(LSO) - Trước đề nghị hoãn phiên tòa và tạm đình chỉ giải quyết vụ án của đại diện Công ty TNHH - SXTM Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) liên quan đến vụ kiện Dự án Hòa Lân, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh (Công ty Kim Oanh) đã có đơn đề nghị tòa án bác bỏ yêu cầu trên, đồng thời phải đình chỉ vụ án.
Không có cơ sở tạm đình chỉ vụ án
Dự án khu dân cư Hòa Lân (diện tích 50ha, phường Thuận Giao, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) từng được chủ đầu tư là Công ty Thiên Phú thế chấp tại ngân hàng Agribank. Khi khoản vay hóa nợ xấu buộc ngân hàng phải bán đấu giá thu hồi tài sản. Phía Công ty Kim Oanh đã mua trúng đấu giá dự án với số tiền gần 1.400 tỉ đồng. Tưởng chừng vụ nợ xấu đã được giải cứu, thế nhưng bất ngờ sau đó Công ty Thiên Phú đã khởi kiện và được TAND quận 7, TP. HCM thụ lý vụ án.
Điểm đáng lưu ý, trước khi TAND quận 7 thụ lý vụ án, sự việc đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, Thanh tra Bộ Tư pháp có kết luận làm rõ. Thế nhưng, suốt quá trình từ khi thụ lý vụ án đến nay kéo dài hai năm, diễn biến quá trình xử lý vụ kiện cho thấy TAND quận 7 TP. HCM có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng, kéo dài thời gian gây thiệt hại nghiêm trọng đối với một dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng của Công ty Kim Oanh.
Mới đây nhất, ngày 21/7/2020, đại diện Công ty Kim Oanh đã có đơn đề nghị bác bỏ yêu cầu tạm đình chỉ vụ án của Công ty Thiên Phú. Cụ thể, trong phiên tòa ngày 14/7/2020, Chủ tọa phiên tòa có đề cập việc bà Hà Thị Hồng Quyên, là người đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Thị Hường và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (con dâu bà Hường), đã nộp đơn yêu cầu hoãn phiên tòa và tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Lý do bà Hường và bà Châu đang khởi kiện ông Bùi Thế Sơn và ông Trương Thành Phú (là hai cổ đông sáng lập, đại diện hợp pháp của Công ty Thiên Phú) tại TAND tỉnh Bình Dương, liên quan đến tranh chấp giữa ông Sơn, ông Phú với mẹ con bà Hường về “người chưa phải là thành viên Công ty nhưng có giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp với thành viên của Công ty”, và đã được TAND tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết. Theo đơn, bà Quyên cho rằng, việc giải quyết tranh chấp nội bộ trong Công ty Thiên Phú tại TAND tỉnh Bình Dương sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, và đề nghị TAND quận 7 tạm đình chỉ.
Theo đề nghị của Công ty Kim Oanh, yêu cầu trên là hoàn toàn vô lý và không có cơ sở, bởi lẽ bà Hường và bà Châu không phải là thành viên góp vốn và hiện nay được pháp luật công nhận là thành viên góp vốn của Công ty Thiên Phú.
Cụ thể, theo hồ sơ do bà Quyên cung cấp, ngày 23/3/2020, hai mẹ con bà Hường đã ký kết các hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty Thiên Phú với ông Sơn và ông Phú. Tuy nhiên, theo Thông báo số 469/TB-ĐKKD về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp ngày 22/4/2020, Sở KHĐT tỉnh Bình Dương chưa thực hiện việc đăng ký thay đổi theo đề nghị của Công ty Thiên Phú. Hiện nay cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản số 1275/CSKT-P15 “đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương chưa thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đối với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú cho đến khi có ý kiến của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Vì vậy, cho đến thời điểm này, Công ty Thiên Phú vẫn chưa được cấp GCNĐKDN mới. Như vậy, đến nay pháp luật không công nhận hai mẹ con bà Hường là thành viên góp vốn của Công ty Thiên Phú.
Căn cứ GCNĐKDN mới nhất của Công ty Thiên Phú, hiện tại, ông Sơn và ông Phú vẫn đang là thành viên góp vốn và ông Sơn vẫn được ghi nhận là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Phú. Do đó, việc khởi kiện của đối với ông Sơn, ông Phú không liên quan và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án tại TAND quận 7. Do đó, việc khởi kiện ông Sơn, ông Phú không ảnh hưởng và cũng không thể được giải quyết trong vụ án hiện tại, nên không có cơ sở để TAND quận 7 chấp nhận yêu cầu của bà Quyên về việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Hàng loạt vi phạm tố tụng
Trong quá trình giải quyết vụ kiện dự án Hòa Lân giữa Công ty Thiên Phú với Công ty Kim Oanh, Thẩm phán, Phó Chánh án TAND quận 7, bà Lê Thị Phơ bị Công ty Kim Oanh tố cáo có nhiều vi phạm tố tụng, tùy tiện áp dụng pháp luật, cố tình kéo dài sự việc nhằm gây bất lợi cho Công ty Kim Oanh.
Thứ nhất, ngày 21/02/2019, TAND quận 7 nhận được đơn khởi kiện của Công ty Thiên Phú kiện Công ty Nam Sài Gòn, yêu cầu hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ngày 25/5/2017. Trong đơn và tài liệu gửi kèm, hoàn toàn không xác định địa chỉ trụ sở của bị đơn ở quận 7 làm cơ sở xác định thẩm quyền thụ lý vụ án. Thế nhưng, 6 ngày sau, TAND quận 7 vẫn ra thông báo thụ lý vụ án.
Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo lãnh thổ, với tranh chấp bất động sản (BĐS) thì thẩm quyền thuộc về tòa án nơi có bất động sản. Vụ kiện này, bản chất là tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản đấu giá mà đối tượng là BĐS dự án tại Bình Dương. Vì vậy, phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án TP. Thuận An. Song, bất chấp quy định TAND quận 7 vẫn thụ lý giải quyết.
Tiếp đó, tháng 3/2020, TAND quận 7 tiếp tục thụ lý đơn kiện bổ sung của Công ty Thiên Phú kiện ngân hàng Agribank. Theo điểm a, khoản 1, Điều 39 BLTTDS, tòa án có thẩm quyền thụ lý yêu cầu này phải là TAND quận Ba Đình (TP. Hà Nội), nơi Agribank đặt trụ sở chính. Thế nhưng thay vì hướng dẫn Công ty Thiên Phú khởi kiện tại Hà Nội, TAND quận 7 vẫn thụ lý.
Thứ ba, trong đơn khởi kiện ban đầu, Công ty Thiên Phú yêu cầu “tuyên Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01 -10/2017/HĐMBTSĐG vô hiệu do vi phạm điều cấm” và “hủy kết quả vụ bán đấu giá Dự án Hòa Lân”. Thế nhưng, tại Thông báo thụ lý số 20/2019/TB-TLTA, Thẩm phán Phơ vẫn cho rằng “thụ lý vụ án Hợp đồng bán đấu giá”. Đến ngày 27/8/2019, khi thông báo thụ lý bổ sung, Thẩm phán Phơ sửa tên gọi vụ án là “Tranh chấp HĐMBTSĐG”.
Chưa hết, trong yêu cầu khởi kiện bổ sung, Công ty Thiên Phú đòi tòa tuyên bố hợp đồng tín dụng với ngân hàng Agribank là vô hiệu. Theo khoản 1 Điều 42 BLTTDS, hai đơn của Công ty Thiên Phú kiện hai cơ quan tổ chức khác nhau với hai nội dung khác nhau không thể gộp làm một, thế nhưng Thẩm phán Phơ vẫn thụ lý và “nhốt chung tất cả vào một rọ” với vụ án trước.
Thứ tư, Thẩm phán Lê Thị Phơ tùy tiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch với tài sản đang tranh chấp”. Theo luật, bên đưa ra yêu cầu “cấm chuyển dịch với tài sản” phải nộp khoản tiền tương ứng với số tiền mà chủ tài sản bị thiệt hại trong thời gian bị “cấm chuyển dịch”, để đền bù cho chủ tài sản nếu chủ tài sản được tòa tuyên “vô can”. Trong vụ kiện này, khối tài sản là Dự án Hòa Lân có giá trị 1.353 tỉ đồng (thời điểm tháng 5/2017). Chỉ riêng thiệt hại nếu tính theo lãi suất cho vay của ngân hàng (khoảng 8%/năm), mỗi tháng vì bị cấm chuyển dịch mà Kim Oanh đã mất ít nhất 9 tỉ, một năm xấp xỉ 110 tỉ đồng. Thế nhưng, TAND quận 7 lại chỉ buộc Công ty Thiên Phú “ký quỹ… 1 tỉ đồng”.
Thứ năm, về thời gian đưa vụ án ra xét xử, theo Điều 203 BLTTDS, trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày thụ lý, vụ án phải được đưa ra xét xử. Nếu có trở ngại thì Chánh án TAND quận mới có quyền gia hạn không quá 2 tháng. Tuy nhiên, từ ngày thụ lý là 27/02/2019 và thụ lý bổ sung ngày 15/3/2019 đến ngày 27/8/2019 (gần 6 tháng), Thẩm phán Phơ đã không tiến hành các thủ tục như hòa giải, đối chất, lấy ý kiến, công khai chứng cứ. Từ việc vi phạm này mà Công ty Thiên Phú có cơ sở để bổ sung đơn khởi kiện và được thụ lý ngày 27/8/2019, kéo dài thời gian, gây thêm thiệt hại cho Công ty Kim Oanh.
Thứ sáu, ngày 10/4/2020, ông Nguyễn Văn Tuấn (người mới được ông Sơn bổ nhiệm là PGĐ Công ty Thiên Phú trước khi bị Bộ Công an bắt vì chiếm đoạt tài sản của Công ty Kim Oanh), có đơn gửi đến TAND quận 7 đòi đưa hai “cổ đông mới” vào “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” trong vụ kiện. Hai người này là bà Phạm Thị Hường và con dâu Nguyễn Ngọc Kim Châu.
Hiện nay, bà Phạm Thị Hường hiện đang bị C03 Bộ Công an điều tra vì phân lô bán nền trái phép hàng trăm ngàn m2 đất, và có dấu hiệu thâu tóm trái pháp luật hơn nửa triệu m2 đất khác ở Bình Dương.
Dù Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương có văn bản gửi TAND quận 7, khẳng định chưa thực hiện đăng ký thay đổi này cho đến khi có ý kiến mới của CQĐT Bộ Công an. Nghĩa là thương vụ mua phần vốn góp chưa hoàn thành, bà Hường và bà Châu chưa là cổ đông mới của Công ty Thiên Phú. Thế nhưng, theo biên bản làm việc sáng 09/6, Thẩm phán Phơ cho biết yêu cầu của mẹ con bà Hường được tham gia vụ kiện với tư cách “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” vẫn được tòa “đang xem xét”. Trong quyết định “Đưa vụ án ra xét xử” ngày 14/7/2020 cũng vẫn có tên mẹ con bà Hường.
Thứ sáu, vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm và bị hoãn, có nghĩa các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đã được thực hiện hoàn tất. Thế nhưng, khi bà Châu gửi đơn yêu cầu độc lập đề ngày 18/5/2020, và bà Châu không phải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, nhưng Thẩm phán Phơ vẫn mở phiên họp xem xét giải quyết đơn yêu cầu độc lập của bà Châu; kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ của bà Châu; thực hiện quy trình vừa “ngược”, vừa sai luật.
Thứ bảy, giữa tháng 5/2020, từ trại giam, ông Bùi Thế Sơn - người đại diện hợp pháp của Công ty Thiên Phú đã có đơn gửi TAND quận 7 xin rút đơn kiện và đề nghị đình chỉ việc thụ lý vụ án theo quy định pháp luật. Ngày 25/6/2020, Thẩm phán Phơ đã vào trại giam lấy lời khai. Những diễn biến trên cho thấy tòa án hoàn toàn có đủ căn cứ ra quyết định đình chỉ vụ án. Thế nhưng, một ngày sau khi lấy lời khai ông Sơn, ngày 26/6, Phó Chánh án TAND quận 7 Lê Thị Phơ vẫn ra quyết định “Đưa vụ án ra xét xử”.
Đại diện Công ty Kim Oanh cho biết, những vi phạm của Thẩm phán, Phó Chánh án TAND quận 7 Lê Thị Phơ đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, nguy cơ tạo ra một tiền lệ xấu trong đấu giá tài sản, giải cứu nợ xấu cũng như hoạt động xét xử…
Nhóm PV