/ Luật sư trực ban
/ Vụ khách hàng mất gần 47 tỉ đồng gửi tại Sacombank: Trách nhiệm của ngân hàng như thế nào?

Vụ khách hàng mất gần 47 tỉ đồng gửi tại Sacombank: Trách nhiệm của ngân hàng như thế nào?

20/03/2023 09:58 |

(LSVN) – Theo Luật sư, trong thời gian phía khách hàng và ngân hàng đang thực hiện hợp đồng gửi giữ tài sản, nhưng phía ngân hàng để mất tiền của khách hàng thì phía ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, phải bồi thường cho khách hàng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng tới uy tín.

 

Ảnh minh hoạ.

Liên quan đến vụ việc tháng 5/2022, bà Hồ Thị Thùy Dương (ở TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) phát hiện tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Khánh Hoà bị mất tiền nên đề nghị ngân hàng trích lục sao kê. Kết quả, có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ 04/5/2022 đến 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỉ đồng.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, Nguyễn Thị Thanh Hà (Phó Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh, đã bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”) cùng các cấp dưới đã chiếm đoạt 46,9 tỉ đồng từ tài khoản của bà Dương.

Vậy, theo quy định của pháp luật, trách nhiệm của ngân hàng trong vụ việc trên sẽ như thế nào?

Phía ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, phải bồi thường cho khách hàng

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đây là sự việc xảy ra tương đối nhiều thời gian gần đây. Sai phạm này phản ánh lỗ hổng và khoảng trống lớn trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng đối với các ngân hàng, phản ánh đạo đức của một bộ phận cán bộ ngành ngân hàng đã lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của người gửi.

Theo đó, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng thì đây là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Thông qua giao dịch gửi tiền ngân hàng, giữa khách hàng và ngân hàng đã xác lập một hợp đồng gửi giữ tài.

Căn cứ theo Điều 559 Bộ luật Dân sự 2015, thì hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên giữ tài sản có nghĩa vụ: Bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi; Báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí; Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Ngoài ra, theo Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm như: Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật và công bố công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính và chi nhánh; Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi; Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Cũng tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thì chủ tài khoản có các nghĩa vụ sau: Kịp thời thông báo cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng; Hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi Có vào tài khoản thanh toán của mình; Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình.

Việc trong thời gian phía khách hàng và ngân hàng đang thực hiện hợp đồng gửi giữ tài sản, nhưng phía ngân hàng để mất tiền của khách hàng thì phía ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, phải bồi thường cho khách hàng một cách kịp thời tránh ảnh hưởng tới uy tín.

Còn đối với nhân viên ngân hàng là người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền gửi của khách thì ngân hàng phải là người trình báo, phối hợp cùng Công an vì phía ngân hàng đang là bên quản lý tài sản, khi đó ngân hàng là bị hại trong vụ án hình sự.

"Trường hợp nếu ngân hàng "thoái thác" không nhận trách nhiệm, không bồi thường cho khách hàng thì khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu ngân hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho khách hàng", Luật sư Khuyên chia sẻ.

Cần quy định rõ hơn trách nhiệm pháp lý của các ngân hàng

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, qua nội dung vụ việc, trách nhiệm của ngân hàng và các cá nhân có liên quan như thế nào thì còn phải dựa trên kết quả điều tra, giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân của vụ việc là do các cán bộ, nhân viên của ngân hàng đã tự ý sử dụng thông tin khách hàng, làm hồ sơ tín dụng, chứng từ khống để rút tiền, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng, thì ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả tiền và bồi thường thiệt hại cho khách hàng (nếu có) theo thỏa thuận giữa các bên và quy định của pháp luật. 

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều vụ việc khách hàng bị mất tiền gửi tại các ngân hàng. Nhiều vụ việc chủ yếu xuất phát từ việc các cán bộ, nhân viên của ngân hàng đã lợi dụng những thiếu sót, hạn chế trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn của các ngân hàng, để lừa đảo, tham ô, chiếm đoạt tiền gửi trong tài khoản của khách hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng có xu hướng “né” trách nhiệm bằng cách đẩy trách nhiệm bồi thường, hoàn trả tiền cho các cá nhân cán bộ, nhân viên của ngân hàng có sai phạm, hoặc yêu cầu khách hàng phải đợi có bản án giải quyết vụ việc của Tòa án. Điều này không chỉ gây ra nhiều khó khăn và bức xúc cho khách hàng mà còn ảnh hưởng không tốt đến uy tín của các ngân hàng, làm giảm sút lòng tin của khách hàng và xã hội vào hệ thống ngân hàng nói chung.  

Luật sư Nguyễn Đức Hùng nhấn mạnh: Để hạn chế tình trạng này, các ngân hàng phải có sự chủ động rà soát, khắc phục những “lỗ hổng”, thiếu sót trong quy định, quy trình quản lý và hoạt động để có thể đảm bảo tốt nhất sự an toàn tiền gửi cho khách hàng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần có sự nghiên cứu, xem xét khách quan và toàn diện, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là quy định rõ hơn trách nhiệm pháp lý của các ngân hàng, cũng như đơn giản hóa trình tự, thủ tục giải quyết, để có thể nhanh chóng giải quyết, bảo vệ thỏa đáng quyền lợi của các khách hàng, tránh việc các ngân hàng “chối bỏ”, đùn đẩy trách nhiệm, cũng như việc khách hàng đã “bị mất tiền oan”, lại còn phải tham gia quá trình kiện tụng kéo dài, phức tạp, gây tốn kém và mệt mỏi cho khách hàng và ảnh hưởng xấu đến uy tín của hệ thống ngân hàng như hiện nay.   

Bên cạnh đó, người dân khi gửi tiền tại các ngân hàng cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, đặc biệt trong việc bảo mật thông tin, nắm rõ và tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định và quy trình thực hiên các giao dịch với ngân hàng, tránh việc bị lợi dụng, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.  

Ngày 17/3, Ngân hàng thương mại CP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ra thông cáo báo chí liên quan việc khách hàng Hồ Thị Thúy Dương bị mất số tiền 46,9 tỉ đồng khi gửi tại Phòng giao dịch ngân hàng Sacombank Cam Ranh.

Sacombank cho rằng bà Dương cung cấp thông tin một chiều, chưa đầy đủ và phản ánh không đúng bản chất sự việc. Kiểm tra hồ sơ, ngân hàng này phát hiện có bằng chứng vay mượn, hợp tác làm ăn ngoài xã hội giữa bà Dương và một số cá nhân nguyên là cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Cam Ranh trong nhiều năm.

Các bằng chứng đã được những người liên quan cung cấp và Văn phòng Thừa phát lại Khánh Hòa lập vi bằng ngày 16/10/2022.

Đối với 12 giao dịch mà bà Dương tố bị mất tiền, Sacombank khẳng định có đầy đủ chứng từ có chữ ký nhận tiền của bà Dương, bao gồm 9 phiếu nhận tiền mặt và 3 ủy nhiệm chi. Các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa.

Sacombank cũng khẳng định không thoái thác trách nhiệm với khách hàng Hồ Thị Thùy Dương nói riêng và các khách hàng liên quan đến vụ việc xảy ra tại Phòng giao dịch Cam Ranh nói chung. Mọi việc cần xử lý tuân thủ quy trình và chờ kết luận từ cơ quan chức năng.

TIẾN HƯNG

Công khai đánh bạc, phát lên mạng xã hội: Chưa có chế tài cụ thể xử lý các trang mạng xã hội

Bùi Thị Thanh Loan