Vụ ly hôn vợ chồng Trung Nguyên: Việc thẩm định giá tài sản chung của các cấp tòa có nhiều thiếu sót

16/01/2022 02:41 | 2 năm trước

(LSVN) - Ngày 13/01, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã có kiến nghị về việc xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (người sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Theo VKSND Tối cao , trong quá trình giải quyết vụ ly hôn, việc thẩm định giá tài sản chung của các cấp tòa có nhiều thiếu sót. 

Đồng thời, VKSND Tối cao cũng kiến nghị đề nghị hủy các bản án, quyết định vụ Tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo để xét xử lại.

Theo đó, về việc thẩm định giá tài sản chung vợ chồng, kiến nghị nêu rõ các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên phát hành ngày 25/6/2018; Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên, phát hành ngày 25/6/2018 và chi nhánh Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang, phát hành ngày 25/6/2018,… đều có hiệu lực trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ký phát hành. Đến ngày xét xử sơ thẩm, là ngày 20/02/2019, các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá nêu trên đều hết hiệu lực.

Theo điểm a, tiểu mục 1.2, mục 1, phần II, Thông tư 122/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, thì báo cáo tài chính được sử dụng thẩm định giá danh nghiệp bao gồm: Báo cáo tài chính năm, báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo tài chính giữa niên độ, báo cáo tài chính giữa niên độ được rà soát xét, báo cáo tài chính tại thời điểm thẩm định giá được kiểm toán”. Các chứng thư và báo cáo kế quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn đối với các doanh nghiệp nói trên đều căn cứ vào Thông tư 122/2017/TT-BTC. 

Tuy nhiên, VKSND Tối cao đã chỉ ra, khi tiến hành thẩm định giá, thì báo cáo tài chính trong nhiều năm của các công ty nói trên chưa được kiểm toán. Mặt khác, tại bản kiểm kê, đánh giá lại tài sản cố định vô hình kèm theo chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của các công ty nêu trên, Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn chưa thẩm định giá trị quyền sở hữu trí tuệ (giá trị thương hiệu) của các công ty là thiếu sót. 

Kiến nghị của VKSND Tối cao còn nêu tại phiên sơ thẩm, nguyên đơn đồng ý với kết quả thẩm định giá, nhưng sau đó nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Sau đó, tòa phúc thẩm không định giá lại tài sản mà sử dụng kết quả thẩm định giá tại cấp sơ thẩm để giải quyết vụ án.

Quyết định giám đốc thẩm cho rằng tại bản ý kiến của bà Thảo ngày 21/02/2019 và trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm cũng như tại tòa, các đương sự không yêu cầu định giá lại. Sau đó, tòa phúc thẩm chấp thuận điều này là không đúng với nội dung kháng cáo phúc thẩm và ý kiến của người bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo.

Do vậy, trong bản kiến nghị, VKSND Tối cao cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm sử dụng kết quả thẩm định giá trên để làm cơ sở chia tài sản chung của bà Thảo và ông Vũ là không đúng.

Theo Điều 358 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó, nếu có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xem xét lại quyết định đó.

Trường hợp có kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phát hiện vi phạm, tình tiết mới thì Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị đó.

Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xem xét kiến nghị phải có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

DUY ANH

Vụ ly hôn vợ chồng Trung Nguyên: VKSND Tối cao kiến nghị tăng tỉ lệ tài sản bà Thảo được chia