/ Luật sư trực ban
/ Hàng loạt cây xăng 'găm hàng' không bán: Xử lý thế nào?

Hàng loạt cây xăng 'găm hàng' không bán: Xử lý thế nào?

13/02/2022 08:19 |

(LSVN) - Nếu các cửa hàng xăng dầu tại các tỉnh phía Nam vẫn còn dấu hiệu của tình trạng găm hàng, trục lợi, còn hàng không bán thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 31 và Điều 32 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, trường hợp để xảy ra tình trạng găm hàng với mục đích tư lợi bất chính thì các cửa hàng xăng dầu trên còn phải chịu trách nhiệm hình sự với mức án phạt quy định theo Điều 196, Bộ luật Hình sự 2015.

Ảnh minh họa.

Những ngày gần đây, rất nhiều cây xăng tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam (nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ) đã đột ngột dừng bán, gây xáo trộn thị trường xăng dầu, khó khăn cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đang thu hút rất nhiều sự chú ý từ dư luận.

Vào chiều ngày 09/02, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp trực tiếp tại trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường kết hợp hình thức trực tuyến với các điểm cầu tại các địa phương và doanh nghiệp cung ứng xăng dầu để bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trong nước.

Theo đó, trước diễn biến giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, tình hình cung ứng tại thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn, mặc dù các đơn vị chức năng và doanh nghiệp đầu mối đã nỗ lực để đảm bảo xăng dầu phục vụ thị trường trong nước, song thời gian gần đây do áp lực tăng giá xăng dầu của thế giới, trong khi tại thị trường trong nước nếu không rơi vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán thì đã có thêm một lần điều chỉnh giá, vì vậy một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã có tiểu xảo gây bức xúc trong dư luận.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết xử lý, phạt kịch khung theo Nghị định 95; thậm chí áp dụng biện pháp rút giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm.

Đến ngày 10/02, tại Thông báo số 36/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Công thương thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay đối với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. 

Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh việc các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật hiện đang được rất nhiều người quan tâm?

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Công ty Luật TNHH Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, tại Điều 31, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã quy định mức phạt tiền thấp nhất là 05 đến 10 triệu đồng và cao nhất là 80 đến 100 triệu đồng về hành vi đầu cơ hàng hoá cùng với mức xử phạt bổ sung gồm: (i) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; (ii) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; (iii) Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, theo Điều 32, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì hành vi găm hàng sẽ bị xử phạt 05 đến 10 triệu đồng đối với các hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 31 mà không có lý do chính đáng: (i) Cắt giảm địa điểm bán hàng; (ii) Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó; (iii) Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; (iv) Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.

Phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với các hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 31 mà không có lý do chính đáng: (i) Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; (ii) Ngừng bán hàng hóa ra thị trường; (iii) Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; (iv) Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.

Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 31. Đồng thời sẽ bị tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Như vậy, Luật sư cho biết, nếu các cửa hàng xăng dầu tại các tỉnh phía Nam vẫn còn dấu hiệu của tình trạng găm hàng, trục lợi, nếu còn hàng không bán thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 31 và Điều 32 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, nếu để xảy ra tình trạng găm hàng với mục đích tư lợi bất chính thì các cửa hàng xăng dầu trên còn phải chịu trách nhiệm hình sự với mức án phạt quy định theo Điều 196, Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, theo Điều 196, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về mức xử phạt của tội “Đầu cơ” như sau: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì sẽ bị phạt tiền thấp nhất từ 30 đến 300 triệu và cao nhất là 1,5 đến 05 tỉ đồng, đồng thời bị phạt tù thấp nhất từ 06 tháng đến 03 năm và cao nhất là 07 đến 15 năm. Đối với pháp nhân thương mại thì sẽ bị phạt tiền thấp nhất là 300 triệu và cao nhất là 09 tỉ đồng.

“Để hạn chế, cũng như có thể xử lý triệt để tình trạng này, cơ quan chức năng cần thực hiện đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang đóng cửa, tạm ngưng bán xăng một cách kỹ càng để phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp có hành vi găm hàng, còn hàng không bán nhằm trục lợi của các cửa hàng xăng dầu này để làm tiền đề nêu gương, tránh cho các trường hợp tương tự tái diễn”, Luật sư Giáp nhấn mạnh.

VŨ QUÝ

Cây trên đường bất ngờ bật gốc đè trúng người: Trách nhiệm thuộc về ai?

Lê Minh Hoàng