/ Luật sư - Bạn đọc
/ Một số vấn đề pháp lý vụ Facebook kiện nhóm người Việt Nam lừa đảo

Một số vấn đề pháp lý vụ Facebook kiện nhóm người Việt Nam lừa đảo

03/07/2021 04:12 |

(LSVN) - Luật sư nhận định, bản án mà Tòa án nước ngoài tuyên sẽ được thi hành tại Việt Nam nếu được Việt Nam công nhận, còn việc công nhận hay không sẽ dựa trên Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, có nghĩa là nếu Tòa án tại Mỹ đã công nhận bản án của của Tòa Việt Nam thì Việt Nam có thể công nhận bản án của Tòa án tại Mỹ.

Ảnh chụp bữa tối sang trọng của 03 trong số 04 người bị Facebook kiện. Ảnh: TNO.

Ngày 29/6, Facebook thông báo đã nộp hai đơn kiện chống lại hoạt động lừa đảo trực tuyến. Trong đó, có một đơn kiện chống lại một nhóm người đang sống tại Việt Nam được gửi lên Tòa án quận tại TP. Oakland (bang California, Mỹ), bao gồm 04 bị đơn: Nguyễn Th. (còn gọi là Nguyễn H.Th.), Lê K., Nguyễn Q.B và Phạm H.D (còn gọi là D.Ma).

Theo đơn kiện, nhóm bị đơn đã dùng thủ đoạn để chiếm tài khoản của các nhân viên thuộc các hãng quảng cáo và tiếp thị, những người quản lý lượng lớn tài khoản quảng cáo của các doanh nghiệp.

Để chiếm đoạt tài khoản, nhóm bị đơn phát triển một ứng dụng có tên “Ad Manager for Facebook” và đưa lên kho ứng dụng Google Play Store. Ứng dụng này được cho là giúp quản lý và tối ưu hóa quảng cáo trên Facebook, được giả mạo như công cụ quản lý các trang trên Facebook, nhưng thực chất không phải là ứng dụng chính chủ của mạng xã hội này. Những người sử dụng sau khi cài đặt và đăng nhập vào ứng dụng sẽ bị chiếm đoạt tên đăng nhập và mật khẩu Facebook. Qua đó, nhóm bị đơn có thể đăng nhập tài khoản Facebook của nạn nhân và đăng quảng cáo trái phép.

Nhóm này bị cáo buộc đã thu ít nhất 36 triệu USD (827,4 tỉ đồng) nhờ hoạt động quảng cáo bán hàng từ các tài khoản chiếm được, gồm bán áo thun và các hàng hóa khác. Nhóm bị đơn không chỉ đăng khoảng 10.000 quảng cáo trên Facebook và mạng xã hội Instagram, mà còn cho thuê lại các tài khoản chiếm được.

Từ khi xuất hiện trên Google Play Store vào tháng 12/2020 đến khi bị Google xóa hồi tháng 05/2021, “Ad Manager for Facebook” đã được tải xuống hơn 10.000 lần. Facebook cáo buộc nhóm người này vi phạm điều khoản dịch vụ của công ty, vi phạm luật chống tấn công mạng của bang California và liên bang Mỹ. Công ty này yêu cầu bồi thường thiệt hại ít nhất 36 triệu USD và đề nghị Tòa án ra lệnh cấm các bị đơn truy cập Facebook.

Đây là đơn kiện mới nhất của Facebook trong những năm qua đối với những cá nhân, tổ chức sử dụng nền tảng mạng xã hội này để thực hiện các hành vi phạm tội mạng.

Hoàn toàn có thể khởi kiện tại Mỹ

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi lợi dụng hoạt động mạng máy tính để chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội diễn ra ngày càng phổ biến, gọi chung là tội phạm mạng - tội phạm công nghệ cao.

Ở Việt Nam, các cơ quan chức năng đang áp dụng nhiều biện pháp để xử lý loại tội phạm này, ở nước ta hành vi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của người khác sẽ bị xử lý theo chế tài hình sự, hành vi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của các đối tượng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Ngoài ra, việc chiếm đoạt tài khoản của các đối tượng nếu để thực hiện hành vi vu khống, bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của các cá nhân, tổ chức… thì tùy vào tính chất, mức độ các đối tượng còn bị xử lý về các tội “Vu khống” theo Điều 156 và tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ Luật hình sự 2015 và bồi thường thiệt hại cho người có liên quan.

“Tuy nhiên, đối với những cá nhân, tổ chức người Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm lợi ích của các cá nhân và tổ chức nước ngoài; thì tùy tính chất sự việc mà các cá nhân, tổ chức ngoài nước (nước sở tại) có thể thông qua tòa án tại nước họ để tiến hành khởi kiện vụ án dân sự, nếu thấy có yếu tố hình sự thì thông qua cơ quan ngoại giao họ sẽ kiến nghị cơ quan điều tra của Việt Nam phối hợp cùng giải quyết theo phạm vi Hiệp định tương trợ tư pháp về lĩnh vực dân sự và hình sự trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc theo nguyên tắc có đi có lại để giải quyết vụ việc”, Luật sư Hà Thị Khuyên cho hay.

Theo Luật sư Khuyên, phía nguyên đơn là Facebook hoàn toàn có quyền khởi kiện vụ án tại đất nước họ. Cụ thể, họ đã nộp đơn khởi kiện lên tòa án quận tại TP. Oakland (bang California, Mỹ), 04 người Việt Nam bị Tòa án bang California - Mỹ đưa ra xét xử có thể vắng mặt hoặc có mặt nhưng họ vẫn sẽ bị đưa ra xét xử theo trình tự thủ tục tố tụng tại bang California, Mỹ.

Bản án sẽ được thi hành tại Việt Nam nếu được Việt Nam công nhận

Luật sư Khuyên cho biết, bản án mà Tòa án nước ngoài tuyên sẽ được thi hành tại Việt Nam nếu được Việt Nam công nhận, còn việc công nhận hay không sẽ dựa trên Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, có nghĩa là nếu Tòa án tại Mỹ đã công nhận bản án của của Tòa Việt Nam thì Việt Nam có thể công nhận bản án của Tòa án tại Mỹ.

Cụ thể, theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 tại khoản 1, Điều 427 đã quy định: “Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được Tòa án Việt Nam công nhận thì không có hiệu lực pháp luật tại Việt Nam, trừ trường hợp đương nhiên được công nhận quy định tại Điều 431 của Bộ luật này”.

Cũng tại Điều 431 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam khi “Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam được quy định tại điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên”.

Trong trường hợp Việt Nam và quốc gia nơi ra bản án, quyết định dân sự không cùng là thành viên của điều ước quốc tế quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, thì tòa án Việt Nam vẫn có thể công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài trên cơ sở có đi có lại khi có yêu cầu công nhận và cho thi hành.

“Facebook hiện tại đang có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nên khi phát hiện nhóm bị đơn là 04 người Việt Nam có tài sản ở bất cứ nước nào thì Facebook có quyền yêu cầu các nước đó công nhận và thi hành bản án, quyết định, còn tại Mỹ, đương nhiên họ có thể giữ (bắt) bị đơn khi 04 người Việt Nam xuất hiện tại Mỹ để buộc họ thi hành bản án, quyết định có hiệu lực”, Luật sư Hà Thị Khuyên cho hay.

Đồng quan điểm với Luật sư Khuyên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật TNHH Vietthink cũng cho hay, theo thông tin báo chí, số tiền thiệt hại hơn 36 triệu USD do hành vi chiếm đoạt tài khoản quảng cáo Facebook đã được mạng xã hội này hoàn lại cho các nạn nhân. Đồng nghĩa, Facebook phải gánh chịu khoản thiệt hại trên.

Các yêu cầu bồi thường thiệt hại này của Facebook là hoàn toàn có cơ sở nếu Facebook chứng minh được các thiệt hại đã phải gánh chịu.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật TNHH Vietthink.

Ngoài việc yêu cầu khởi kiện của Facebook sẽ được xem xét và xử lý theo quy định tại quốc gia khởi kiện, thì theo quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam hiện nay, các Cơ quan an ninh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cũng sẽ thực hiện trách nhiệm theo dõi, phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm, các vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT,…).

“Tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương phát hiện, điều tra và hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện hành vi sử dụng công nghệ cao để vi phạm các quy định về an ninh mạng, thông tin, tiền tệ - ngân hàng quốc tế. Các hành vi vi phạm này còn gây ảnh hưởng đến uy tín quốc gia trong giai đoạn hội nhập quốc tế; việc phát hiện và xử lý các chủ thể vi phạm/tội phạm sử dụng công nghệ cao còn để đảm bảo sự an toàn, ổn định cho nền Kinh tế số 4.0 đang phát triển tại Việt Nam và trên thế giới”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà bày tỏ quan điểm.

Trước tình trạng tội phạm mạng - tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, các Luật sư cho rằng, các cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội trên nền tảng mạng internet cần lưu ý thực hiện chế độ bảo mật một cách chặt chẽ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản mạng xã hội theo quy định của mạng xã hội mà bản thân và tổ chức đang tham gia. Không chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản mạng xã hội cho người khác.

Đối với tổ chức sử dụng mạng xã hội thì cần đăng ký bản quyền đối với các kênh trên nền tảng mạng xã hội, để khi xảy ra việc tài khoản và kênh bị xâm phạm có thể dễ dàng thông báo tới ban quản trị mạng xã hội đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức. Khi các cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt tài khoản, các kênh trên mạng xã hội thì cần thực hiện thông báo tới ban quản trị mạng xã hội đó để họ xác minh, hỗ trợ xử lý kịp thời.

Cá nhân, tổ chức bị các đối tượng xấu chiếm đoạt tài khoản, kênh mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vu khống, bôi nhọ danh sự, nhân phẩm, xâm phạm lợi ích thì có thể làm đơn trình báo gửi cơ quan chức năng để điều tra, xử lý các đối tượng.

QUÝ MINH

Một số vấn đề pháp lý xung quanh hoạt động của các sàn ngoại hối trái phép

Lê Minh Hoàng