(LSO) - Hà Nội mới đây lại xảy ra thêm một trường hợp học sinh bị bỏ quên trên ô tô, rất may cháu bé lớp 3 bình tĩnh xử lý tình huống nguy hiểm tự thoát ra được.
Trước đó, ngày 09/9, một số phụ huynh phản ánh có việc học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm bị bỏ quên trên ô tô đưa đón. Theo báo cáo của nhà trường, khoảng 07 giờ sáng 09/9/2020, sau khi trả học sinh ở cổng số 4, tài xế Nguyễn Văn Thạo - nhân viên lái xe đã đưa xe về cổng số 1 của nhà trường.
Lúc xuống xe, giáo viên phụ trách xe số 38 và tài xế Thạo đã chủ quan, bỏ qua việc đi xuống cuối xe để kiểm tra nên bỏ quên một học sinh ngủ quên trên ô tô. Học sinh này sau đó đã tự mở cửa xe để đi vào trường. Học sinh này vào lớp trước giờ giáo viên chủ nhiệm điểm danh sĩ số và học bình thường nên nhà trường không phát hiện ra.
Khoảng 17 giờ cùng ngày, khi biết sự việc, nhà trường đã họp khẩn, rà soát quy trình, kiểm tra camera ở thời điểm xe đến trường. Sau khi rà soát, trích xuất camera cho thấy, cô giáo theo xe và tài xế đã bỏ qua bước xuống cuối xe kiểm tra theo quy định.
Theo TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên nhân xảy ra nhiều vụ việc quên trẻ trên xe đưa đón chủ yếu từ hai nguyên nhân chính: do trẻ ngủ trên xe và người có trách nhiệm đưa đón bất cẩn khi kiểm đếm giám sát trẻ.
"Trẻ em tiểu học là những đối tượng khá dễ ngủ, đặc biệt là buổi sáng khi các em có thể chưa ngủ đủ giấc. Ngoài ra, phải di chuyển một quãng đường khá xa, khi xe đưa đón di chuyển qua nhiều khu vực để đón các bạn khác trên xe, cho nên câu chuyện trẻ ngủ trên xe gần như là phổ biến, chúng ta cần quan tâm đến sức khoẻ của các em, đặc biệt là những người có trách nhiệm đưa đón các em đi lại di chuyển tới trường và nhà", bà Hương nói.
Cũng theo chuyên gia, quy trình đưa đón trẻ cần nghiêm túc chặt chẽ và cần phải có quy định quy chuẩn từng người, trong từng khâu đưa đón trẻ phải có trách nhiệm, vị trí đưa đón trẻ được sắp xếp cụ thể. Đặc biệt, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm vô cùng quan trọng, khi là người kết nối trực tiếp giữa nhà trường và phụ huynh của các em.
"Khi các trẻ chuẩn bị vào lớp giáo viên nên chú ý đến từng em xem các em đó có phải lớp mình không, vì các em học sinh tiểu học thường khá hiếu động và tự do, có thể dẫn đến các trường hợp vào nhầm lớp, từ đó nhiều giáo viên đếm sĩ số đầu người mà không nhớ khuôn mặt học sinh của lớp mình dẫn đến nhầm lẫn", TS. Hương phân tích.
Bên cạnh đó, những người được phân công đưa đón trẻ cần có trách nhiệm ở vị trí của mình, tránh những sai sót đáng tiếc, các vụ việc thương tâm trước đó đã để lại nhiều hình ảnh không tốt về ngành giáo dục. Đồng thời, trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng cần xem xét học sinh lớp mấy thì có thể dùng ô tô đưa đón cho phù hợp. Cần thường xuyên kiểm tra việc đưa đón của các trường đã đạt hay chưa, nếu thực sự chưa đạt được yêu cầu đề ra thì cần dừng ngay việc đưa đón.
Ngoài đề cao trách nhiệm và các quy định đưa đón trẻ, bà Hương cũng cho rằng vụ việc trên rất may mắn khi em học sinh đã rất bình tĩnh để xử lý tình huống.
Theo TS. Vũ Thu Hương, các bậc phụ huynh cũng cần dành thời gian đưa đón con em đi học để các em làm quen với môi trường mới tốt hơn. Ngoài ra, để bảo vệ cho con em mình, bố mẹ ở nhà cần trang bị, dạy cho trẻ thêm kĩ năng xử lý khi bất ngờ rơi vào trường hợp khẩn cấp nguy hiểm.
THANH PHONG