Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa có kiến nghị về việc xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (người sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Đồng thời kiến nghị đề nghị hủy các bản án, quyết định vụ Tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo để xét xử lại.
Theo đó, về việc chia tài sản chung vợ chồng, bản kiến nghị nêu rõ, bà Thảo là doanh nhân, quá trình giải quyết vụ án, doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo luôn yêu cầu được chia (nhận) tài sản bằng hiện vật đối với cổ phần và phần vốn góp tại các công ty để tiếp tục thực hiện việc kinh doanh.
Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét, đánh giá toàn diện về số cổ phần, phần góp vốn và nhu cầu sử dụng của đương sự, mà chỉ chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo giá trị số cổ phần, phần vốn góp trong các công ty bằng tiền là vi phạm quyền được kinh doanh của bà Thảo theo quy định của pháp luật.
Không có tài liệu chứng minh nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông quản lý, hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ khó khăn, ảnh hưởng sự ổn định và việc làm cho hàng nghìn công nhân. Phía Kiểm sát cho rằng nhận định này của Hội đồng Thẩm phán là "không có cơ sở".
Kiến nghị của VKSND Tối cao chỉ rõ: “Việc làm chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường của bà Thảo trong 7 công ty là không phù hợp với quy định về quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam, nữ theo quy định tại khoản 2. Điều 14, Điều 26, Điều 33 Hiến pháp năm 2013 và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi đưa vào kinh doanh theo quy định tại khoản 3, Điều 59, Điều 64 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014".
Các công ty có tranh chấp giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều thành lập từ năm 2006, sau 8 năm 2 người kết hôn nhưng Tòa án lại chia cho bà Thảo ít hơn chồng 20% giá trị (hơn 1.400 tỉ đồng) là không đảm bảo quyền lợi cho bà.
Theo quy định tại khoản 2 và Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ khi ly hôn, thì việc Tòa án các cấp xác định ông Vũ đóng góp công sức nhiều hơn và chia cho ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40% giá trị cổ phần và phần vốn góp trong các công ty, tài sản tại các ngân hàng là chưa phù hợp…
Kiến nghị nêu rõ, bà Thảo ngoài nội trợ còn trực tiếp kinh doanh, góp phần tạo tài sản chung vợ chồng, sự phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên. Trong mâu thuẫn ly hôn, Tòa án các cấp không xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong "thực hiện nghĩa vụ của người chồng" theo Luật Hôn nhân và Gia đình.
Do đó, cần tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia trong khối tài sản chung nêu trên để bảo đảm công bằng quyền lợi cho bà Thảo, thay vì chỉ nhận 40% còn ông Vũ hưởng 60% như hiện nay.
Theo Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang đánh giá, bản kiến nghị của VKSND Tối cao có căn cứ pháp lý, đã chỉ rõ, viện dẫn cụ thể quy định Hiến pháp, pháp luật có liên quan làm căn cứ đưa ra kiến nghị. Theo khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Hiến pháp quy định trong mọi trường hợp quyền công dân chỉ bị hạn chế khi được quy định trong một văn bản luật cụ thể, các văn bản dưới luật, văn bản điều hành hoặc khi áp dụng pháp luật thì không được đặt thêm các trường hợp hạn chế quyền công dân khi chưa có luật quy định cụ thể. Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới. Hội đồng xét xử đã nhận định: “Nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông cùng quản lý, điều hành các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ dẫn đến những khó khăn cho sự tồn tại, ổn định và phát triển của Tập đoàn…”. Từ đó giao toàn bộ cổ phần vốn góp của bà Thảo trong các công ty cho ông Vũ đã làm hạn chế quyền sở hữu cổ phần, quyền kinh doanh của bà Thảo và đi ngược lại tinh thần của Hiến pháp, đi người lại tinh thần bình đẳng giới Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện. Mặt khác, bà Thảo là người đang điều hành và tham gia các hoạt động kinh doanh góp phần mang lại thành công của Trung Nguyên với tư cách cổ đông sáng lập. Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Bà Thảo cùng ông Vũ đều là cổ đông của các công ty, đều trực tiếp đứng tên sở hữu lượng vốn góp trong các công ty của Tập đoàn Trung nguyên. Điều 5, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, việc bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp. Việc bản án giao toàn bộ số cổ phần của vợ chồng (bao gồm cả cổ phần bà Thảo đứng tên góp vốn, số cổ phần ông Vũ đứng tên góp vốn) là không phù hợp quy định Điều 5 Luật Doanh nghiệp về bảo đảm của Nhà nước với chủ sở hữu doanh nghiệp. Quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản đầu tư vào doanh nghiệp, quyền bình đẳng giới… của bà Lê Hoàng Diệp Thảo được pháp luật bảo vệ và không bị pháp luật ngăn cấm, hạn chế. Bản thân bà Thảo là cổ đông góp vốn trong nhiều công ty của hai vợ chồng và trực tiếp tham gia điều hành hoạt động công ty. Do vậy, việc Tòa án đưa ra nhận định, giao toàn bộ tài sản, phần góp vốn của bà Thảo cho ông Vũ, buộc bà Thảo phải nhận giá trị là không phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 14, Điều 26, Điều 33 Hiến pháp năm 2013. Một bản án không phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật nên cần phải hủy bỏ theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, việc VKSND Tối cao kiến nghị là phù hợp pháp luật và cần thiết để đảm bảo công lý, công bằng. |
DUY ANH
Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ