiện đúng Chỉ thị 16/CT-TTg, bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch: Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư,... Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý Vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Như vậy, về mặt pháp lý có thể kết luận việc lập biên bản vi pham hành chính và xử phạt người “đến ngân hàng về bị phạt 2 triệu vì ra đường không lý do chính đáng” là không hợp pháp cả về thủ tục cũng như nội dung. Ông Dũng không vi phạm Chỉ thị 16/CT-TTg, không vi phạm các công văn của UBND tỉnh Khánh Hòa về phòng, chống dịch và cũng không vi phạm điểm a khỏan 1, điều 12 Nghị định 117/2020/NĐCP-CP.
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là quyết định trái pháp luật. Theo luật, việc xin lỗi, khắc phục hậu quả hoặc bồi thường người bị phạt oan chỉ đặt ra đối với trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật.
Quy định xử lý trách nhiệm đối với việc ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót
Theo quy định tại các Điều 6đ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót phải kịp thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban hành quyết định gây ra. Cơ quan của người có thẩm quyền đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót phải tổ chức việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của người đã ban hành, tham mưu ban hành quyết định đó. Đồng thời xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót. Cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình ban hành, tham mưu ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót, tùy theo tính chất mức độ lỗi và nội dung có sai sót của quyết định, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; nếu gây thiệt hại thì phải hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đây là quy định pháp luật mọi người phải tuân thủ trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.
Theo điểm a khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐCP-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cụ thể: Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. |
Luật sư HỒNG HÀ
Vụ kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Cảnh sát biển: Trách nhiệm pháp lý sẽ ra sao sau khi kỷ luật đảng?