/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ khởi tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: 'Lỗ hổng' đáng lo ngại về công tác cán bộ trong ngành y tế

Vụ khởi tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: 'Lỗ hổng' đáng lo ngại về công tác cán bộ trong ngành y tế

07/11/2021 10:20 |

(LSVN) - Những vụ án hình sự liên quan đến sai phạm trong cấp phép nhập khẩu thuốc, mua sắm máy móc thiết bị, liên quan đến hoạt động đấu thầu, hoạt động quản lý của các cơ sở y tế thời gian gần đây ngày càng nhiều. Nhiều cán bộ có chuyên môn sâu, có uy tín, sức ảnh hưởng trong xã hội, có học hàm học vị cao nhưng vẫn vi phạm pháp luật cho thấy một thực trạng đáng lo ngại về công tác cán bộ nói chung, cán bộ trong ngành y tế nói riêng.

Khởi tố, đề nghị kỷ luật Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

Ngày 03/11/2021, căn cứ kết quả điều tra vụ án hình sự “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện Quyết định nêu trên đối với bị can Trương Quốc Cường.

Theo điều tra ban đầu, bị can Trương Quốc Cường làm Cục trưởng Cục Quản lý Dược từ năm 2007 đến năm 2016, là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Cục Quản lý Dược và là người trình lãnh đạo Bộ Y tế quyết định việc cấp phép đăng ký thuốc. Quá trình làm việc với chức trách là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, bị can Trương Quốc Cường đã có một số sai phạm. 

Cụ thể, bị can Trương Quốc Cường được xác định là đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký đối với 7 loại thuốc; thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc dẫn đến hồ sơ đăng ký 7 loại thuốc giả nhãn mác Công ty Health 2000 được đăng ký nhập khẩu và đã tiêu thụ tại Việt Nam với trị giá trên 151 tỉ đồng.

Sau khi các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, mặc dù nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng bị can Trương Quốc Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy đối với thuốc Health 2000 đã nhập khẩu trong nước. Hậu quả là sau ngày 21/11/2014, nhiều cơ sở y tế vẫn tiến hành mua bán, đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng trị giá trên 3,7 tỉ đồng để điều trị cho người bệnh. 

Hành vi của bị can Trương Quốc Cường được đánh giá là đã gây hậu quả nghiêm trọng, cho phép nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam 7 loại thuốc giả nhãn mác Công ty Health 2000 với trị giá trên 151 tỉ đồng.

Việc này đã khiến cho nhiều người bệnh phải sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây bức xúc trong xã hội, làm mất lòng tin của nhân dân đối với ngành y tế và cơ quan Nhà nước. 

Liên quan đến vụ án này, 3 cán bộ cấp dưới của bị can Trương Quốc Cường gồm: Nguyễn Việt Hùng (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược), Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng Phòng đăng ký thuốc) và Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng quản lý giá thuốc) cũng đã bị khởi tố, điều tra.

Tại kỳ thứ tám từ ngày 02 đến 04/11/202, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Trương Quốc Cường, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế.  

'Lỗ hổng' đáng lo ngại về công tác cán bộ trong ngành y tế

Đánh giá về vụ việc trên, theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, vụ việc Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố, một lần nữa cho thấy sai phạm nghiêm trọng của cán bộ ngành y tế đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có nguy cơ ngày càng gia tăng hoặc có thể là một hiện tượng đã kéo dài nhiều năm nay nhưng đến nay mới bị phát hiện, xử lý.

Những vụ án hình sự liên quan đến sai phạm trong cấp phép nhập khẩu thuốc, mua sắm máy móc thiết bị, liên quan đến hoạt động đấu thầu, hoạt động quản lý của các cơ sở y tế thời gian gần đây ngày càng nhiều. Nhiều cán bộ có chuyên môn sâu, có uy tín, sức ảnh hưởng trong xã hội, có học hàm học vị cao nhưng vẫn vi phạm pháp luật cho thấy một thực trạng đáng lo ngại về công tác cán bộ nói chung, cán bộ trong ngành y tế nói riêng.

Luật sư Cường cho rằng: “Các cán bộ cao cấp, đầu ngành là những người trải qua một quá trình học tập, rèn luyện, đào tạo, tu luyện đạo đức và có sự quản lý rất chặt chẽ của cơ quan, tổ chức, của Đảng. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc cơ quan điều tra liên tục khởi tố đối với các cán bộ lãnh đạo có chức vụ cao cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng. Song điều đó cũng cho thấy lỗ hổng trong công tác cán bộ, trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ, kể cả là những cán bộ đầu ngành”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cán bộ cao cấp vẫn bị xử lý hình sự, trong đó, cán bộ không xứng đáng đối với chức vụ, vị trí công tác, không đủ phẩm chất đạo đức, không đủ bản lĩnh chính trị, không đủ năng lực để giữ vị trí công tác cao như vậy dẫn đến dễ sa ngã, hư hỏng, vi phạm. Điều này cho thấy việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ là còn thiếu sót, chưa đúng đối tượng, chưa đủ tiêu chuẩn dẫn đến kém hiệu quả trong công tác quản lý, dễ xảy ra sai phạm.

Có những trường hợp cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt, phân công đúng vị trí công tác, đúng chức trách nhiệm vụ, có đủ năng lực phẩm chất để đảm đương công việc, tuy nhiên quá trình thực hiện nhiệm vụ không chịu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị nên có thể bị sa ngã, bị những tác động lôi kéo về vật chất trong xã hội khiến bản thân không còn giữ được đủ năng lực phẩm chất.

Trong điều kiện kinh tế xã hội đang phát triển, chưa ổn định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách có nhiều thay đổi dẫn đến công tác quản lý còn có những sơ hở, thiếu sót dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Những sơ hở, thiếu sót về chính sách pháp luật là một phần nguyên nhân, động cơ, điều kiện phạm tội của một số cán bộ.

Bên cạnh đó, cơ chế kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm, đặc biệt là vi phạm của cán bộ cấp cao một thời gian dài chưa được chú trọng dẫn đến nhiều người cho rằng mình đã ở vùng cấm, là ngoại lệ nên xem thường pháp luật, sẵn sàng vi phạm pháp luật cho đến khi bị phát hiện, xử lý.

"Dù nguyên nhân gì đi nữa, trong một thời gian ngắn, Cơ quan điều tra liên tục khởi tố đối với các cán bộ cao cấp, có trình độ chuyên môn cao, là lãnh đạo trong lĩnh vực y tế cho thấy một thực trạng đáng buồn của ngành này và đáng báo động trong công tác cán bộ", Luật sư Cường chia sẻ.

Cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Vị Luật sư kiến nghị, song song với việc xử lý cán bộ vi phạm, cũng cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; làm tốt hơn nữa công tác cán bộ (từ khâu tuyển dụng, bổ nhiệm đến quá trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ và đạo đức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ).

Đồng thời, tiếp tục cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức để giảm bớt nhu cầu tham nhũng, không muốn tham nhũng.

Cần kịp thời phát hiện ra các cán bộ sa ngã, thoái hóa biến chất để loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước. Tăng cường công tác quản lý kinh tế, các hoạt động giám sát để bịt những kẻ hở tránh việc các cán bộ lợi dụng để trục lợi.

HỒNG HẠNH

Phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

Lê Minh Hoàng