Ảnh minh họa.
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ bảy của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương XIII, Ủy ban Kiểm tra đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với BTV Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cán bộ, đảng viên liên quan. UBKT Trung ương nhận thấy BTV Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, lãnh đạo chủ chốt Bộ Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổn hại uy tín của tổ chức đảng và quân đội, gây bức xúc trong cán bộ, chiến sỹ.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
UBKT Trung ương khiển trách Thiếu tướng Ngô Bình Minh, Đảng ủy viên Cảnh sát biển Việt Nam, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1; khai trừ ra khỏi Đảng đối với Đại tá Phùng Danh Thoại, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần; Thiếu tá Lưu Thế Đức, Đảng ủy viên, Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát số 2.
UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật BTV Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh; Trung tướng Hoàng Văn Đồng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Chính ủy; Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Trần Văn Nam, Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2; Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Thiếu tướng Lê Văn Minh, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4.
Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, căn cứ kết luận của cơ quan chức năng thì đã xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật đảng của nhiều tổ chức, cá nhân trong lực lượng cảnh sát biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân phải làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, Hình ảnh của cảnh sát biển và quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy rất nhiều cán bộ lãnh đạo đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí đã có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về nguyên tắc thì đảng viên vi phạm kỷ luật đảng thì sẽ bị kỷ luật theo quy định của điều lệ đảng. Nếu đảng viên đồng thời là cán bộ, công chức thì cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức. Ngoài ra hành vi vi phạm kỷ luật, cũng là vi phạm pháp luật thì sẽ phải chịu chế tài pháp luật, có thể là chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự. Kỷ luật không thay thế chế tài của pháp luật.
Theo Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban chấp hành trung ương quy định về kỷ luật đảng viên thì việc kỷ luật đảng viên sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Hình thức kỷ luật: Đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.
Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.
Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.
Trong vụ việc nêu trên, một số cán bộ, tổ chức đảng đã bị thi hành kỉ luật về mặt đảng và về mặt chính quyền. Có những cán bộ đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc của đảng đối với cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật. Đồng thời với việc xử lý kỷ luật thì cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp nhận thông tin, hồ sơ làm rõ hành vi sai phạm. Trường hợp hành vi sai phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành thủ tục điều tra theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường chia sẻ, cảnh sát biển là một lực lượng đặc biệt, quan trọng trong buổi cảnh chủ quyền biển đảo có những vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp trong giai đoạn hiện nay. Việc đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền lãnh thổ đối với biển đảo có vai trò rất quan trọng của lực lượng cảnh sát biển. Những vi phạm của tổ chức đảng, của cán bộ lãnh đạo và một số cá nhân thuộc lực lượng này gây lo lắng trong nhân dân, gây mất uy tín của nhân dân đối với lực lượng cảnh sát biển nói riêng và quân đội nhân dân nói chung. Việc thi hành kỉ luật và xem xét trách nhiệm pháp lý là cần thiết để đảm bảo duy trì trật tự kỷ cương, thượng tôn pháp luật và đảm bảo lực lượng bảo vệ vùng biển thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu hi vọng của người dân Việt Nam đối với lực lượng xung kích này.
Việc xử lý kỷ luật, xem xét trách nhiệm pháp lý đối với các cán bộ cao cấp của lực lượng cảnh sát biển cho thấy việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đấu tranh với tội phạm về chức vụ không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Mọi biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, đặt nặng lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích quốc gia, dân tộc thì đều bị phát hiện, xử lý nghiêm minh bằng kỷ luật đảng và các chế tài của pháp luật.
HỒNG HẠNH
Kỷ luật cảnh cáo nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển và một số cán bộ