Khu đất nhà ông Hùng bị thu hồi để xây dựng Trường THCS Gia Lâm.
Ngày 27/3/1980, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 95-CP về chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới. Trong đó, quy định rõ ở phần II về chính sách đối với người lao động và gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới. Điểm 4 quy định về khuyến khích làm kinh tế gia đình như sau: Nhà nước khuyến khích xã viên hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, cán bộ, công nhân viên chức làm kinh tế gia đình theo sự hướng dẫn và giúp đỡ của địa phương và cơ sở. Tùy theo khả năng đất đai của từng vùng và quy hoạch của từng đơn vị cơ sở, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hoặc nông trường, lâm trường giao cho mỗi gia đình xã viên 1.500m2, mỗi gia đình công nhân viên nông, lâm trường từ 300 đến 1.000m2 đất để làm chỗ ở và trồng trọt, chăn nuôi ở gia đình. Tuy nhiên, không phải gia đình nào đi xây dựng kinh tế mới cũng được đảm bảo quyền lợi như vậy.
Theo đơn trình bày của ông Nguyễn Hùng Cường (con trai ông Nguyễn Đức Hùng), năm 1980, gia đình ông Hùng (là người có công với cách mạng) đã đưa gia đình từ Hà Nội vào huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng để xây dựng kinh tế mới. Tuy nhiên, gia đình ông không được hưởng chế độ cấp đất theo quy định mà cả ba lần chính quyền địa phương cấp đất cho gia đình ông sau đó lại thu hồi để cấp cho người khác.
Để có đất ở và canh tác, ngày 29/12/1992, ông Hùng đã mua lại quyền sử dụng mảnh đất 3,469m2 của ông Đinh Văn Hòa thuộc một phần thửa đất số 48, tờ bản đồ số 03, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà. Hình thức mua bán bằng giấy viết tay. Theo nội dung giấy viết tay, nguồn gốc đất được ông Hòa trình bày là “gia đình tôi có nhận một suất đất của UB (ủy ban) giao để sản xuất trong thời kì 78 (1978) đến 92 (1992)”. Như vậy, ở thời điểm chuyển giao quyền sử dụng đất cho ông Hùng, ông Đinh Văn Hòa đã quản lý sử dụng thửa đất này ổn định để trồng cà phê được 14 năm.
Về thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trong thời gian sử dụng thửa đất 3.469m2 ở thôn 3 xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, ông Hòa cũng nêu rõ trong giấy nhượng đất: “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ thuế đối với UB. Còn từ năm 1993 trở đi anh chị Hùng và Thiều chịu trách nhiệm giao nộp thuế cho UB”.
Theo đơn tường trình ngày 05/12/1998 của ông Nguyễn Đức Hùng và đơn xin xác nhận ngày 19/5/2010 của anh Nguyễn Hùng Cường (con trai ông Nguyễn Đức Hùng), có xác nhận của các hộ dân lân cận gửi UBND xã Gia Lâm thì việc chuyển nhượng thửa đất trên giữa ông Hòa và ông Hùng thực chất đã diễn ra từ năm 1987, năm 1992 hai bên mới viết giấy chuyển nhượng. Theo xác nhận của các hộ dân trong đơn thì đất của ông Hùng và các hộ dân trên đều nằm cùng giải đất, nguồn gốc đất đều là đất được UBND xã giao để trồng cà phê. Mặc dù các hộ dân trên đều đã được chính quyền địa phương cấp “sổ đỏ” nhưng chỉ duy nhất thửa đất của ông Hùng chưa được cấp sổ và có quyết định thu hồi để xây dựng trường học.
Ngày 16/8/2007, UBND huyện Lâm Hà ban hành Quyết định 1708/QĐ-UBND về việc thu hồi thửa đất trên của gia đình ông Hùng để xây dựng Trường THCS xã Gia Lâm. Tuy nhiên, theo quyết định trên, UBND huyện Lâm Hà chỉ bồi thường 100% giá trị hoa màu trên đất cho gia đình ông Hùng với số tiền 24,512,000 đồng và không bồi thường đất. Gia đình ông Hùng sau đó đã có đơn khiếu nại yêu cầu tiếp tục được sử dụng diện tích 3,469m2 đất nói trên.
Theo Quyết định số 2207/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 03/9/2009 về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Đức Hùng, kết quả xác minh của Sở Tài nguyên và Môi trường như sau: Ông Nguyễn Đức Hùng là dân làm kinh tế mới, vào xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà năm 1987, đã nhận đủ tiêu chuẩn đất và các chế độ khác của dân đi kinh tế mới. Diện tích đất hiện hộ ông Hùng đang khiếu nại là do nhận chuyển nhượng từ ông Đinh Văn Hòa (cán bộ, nhân viên của UBND xã Gia Lâm), có nguồn gốc là đất của UBND xã xây dựng trụ sở UBND nhưng không sử dụng hết nên đã cho cán bộ, nhân viên UBND mượn để sản xuất. Theo quy hoạch của xã Gia Lâm đến năm 2010 thì dọc bên đường Tỉnh lộ là đất ở nông thôn. Đất ông Hùng có mặt tiếp giáp với đường tỉnh lộ nhưng xác định là đất trường học. Do vậy, việc ông Nguyễn Đức Hùng có đơn yêu cầu được tiếp tục sử dụng diện tích 3,469m2 đất thuộc một phần thửa đất số 48, tờ bản đồ số 03, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà là không có cơ sở để xem xét giải quyết. Chính vì vậy, theo quyết định số 2207/QĐ-UBND, UBND tỉnh Lâm Đồng không chấp nhận nội dung đơn yêu cầu được tiếp tục sử dụng đất của ông Nguyễn Đức Hùng.
Không chấp nhận kết quả giải quyết khiếu nại của UBND huyện và UBND tỉnh, ông Nguyễn Hùng Cường (con trai ông Nguyễn Đức Hùng) sau đó đã gửi đơn đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, Văn phòng Chính phủ. Do đó, UBND tỉnh đã giao thanh tra tỉnh rà soát lại toàn bộ vụ việc. Căn cứ kết quả rà soát và kiến nghị của Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 7345/UBND ngày 28/12/2011 với nội dung: “Diện tích 3,469m2 đất có nguồn gốc thuộc quỹ đất 5% do UBND xã Gia Lâm quản lý, ông Đinh Văn Hòa là cán bộ xã mượn để sản xuất vào năm 1987. Năm 1993, ông Đinh Văn Hòa làm giấy viết tay nhượng quyền sử dụng diện tích 3,469m2 đất cho ông Nguyễn Đức Hùng (bố ông Nguyễn Hùng Cường). Việc nhượng đất trên là trái phép và không có xác nhận của chính quyền địa phương”.
Kết luận trong Văn bản số 7345/UBND cũng khảng định: “Ngày 16/8/2007, UBND huyện Lâm Hà ban hành Quyết định số 1708/QĐ-UBND thu hồi 3,469m2 đất sản xuất nông nghiệp, thuộc một phần thửa đất số 48, tờ bản đồ số 03, xã Gia Lâm để xây Trường THCS Gia Lâm là thu hồi quỹ đất công mà hộ ông Nguyễn Đức Hùng đang canh tác không phải thu hồi đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông nên theo quy định tại Điều 38 Luật Đất đai 2003 và Điều 7; khoản 7, Điều 10 Nghị định số 197/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ thì trường hợp của gia đình ông Nguyễn Hùng Cường không thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về đất và UBND huyện Lâm Hà hỗ trợ 100% giá trị thiệt hại về cây trồng hiện có trên đất là phù hợp với quy định của cấp có thẩm quyền".
Cần làm rõ nguồn gốc đất thửa đất bị thu hồi
Theo Luật sư Vũ Long, Văn phòng Luật sư Vũ Long (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh), quỹ 5% đất nông nghiệp được quy định trong Luật Đất đai (Điều 45 Luật Đất đai 1993, Điều 72 Luật Đất đai 2003...) là để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương là đúng đắn, phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển của xã hội. Đất công ích 5% được quy định do cấp xã quản lý, sử dụng theo quy định của luật pháp Nhà nước. Tuy nhiên, từ trước đến nay Luật Đất đai chỉ quy định Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất… không có quy định Nhà nước "cho mượn đất”.
Vì vậy, việc UBND xã Gia Lâm cho ông Hòa mượn đất công ích để ông Hòa sản xuất và nộp sản lượng bằng lương thực cho Hợp tác xã là không đúng quy định pháp luật. Về thời gian giao đất, theo văn bản nhượng đất cho ông Hùng thì ông Hòa được UBND xã Gia Lâm giao đất để sản xuất từ 1978 chứ không phải mượn đất để sản xuất vào năm 1987 như UBND tỉnh Lâm Đồng xác định tại Văn bản số 7345/UBND ngày 28/12/2011, UBND huyện Lâm Hà trích dẫn tại Văn bản 1980/UBND-TNMT ngày 14/9/2021.
Cũng theo Luật sư Vũ Long, khi thực hiện quản lý và sử dụng đất công ích 5% cấp xã phải thực hiện quy hoạch theo kỳ là 10 năm, kỳ kế hoạch là 05 năm. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được trình đồng thời với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cho tới thời điểm có quyết định thu hồi đất, thửa đất trên đã được hộ ông Hòa sử dụng ổn định trong 14 năm (1978-1992) và tiếp tục được hộ ông Hùng sử dụng ổn định trong 14 năm tiếp theo (1993-2007) mà UBND xã Gia Lâm không có bất kì ý kiến hay biện pháp xử lý gì là bất hợp lý.
Vậy thửa đất trên được UBND xã Gia Lâm giao cho ông Nguyễn Văn Hòa theo hình thức nào, vào thời điểm nào? Tại sao cùng một giải đất mà các hộ dân lân cận đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn hộ ông Nguyễn Đức Hùng lại bị cưỡng chế thu hồi và không bồi thường đất? Đó là những câu hỏi mà Luật sư Vũ Long cho rằng cần phải được làm rõ.
PV
Vai trò của Luật sư trong vụ án ly hôn và nguyên tắc tự định đoạt của đương sự