Ảnh minh họa.
Mới đây, báo chí đã phản ánh, thông tin về vấn đề hàng trăm máy đo nồng độ cồn của lực lượng Công an toàn quốc có nguy cơ "lệch chuẩn" do sai phạm liên quan đến cán bộ kiểm định các thiết bị này.
Được biết, Cơ quan CSĐT đã thu thập toàn bộ hồ sơ, tài liệu của vụ việc. Tới thời điểm hiện tại, vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ Cơ quan Công an.
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đơn vị này cũng vừa xem xét kỷ luật hành chính đối với ông Ngô Huy Thành, Trưởng phòng Đo lường Hóa lý - Mẫu chuẩn, Viện Đo lường Việt Nam do liên quan đến nội dung mất máy tính chứa hồ sơ mua bán các chất chuẩn (cồn thử nghiệm máy đo nồng độ cồn). Các nội dung khác lãnh đạo Tổng cục cũng đang xem xét trong phạm vi thẩm quyền của đơn vị.
Trước đó, báo chí đã nhận được thông tin về việc những sai phạm liên quan đến việc mua và sử dụng khí cồn chuẩn được dùng để kiểm định/hiệu chuẩn/đo thử nghiệm cho các phương tiện đo nồng độ cồn mà lực lượng CSGT đang sử dụng.
Kết quả xác minh của Tổ công tác Viện Đo lường chỉ rõ: ông Ngô Huy Thành, Trưởng phòng Đo lường Hóa lý - Mẫu chuẩn chịu trách nhiệm chính. Ông Thành cùng các cán bộ liên quan có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật như: Cố ý làm trái quy định trong quy trình kiểm định phương tiện đo hàm lượng cồn trong hơi thở theo ĐLVN 107:2012; gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 2,4 tỉ đồng.
Sự việc trên xảy ra khiến không ít người lo ngại về tính chính xác và sự minh bạch trong việc xử phạt với máy đo nồng độ cồn theo Nghị định 100. Vậy, để xảy ra vụ việc trên, ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Trường hợp máy đo nồng độ cồn đã sử dụng nếu có sai sót thì quyền lợi của những người từng vi phạm và bị phạt được xử lý thế nào?
Theo Luật sư Trần Thị Thanh Lam, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật thì thiết bị đo nồng cồn phải đạt tiêu chuẩn theo quy định, được kiểm định/hiệu chuẩn/đo thử nghiệm cho các phương tiện đo nồng độ cồn trước khi đưa vào sử dụng.
Với vụ việc trên, qua quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra sẽ xác định hành vi vi phạm cụ thể là gì; động cơ mục đích, hậu quả của hành vi; xác định lỗi, trách nhiệm thuộc đơn vị hay cá nhân nào, và xem xét hình thức xử lý theo quy định pháp luật.
Nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu có căn cứ, đồng thời sẽ xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
Nếu kết quả điều tra xác định các máy đo nồng độ cồn không đạt tiêu chuẩn và cho ra kết quả sai thì điều này có nghĩa những kết quả xử phạt vi phạm hành chính về nồng độ cồn của cơ quan có thẩm quyền được thực hiện thông qua những máy đo nồng độ cồn này là không đúng kết quả dẫn đến xử phạt không chính xác hoặc bỏ lọt người vi phạm.
Với trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định được những cá nhân bị xử lý vi phạm sai do kết quả máy đo nồng độ cồn không đạt tiêu chuẩn và có khiếu nại của người vi phạm thì phải giải quyết khiếu nại theo quy định.
Theo Luật sư, về nguyên tắc, trường hợp có sai sót làm ảnh hưởng cơ bản bản chất của hành vi vi phạm dẫn đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng thì phải hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính rồi mới tiến hành lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính. Sau đó, nếu còn trong thời hạn, thời hiệu thì ban hành quyết định xử phạt, nếu hết thời hạn, thời hiệu thì ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
Với hành vi vi phạm hành chính về nồng độ cồn khi tham gia giao thông thì rất khó xác minh lại tình tiết vi phạm, do đó nếu quyết định xử phạt vi phạm hành chính sai thì phải bị hủy bỏ và cơ quan có thẩm quyền giải quyết hậu quả của việc hủy bỏ quyết định này.
Tuy nhiên, việc xử lý, giải quyết trong trường hợp trên không đơn giản do người vi phạm không có chứng cứ trong việc xác định máy đo nồng độ cồn nào được sử dụng để đo nồng độ cồn và cho ra kết quả để xử phạt do sự việc đã diễn ra rất lâu trước đó.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà không đúng tính chất, mức độ vi phạm, không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm quy định khác của Luật này và quy định khác của pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
"Mặc dù vụ việc trên sẽ khó xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể của những người đã bị xử phạt vi phạm hành chính từ những máy đo nồng độ cồn không đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền vẫn phải xem xét, xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân vi phạm. Đồng thời, rút kinh nghiệm, hệ thống lại quy trình làm việc để tránh xảy ra những sự việc tương tự, ảnh hưởng đến uy tín ngành công an và gây thiệt hại đến quyền lợi của người dân", Luật sư Lam bày tỏ quan điểm.
HOÀNG NGUYỄN
Biệt thự của ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liệu có bị kê biên tài sản?