/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vụ ngộ độc pate Minh Chay: Ai chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân

Vụ ngộ độc pate Minh Chay: Ai chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Liên quan đến vụ hàng chục người bị ngộ độc Pate Minh Chay, theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân và bồi thường thiệt hại.

Cụ ông ngộ độc nặng do ăn pate Minh Chay vẫn thở máy nhưng đã cử động được bàn tay, chân.

Ngày 29/8, Cục an toàn thực phẩm ra thông báo khẩn cấp về việc trong thời gian qua (từ ngày 13/7 đến 18/8/2020) đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (02 ca bệnh), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (05 ca) và Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh (02 ca) từ một số tỉnh/thành phố trong cả nước với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở…

Thông báo khẩn của Cục An toàn thực phẩm cho biết, qua điều tra cho thấy các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (Địa chỉ tại Tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) sản xuất và kinh doanh trực tiếp qua mạng. Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm “Pate Minh Chay” của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Về trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân bị ngộ độc do sử dụng pate Minh chay, theo quy định tại Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Luật An toàn thực phẩm quy định rõ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm. Cụ thể, khoản i, Điều 8, Luật An toàn thực phẩm quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm phải “Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra”. Khoản 5 Điều 53 Luật An toàn thực phẩm cũng nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Để có thể xác định chính xác trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong vụ việc này, cần căn cứ vào kết quả điều tra ban đầu của cơ quan điều tra, động cơ, mục đích, hậu quả, thiệt hại của hành vi,… Theo đó, tùy theo tính chất mức độ hành vi mà người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Về xử lý hành chính, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, bên vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm theo quy định.

Về trách nhiệm dân sự, trường hợp nguyên nhân gây ngộ độc là do sai phạm cá nhân khi sản xuất thì cá nhân này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Chi phí bồi thường thiệt hại gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại…

Nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 BLHS.

Theo đó, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Luật sư kiến nghị thực hiện các xét nghiệm y khoa đối với tất cả những người đã sử dụng sản phẩm

Đánh giá về vụ việc này, Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cho rằng sức khỏe của người dân, sức khỏe, sự an toàn của người bệnh, sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng cần đặt lên trên hết. Trong trường hợp này, có cần thiết phải tổ chức thăm khám, làm các xét nghiệm y khoa, theo dõi, xây dựng phác đồ điều trị cho tất cả những người đã sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay hay chỉ cần thiết thực hiện đối với trường hợp đã sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay và đã có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Về cơ sở pháp lý, có nhiều văn bản pháp luật của nhiều ngành luật quy định về quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân. Hiến pháp năm 2014, Điều 38 quy định: Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Nhà nước có trách nhiệm chăm lo bảo vệ và tăng cường sức khỏe nhân dân được quy định tại Điều 3 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tại Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định về quyền của người tiêu dùng quy định: "được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp".

Điều 6 Luật An toàn thực phẩm quy định xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Số lượng người phải nhập viện do ngộ độc khi sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay đến nay là 09 người ở các địa phương khác nhau và có những bệnh nặng, diễn biến phức tạp. Tại Hà Nội còn ghi nhận 24 trường hợp có các biểu hiện ngộ độc do đã sử dụng sản phẩm này.

Hàng nghìn sản phẩm Pate Minh Chay đã được bán ra thị trường. Theo kết luận vi khuẩn Clostridium botulinum typ B gây ngộ độc đã có trong các lô hàng khác nhau chứ không chỉ giới hạn ở một loại sản phẩm, một lô hàng.

Cơ quan chức năng đã kết luận vi khuẩn Clostridium botulinum typ B là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Các bác sỹ điều trị cho biết đây là những trường hợp ngộ độc hiếm gặp. Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm để điều trị loại bệnh này, trên thực tế, chúng ta đã phải nhập thuốc từ nước ngoài với giá rất cao về để điều trị.

Đến nay, tất cả các trường hợp nhập viện điều trị ngộ độc do sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay chưa có trường hợp xuất viện. Điều đó cho thấy mức độ nguy hiểm, phức tạp trong điều trị.

Luật sư An kiến nghị, để bảo vệ sức khỏe người dân, đánh giá đầy đủ, khoa học, thiết nghĩ Bộ Y tế cần sớm nhất có quan điểm chính thức, hướng dẫn cụ thể về việc có cần thăm khám, theo dõi, xây dựng phác đồ điều trị đối với tất cả tất cả những trường hợp đã sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay hay chỉ cần thiết thực hiện với các trường hợp có biểu hiện cụ thể. Đây là câu hỏi Bộ Y tế cần đưa ra lời giải trong thời gian sớm nhất để đảm bảo sức khỏe cho hàng ngàn người đã sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay nói riêng và sự an tâm, tin tưởng của cộng đồng nói chung.

Đùn đẩy trách nhiệm vụ ngộ độc pate Minh Chay
Chiều 01/9, tại buổi giao ban báo chí Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh trách nhiệm rà soát, kiểm định về đảm bảo quy định an toàn thực phẩm của doanh nghiệp này thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội). Việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thuộc Chi cục Quản lý Nông lâm Thủy sản của Sở Nông nghiệp. "Cái này không thuộc lĩnh vực ngành Công Thương, bà Lan nói.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định "Mỗi sở một trách nhiệm riêng, sở chúng tôi đã cho Chi cục quản lý chất lượng đi điều tra vấn đề này. Sở Nông nghiệp sẽ phụ trách điều tra nguồn gốc thực phẩm, còn giám sát chất lượng, vệ sinh thì chủ trì là Sở Y tế".
Còn ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thuộc Sở Y tế, lại cho biết cơ sở sản xuất pate Minh Chay sử dụng nguyên liệu từ các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Do đó, Sở NN&PTNT là nơi cấp giấy chứng nhận và tiếp nhận các công bố sản phẩm.
"Khi xuất hiện các trường hợp ngộ độc mà liên quan đến sản phẩm, thực phẩm thì trách nhiệm của ngành y tế là cô lập nhanh không để sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Còn kiểm tra, lấy mẫu thì Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế sẽ phụ trách, chúng tôi không làm", ông Tụ cho hay.

THANH THANH

/vu-ngo-doc-pate-minh-chay-xu-ly-trach-nhiem-cua-cac-don-vi-lien-quan-nhu-the-nao.html