/ Luật sư trực ban
/ Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà: Xử lý thế nào khi bị cáo không bồi thường đủ số tiền đã chiếm đoạt?

Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà: Xử lý thế nào khi bị cáo không bồi thường đủ số tiền đã chiếm đoạt?

27/11/2021 12:44 |

(LSVN) - Luật sư cho biết, nếu người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, hoặc sử dụng các thủ đoạn để tẩu tán, che giấu tài sản (mà Cơ quan thi hành án không thể phát hiện và xác minh được), thì quá trình thi hành án có thể kéo dài, có thể không thể thu hồi đầy đủ, thậm chí là ngân hàng có thể mất trắng một phần hoặc toàn bộ số tiền này.

Bị cáo Đinh Văn Dũng tại phiên tòa xét xử.

Sau nhiều ngày xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên các mức án đối với bị cáo Đinh Văn Dũng (56 tuổi, trú tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà và Nguyễn Xuân Lương (47 tuổi, trú tại phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh) - nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Tân Đại Việt cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà.

Theo đó, sau khi cân nhắc các tình tiết HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Dũng án tù chung thân và bị cáo Nguyễn Xuân Lương 15 năm tù cùng tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trên. Đồng thời, bị cáo Dũng phải hoàn trả cho BIDV Hà Tĩnh hơn 155 tỉ đồng đã chiếm đoạt, bị cáo Lương phải nộp phạt bổ sung 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, với số tiền phải hoàn trả cho ngân hàng quá lớn, dư luận đặt ra câu hỏi về việc liệu bị cáo có thể hoàn trả được toàn bộ số tiền chiếm đoạt này hay không? Nếu không trả được số tiền chiếm đoạt thì việc khắc phục hậu quả sẽ được tiến hành thế nào?

Không trả được số tiền chiếm đoạt, xử lý thế nào? 

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, bản án của Tòa án tỉnh Hà Tĩnh tuyên buộc bị cáo Dũng phải bồi thường, hoàn trả cho ngân hàng số tiền hơn 155 tỉ mới chỉ là bản án sơ thẩm. Do đó, nếu các bị cáo có kháng cáo thì bản án này sẽ chưa có hiệu lực pháp luật, và vụ án sẽ được xét xử lại theo thủ tục xét xử phúc thẩm.

Nếu Tòa cấp phúc thẩm vẫn giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, buộc bị cáo Dũng phải bồi thường, hoàn trả cho ngân hàng số tiền hơn 155 tỉ đồng, thì bị cáo Dũng sẽ có nghĩa vụ phải thi hành phán quyết này.

Trong trường hợp bị cáo Dũng (với tư cách người phải thi hành án) không tự nguyện hoàn trả số tiền nêu trên thì ngân hàng (với tư cách người được thi hành án) có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự cho thi hành án theo quy định của Luật thi hành án Dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014. Khi đó, Cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định thi hành án.

Bên cạnh đó, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, thì người phải thi hành án phải tự nguyện thi hành án. Nếu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên sẽ tiến hành các biện pháp kê biên, cưỡng chế, xử lý các tài sản của người phải thi hành án, để hoàn trả lại số tiền phải thi hành án cho ngân hàng theo quy định của pháp luật. 

Nếu kết quả xác minh cho thấy người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án, thì theo khoản 2 Điều 44 Luật thi hành án Dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “… Ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì Cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án".

Như vậy, nếu người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, hoặc sử dụng các thủ đoạn để tẩu tán, che giấu tài sản (mà Cơ quan thi hành án không thể phát hiện và xác minh được), thì quá trình thi hành án có thể kéo dài, có thể không thể thu hồi đầy đủ, thậm chí là ngân hàng có thể mất trắng một phần hoặc toàn bộ số tiền này.

Quy trình thẩm định, kiểm tra hồ sơ cho vay vốn của ngân hàng vẫn còn nhiều "kẽ hở"

Ngoài ra, qua vụ án này, Luật sư cho rằng quy trình, việc thẩm định, kiểm tra hồ sơ cho vay vốn của ngân hàng đã có những hạn chế, thiếu sót nhất định, tạo ra "kẽ hở" cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngân hàng.

Cụ thể, ngân hàng có tư cách là người bị hại nhưng có thể thấy quy trình cho vay, thẩm định, kiểm tra hồ sơ vay vốn của ngân hàng đã có những “lỗ hổng” nhất định, hoặc là những người có liên quan của ngân hàng đã không làm đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình, dẫn đến xảy ra những vụ việc nghiêm trọng như trên.

"Do đó, phía ngân hàng cần xem xét, đánh giá lại toàn bộ quy trình cho vay, kiểm tra, thẩm định hồ sơ vay vốn, để kịp thời khắc phục những thiếu sót, cũng như xử lý trách nhiệm của những người có liên quan (nếu có), tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự trong tương lai", Luật sư Nguyễn Đức Hùng bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến vụ việc, theo cáo trạng, năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư ở 2 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.500 tỉ đồng, được triển khai trên diện tích 2.000 ha, quy mô 254.200 con bò/năm.

Trong quá trình triển khai xây dựng dự án chăn nuôi bò Bình Hà, bị cáo Đinh Văn Dũng đã thực hiện các thủ đoạn gian dối kê khai 6 danh mục tài sản chứng minh vốn tự có nhằm mục đích để Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tin tưởng vào năng lực tài chính, phê duyệt cho vay vốn tín dụng. Để làm việc trên, Dũng thông đồng với Nguyễn Xuân Lương trước khi ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng BIDV.

Đinh Văn Dũng chỉ đạo lập hồ sơ khống đề nghị Ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân tạm ứng 50% giá trị hợp đồng vào tài khoản các nhà thầu để các nhà thầu chuyển lại cho Công ty Bình Hà 20% tổng giá trị hợp đồng. Sau đó, Dũng chỉ đạo sử dụng số tiền này góp vào vốn công ty Bình Hà dưới danh nghĩa cổ đông cá nhân và một số người khác nhằm gian dối chứng minh vốn đối ứng để ngân hàng thực hiện việc giải ngân cho Công ty Bình Hà vay vốn thực hiện dự án…

Từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2016, Dũng đã chiếm đoạt của Ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Tĩnh với tổng số tiền trên 155 tỉ đồng. Nguyễn Xuân Lương vì mục đích muốn được nhận, ký kết hợp đồng thi công dự án, biết việc thỏa thuận với Dũng thu lại số tiền 20% giá trị của hợp đồng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhưng vẫn đồng ý thực hiện việc trích lại tiền từ các hợp đồng bằng cách thi công không đúng thiết kế dự toán hoặc lập khống hồ sơ, giúp Dũng chiếm đoạt hàng tỉ đồng của Ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Tĩnh.

Trong vụ án này, Đinh Văn Dũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện hành vi phạm tội, Lương là đồng phạm với vai trò là người giúp sức. 

Nhận định hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, khiến dư luận bất bình nên cần phải nhận mức án tương xứng để răn đe và phòng ngừa chung. Sau khi cân nhắc các tình tiết, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Dũng án tù chung thân, bị cáo Nguyễn Xuân Lương 15 năm tù cùng tội danh trên. Đồng thời, bị cáo Dũng phải hoàn trả cho BIDV Hà Tĩnh hơn 155 tỉ đồng đã chiếm đoạt, bị cáo Lương phải nộp phạt bổ sung 50 triệu đồng.

VŨ QUÝ 

Truy tố người cướp tiền Bitcoin: Tiền ảo có phải là tài sản hay không?

Lê Minh Hoàng