Vừa qua, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã đăng thông cáo về việc 25 cuốn sách bị "thất thoát". Theo đó, khoảng tháng 3 đến tháng 4/2020, cán bộ quản lý kho sách phát hiện dấu hiệu không tìm thấy một số cuốn sách ở vị trí quy định trên giá.
Đến tháng 4/2022, khi khôi phục điều kiện làm việc bình thường sau dịch Covid-19, Viện đã tổng kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm.
Thông qua 3 tháng rà soát, viện phát hiện không thấy trên giá 29 quyển. Sau khi tiếp tục rà soát, Viện tìm được 4 quyển sách do để sai giá. Vì vậy, số lượng sách thất thoát là 25 quyển, trong đó bao gồm bốn cuốn Toàn Việt thi lục, thuộc ba bộ khác nhau, do Lê Quý Đôn biên soạn, Việt âm thi tập do nhà sử học Phan Phu Tiên và Thị Ngự sử Chu Xa kế tục biên soạn…
Vậy, dưới góc độ pháp lý, việc quản lý sách cổ được quy định thế nào? Khi mất sách cổ thì ai phải chịu trách nhiệm?
Có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, sách cổ hay còn gọi là cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Di sản văn hóa.
Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật này, có thể xác định sách cổ là di sản văn hóa phi vật thể (sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia).
Do đó, theo quy định tại Điều 16 Luật Di sản văn hóa, các tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa phải có nghĩa vụ bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hóa bị mất hoặc có nguy cơ bị hủy hoại…
Luật sư Tiến phân tích, trong vụ việc này, cá nhân được giao quản lý kho sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm phải có trách nhiệm bảo vệ giữ gìn các cuốn sách cổ, thông báo kịp thời cho lãnh đạo viện khi sách cổ bị mất hoặc có nguy cơ bị hủy hoại,... Nếu trong quá trình điều tra, xác minh làm rõ vụ việc, có căn cứ chứng minh các cá nhân này có hành vi vi phạm nội quy của viện, dẫn đến thất lạc sách cổ thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự. Cụ thể, người thực hiện hành vi gây thiệt hại tài sản của nhà nước, tổ chức do thiếu trách nhiệm có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Nếu hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phải đối diện với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm và cao nhất là 10 năm căn cứ vào giá trị tài sản thiệt hại. Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trách nhiệm liên quan
Đánh giá về vụ việc này, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Việc để mất sách cổ là sự việc khá hi hữu, thể hiện sự cẩu thả có phần thiếu trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ, nhân viên phụ trách quản lý kho sách. Trong sự việc này, cán bộ, nhân viên của viện dĩ nhiên sẽ bị xem xét trách nhiệm, có thể những người này sẽ bị kỷ luật Đảng, kỷ luật về mặt hành chính do thiếu trách nhiệm trong công tác chuyên môn và quản lý sách.
Song việc xác định lý do tại sao sách nằm trong kho lại bị thất lạc mới là vấn đề đáng quan tâm, bởi nếu việc mất hoặc thất lạc sách do cá nhân hay tổ chức nào đó mượn nhưng do quên chưa trả thì cần liên hệ để đòi lại. Còn nếu việc mất sách là do cán bộ, nhân viên của Viện “cố ý lấy” sách hoặc do những cá nhân, tổ chức bên ngoài khi vào Viện để đọc tham khảo đã lén lút lấy đi thì hành vi của những người này cần bị xem xét về tội "Trộm cắp tài sản" theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu xác định có người lấy cắp sách thì sự việc có dấu hiệu tội phạm lãnh đạo Viện cần trình báo với cơ quan Công an để vào cuộc điều tra theo thẩm quyền.
Siết chặt công tác quản lý
Qua vụ việc này, Luật sư Tiền cũng khuyến cáo, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý tài sản nói chung và di sản nói riêng cần phải thực hiện đúng nội quy của cơ quan, tổ chức; thực hiện kiểm kê tài sản theo đúng kế hoạch để kịp thời phát hiện và thông báo cho lãnh đạo cơ quan, tổ chức về các trường hợp tài sản bị thất lạc, mất, hay bị hủy hoại… để có phương án giải quyết kịp thời.
Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải siết chặt công tác quản lý, yêu cầu người quản lý phải báo cáo định kỳ, đồng thời cũng cần phải tổ chức các buổi đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho những người được giao quản lý tài sản, tránh trường hợp như vụ việc trên.
HỒNG HẠNH
Một số điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt