Một số bị can tại cơ quan điều tra.
Theo cáo trạng, Hồ Ngọc Tài (32 tuổi) và Trần Ngọc Hoàng (38 tuổi) cùng ngụ tại TP. Đà Nẵng, có quan hệ quen biết với Lê Đức Nguyên (33 tuổi, ngụ tại quận 2, TP. HCM). Năm 2018, nghe Nguyên tư vấn, Tài đã bán khoảng 1.000 Bitcoin tương đương 100 tỉ đồng để kinh doanh các loại tiền điện tử như Aureus, Ifans... trên các sàn giao dịch tiền điện tử quốc tế và bị thua lỗ mất hết số tiền đầu tư.
Cho rằng Nguyên lừa mình nên Tài đã rủ Hoàng cùng tìm, bắt Nguyên phải trả lại số tiền điện tử đã bị mất. Tài và Hoàng đã rủ rê, thuê các bị can khác tìm chỗ ở, cài định vị lên ôtô của Nguyên và lên kế hoạch tiếp cận nạn nhân. Ngày 17/5/2020, Tài và Hoàng đã tổ chức cùng đồng bọn sử dụng ôtô tạo vụ va chạm, chặn ôtô của Nguyên lại tấn công, uy hiếp, khống chế, đe dọa Nguyên và vợ con để chiếm đoạt nhiều loại tiền điện tử.
Theo trị giá giao dịch ngày 17/5/2020, số tiền điện tử của Nguyên bị chiếm đoạt quy đổi được 168 Bitcoin, tương đương hơn 37 tỉ đồng. Ngày 23/6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, sau đó khởi tố bị can và tạm giam 16 bị can liên quan trong vụ án.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 16 bị cáo trong vụ dàn cảnh tông xe cướp 37 tỉ đồng về tội "Cướp tài sản". Theo đó, có nhiều tranh cãi trong quan điểm Bitcoin có phải là tài sản hay không để truy tố 16 bị cáo phạm tội "Cướp tài sản".
Bởi, căn cứ vào Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tài sản:
“Điều 105. Tài sản 1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. 2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai". |
Tại khoản 6 và 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP thanh toán không dùng tiền mặt sửa đổi bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định:
“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; 7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”. |
Bên cạnh đó, Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/7/2017 gửi Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định:
"Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung)". |
Ngoài ra, vào năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã xét xử vụ kiện đầu tiên về truy thu thuế tiền tiện tử Bitcoin, theo đó, tại Bản án số 22/2017/HC-ST đã nhận định: “Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiền kỹ thuật số (tiền ảo) là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng”. Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã xác định tiền ảo nói chung không phải là tài sản, hàng hóa theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại năm 2005.
Như vậy, Việt Nam không công nhận đồng tiền ảo trong đó có Bitcoin là một phương tiện thanh toán, nên việc truy tố 16 bị cáo trong vụ án nêu trên còn nhiều tranh cãi, vì hành lang pháp lý về tiền ảo còn chưa quy định cụ thể, dễ dàng phát sinh các hành vi trái pháp luật. Nếu truy tố 16 bị cáo nêu trên về tội "Cướp tài sản" thì vô hình trung đã thừa nhận Bitcoin, tiền ảo là tài sản bởi hiện tại Bitcoin chưa được thừa nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Cần đình chỉ vụ án
Theo Luật sư Diệp Năng Bình nhận định, việc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố 16 bị cáo trong vụ dàn cảnh tông xe cướp 37 tỉ đồng về tội "Cướp tài sản" là chưa hợp lý, bởi hành vi này không cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật. Do vậy, vụ án cần phải được đình chỉ.
Về chế tài xử lý, Luật sư cho rằng, việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Nghị định này thay thế Nghị định 96/2014/NĐ-CP); nặng hơn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cần sớm có cơ chế quản lý
Theo Luật sư Đặng Văn Vương, Văn phòng Luật Phong & Partners Law firm, tiền ảo là lĩnh vực rất mới và phức tạp nên việc đánh giá đầy đủ và xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh đối với tiền ảo là thách thức không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác trên thế giới. Hiện tại, tiền ảo đã bắt đầu xâm nhập vào các hoạt động đầu tư, quan hệ dân sự, tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân nên đòi hỏi nước ta phải nhanh chóng ban hành các quy định pháp luật và có những biện pháp quản lý phù hợp để điều chỉnh các quan hệ pháp sinh liên quan đến tiền ảo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, người dân và hạn chế các tội phạm liên quan đến tiền ảo. Để góp phần hạn chế những hệ lụy về tiền ảo, Luật sư Vương đề xuất một số biện pháp sau:
Thứ nhất, nên xây dựng khung pháp lý về đồng tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam. Trong đó, cần quy định rõ việc trao đổi, mua bán, giao dịch đồng tiền ảo giữa cá nhân với cá nhân; cá nhân và tổ chức; tổ chức với tổ chức nhằm hạn chế những rủi ro đáng tiếc cho các cá nhân, tổ chức khi giao dịch tiền ảo.
Thứ hai, nên đưa ngành nghề kinh doanh tiền ảo vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện (như có vốn pháp định, ký quỹ, tiền bảo đảm tại ngân hàng tương đương hạn mức tiền ảo được phát hành, giao dịch…) và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy hoạt động ngành nghề kinh doanh tiền ảo để tránh trường hợp kinh doanh ồ ạt, bừa bãi, lợi dụng kinh doanh tiền ảo để lừa đảo, rửa tiền hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp khác. Đồng thời, cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý và thu thuế liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo.
Thứ ba, có nhiều đối tượng sẽ lợi dụng đồng tiền ảo để tiến hành rửa tiền, lừa đảo nên các cơ quan chức năng cần nâng cao nghiệp vụ trong việc phòng chống tội phạm trên không gian mạng trong thời đại công nghệ số như hiện nay.
NGỌC OANH
Những điểm mới về quyền bào chữa của người bị buộc tội theo Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015