/ Luật sư - Bạn đọc
/ Biệt thự của ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liệu có bị kê biên tài sản?

Biệt thự của ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liệu có bị kê biên tài sản?

09/06/2022 15:08 |

(LSVN) - Theo Luật sư, trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh tài sản và có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn để tránh tẩu tán tài sản, nếu tài sản do phạm tội mà có thì sẽ thu giữ để xử lý theo quy định pháp luật.

Một góc khu biệt thự nơi gia đình ông Chu Ngọc Anh cư trú.

Vừa qua, ngay sau khi ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội bị cơ quan Công an khởi tố và khám xét nhà riêng thì trên mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh căn biệt thự "khủng" của gia đình ông nằm trong Khu đô thị Vinhomes Gardenia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Tương tự, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở của ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế ở khu liền kề số 671 Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Vậy, theo quy định của pháp luật, liệu các căn biệt thự này có bị kê biên để đảm bảo thi hành án, thu hồi tài sản sau này hay không?

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh tài sản và có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn để tránh tẩu tán tài sản, nếu tài sản do phạm tội mà có thì sẽ thu giữ để xử lý theo quy định pháp luật.

Thông thường, đối với các vụ án về tham nhũng, kinh tế và chức vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân hoặc có yếu tố vụ lợi thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành các biện pháp xác minh và ngăn chặn đối với tài sản của bị can. Đối với những tài sản có nguồn gốc từ tội phạm hoặc do hành vi phạm tội mà có thì về nguyên tắc cơ quan điều tra sẽ tiến hành niêm phong, kê biên, thu giữ để xử lý theo nguyên tắc xử lý vật chứng quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Những tài sản có mang dấu vết tội phạm, có nguồn gốc do phạm tội mà có thì sẽ được xác định là vật chứng của vụ án hình sự. Việc thu giữ, xử lý vật chứng của vụ án hình sự phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Việc thu thập vật chứng phải đảm bảo được quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể, vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật.

Pháp luật cũng quy định người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Về việc xử lý vật chứng, theo khoản 2, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy. Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Theo Luật sư Cường, vấn đề xác minh tài sản của bị can trong quá trình điều tra là rất cần thiết. Nó làm căn cứ để áp dụng các biện pháp ngăn chặn và áp dụng hình phạt bổ sung khi Tòa án giải quyết vụ án theo quy định pháp luật. Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Cảnh sát giao thông, Ngân hàng và các cơ quan chức năng khác để xác định các bị can đứng tên bao nhiêu tài sản là nhà, đất, xe ô tô, tài khoản ngân hàng và những tài sản khác. Sau khi xác minh được những tài sản đứng tên sở hữu riêng hoặc đồng sở hữu thì cơ quan điều tra sẽ xác định nguồn gốc số tài sản đó. Căn cứ vào hồ sơ kê khai tài sản của cán bộ đảng viên để đánh giá tính trung thực, tài sản có bất minh hay không, nguồn gốc thế nào, có phải là do phạm tội mà có hay không? Từ đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ có những phương thức xử lý phù hợp.

"Đối với những biệt thự đắt tiền mà các bị can ăn ở sinh sống trước khi bị bắt, những chiếc xe sang trọng mà bị can sử dụng nếu đứng tên người khác thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có hành vi đứng tên hộ hay không. Trong trường hợp phát hiện có hành vi rửa tiền, nguồn gốc tiền do phạm tội mà có nhưng đã thông qua giao dịch dân sự để che giấu nguồn gốc thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Rửa tiền" và xử lý đối với những người đứng tên hộ, che giấu nguồn gốc tài sản phạm tội để sử lý theo quy định của pháp luật", Luật sư Cường phân tích thêm.

Giải pháp nào để phòng chống tham nhũng hiệu quả?

Đưa ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm phòng chống tham nhũng hiệu quả, Luật sư Cường cho rằng cần phải loại bỏ tận gốc những nguyên nhân, gốc dễ phát sinh tham nhũng. Theo đó, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tham nhũng xảy ra, cụ thể như:

- Việc quản lý tài sản hiện nay còn rất lỏng lẻo, đặc biệt là tài sản là bất động sản, ôtô và tiền mặt gửi tài khoản ngân hàng, tiền cất giấu ở nhà. Hiện nay chưa có quy định chứng minh tiền sạch trong các giao dịch nên cứ có tiền là người ta có thể đứng tên nhà đất, xe cộ, gửi ngân hàng,... Khi tài sản tham nhũng có chỗ cất giấu, dễ dàng cất giấu mà không bị phát hiện, không bị kiểm tra xử lý thì đây là động cơ thúc đẩy các đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng.

- Người có chức vụ quyền hạn suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn đến thực hiện hành vi tham nhũng;

- Cơ chế quản lý kinh tế lỏng lẻo, yếu kém tạo điều kiện để các đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng;

- Việc phát hiện tham nhũng chưa kịp thời trong suốt một thời gian dài, việc xử lý còn chậm, có những vụ việc chưa giải quyết triệt để dẫn đến nhiều đối tượng coi thường pháp luật và cho rằng hành vi của mình có thể được che giấu, được giải quyết bằng tiền và các mối quan hệ nên các đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng,...

Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý kinh tế, tăng cường công khai minh bạch, tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện ngăn chặn những hành vi tham nhũng. Không để những hành vi diễn ra kéo dài, nhiều lần, nhiều năm, nghiêm trọng rồi mới phát hiện xử lý.

Chính sách xét xử hình sự đối với tội phạm tham nhũng và chức vụ hiện nay là nghiêm minh, nghiêm khắc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm minh triệt để những hành vi rửa tiền, che giấu nguồn gốc tài sản để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Ngoài ra, để phòng chống tham nhũng hiệu quả thì cần phải thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp, trong đó cần nhấn mạnh đến các giải pháp phòng ngừa làm sao cho người có chức vụ quyền hạn không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng. Cụ thể như: Tiếp tục tiến hành giảm biên chế, cải cách tiền lương, sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả và không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người hưởng lương; Nâng cao trình độ nhận thức, bản lĩnh và đạo đức của cán bộ để những người có chức vụ quyền hạn không muốn tham nhũng, quyết tâm giữ vững đạo đức, nhân phẩm, nhân cách của người cán bộ. 

TIẾN HƯNG

Ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh có thể đối diện mức án nào?

Tài sản nhà nước bị thất thoát ở đâu?

Lê Minh Hoàng