/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vụ 'nhân bản' phiếu siêu âm tim cho hơn 600 phi công, tiếp viên hàng không: Cần làm rõ và xử lý nghiêm

Vụ 'nhân bản' phiếu siêu âm tim cho hơn 600 phi công, tiếp viên hàng không: Cần làm rõ và xử lý nghiêm

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ việc nhân bản các giấy chứng nhận sức khỏe này có phải là hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức không. Nếu người không có chức vụ quyền hạn thì sẽ bị xử lý về tội "Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức", người có chức vụ, quyền hạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giả mạo trong công tác". Còn đối với người sử dụng tài liệu con dấu giả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng tài liệu con dấu giả theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vụ việc hơn 600 phi công và tiếp viên hàng không có các phiếu siêu âm tim giống nhau đến từng chỉ số. Cụ thể, khi so sánh từng tờ phiếu siêu âm tim của các phi công, tiếp viên hàng không, có tới 154 phi công và 470 tiếp viên hàng không có phiếu siêu âm giống nhau đến từng chỉ số, chỉ khác tên, tuổi, năm sinh người siêu âm cũng như ngày tháng thực hiện.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho rằng, theo nội dung thông tin báo chí phản ánh thì sự việc hết sức nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm bởi vậy vấn đề này cần phải làm rõ và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu của tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu con dấu giả và tội giả mạo trong công tác.

Theo quy định của pháp luật thì việc khám bệnh phải thực hiện theo đúng luật khám chữa bệnh, người khám bệnh phải là người có chuyên môn, thực hiện các thủ tục khám bằng các dụng cụ, thiết bị y tế và có kết luận về tình trạng sức khỏe sau khi khám thì mới có kết luận về sức khỏe của bệnh nhân.

Với sức khỏe của phi công thì lại càng phải thận trọng bởi đặc thù công việc này nằm trong tay tính mạng của hàng trăm người. Nếu một phi công không đảm bảo điều kiện sức khỏe, đặc biệt là về tim mạch thì hoàn toàn có thể xảy ra các vụ tai nạn hàng không và hậu quả sẽ rất thảm không, không mấy khi vụ tai nạn hàng không mà lại có người sống sót!

Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu giữ các giấy chứng nhận sức khỏe này để tiến hành giám định con dấu và chữ ký trên các giấy khám sức khỏe này. Nếu các giấy khám sức khỏe này là giấy tờ giả, chữ ký giả hoặc con dấu giả thì đây là tài liệu giả, người làm tài liệu giả này và người sử dụng tài liệu con dấu giả này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu con dấu giả". Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, nếu kết luận của cơ quan giám định cho thấy các con dấu hoặc chữ ký ở trong giấy chứng nhận sức khỏe của các phi công nêu trên là giả mạo thì người làm giả các giấy khám sức khỏe này và người biết là giấy tờ giả nhưng vẫn cố tình sử dụng giấy tờ giả này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt có thể lên đến 07 năm tù theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp).

Ngoài ra, người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu, tẩy sửa chữ ký, con dấu của người khác, làm cấp giấy tờ giả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giả mạo trong công tác" theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt có thể lên đến 20 năm tù.

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;
b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Như vậy, trong trường hợp này, người có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này là người có chức vụ, quyền hạn, đã sử dụng chức vụ quyền hạn của mình để thực hiện một trong các hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Với lượng giấy tờ giả từ 11 giấy tờ trở lên thì các đối tượng phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ việc nhân bản các giấy chứng nhận sức khỏe này chính là hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức. Nếu người không có chức vụ quyền hạn thì sẽ bị xử lý về tội "Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức", người có chức vụ, quyền hạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giả mạo trong công tác". Còn đối với người sử dụng tài liệu con dấu giả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng tài liệu con dấu giả theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo Luật sư Cường, đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, việc khám sức khỏe qua loa hoặc không khám mà lại nhân bản các phiếu xét nghiệm, các giấy chứng nhận sức khỏe không đúng với tình trạng sức khỏe của phi công sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, đe dọa an ninh an toàn hàng không và ảnh hưởng xấu đến việc quản lý hành chính của cơ quan nhà nước, gây ra những hệ lụy, tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy vấn đề này cơ quan điều tra sẽ sớm xác minh làm rõ để xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không và đảm bảo việc quản lý hành chính Nhà nước được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật.

Theo Thông tư 18/2012/TTLT-BYT-BGTVT ngày 05/11/2012 quy định cụ thể về các tiêu chuẩn thể lực, chức năng sinh lý, bệnh, tật đối với nhân viên hàng không. Theo đó, người lái tàu bay thương mại (phi công thương mại) phải có tiêu chuẩn sức khỏe nhóm 1.
Trong đó, đối với hệ tim mạch phải đạt được điều kiện chung như sau: Không có một bất thường nào về hệ tim mạch làm ảnh hưởng đến lao động bay và an toàn bay; Mạch, huyết áp trong giới hạn bình thường; Điện tâm đồ 12 đạo trình ghi trong lúc nghỉ, một số trường hợp được kiểm tra điện tâm đồ gắng sức: Kết quả trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép. Các nghiệm pháp tim mạch bình thường; Các xét nghiệm máu ngoại vi bình thường.
Người mắc phải một trong các bệnh lý sau đây sẽ không đủ điều kiện sức khỏe, như: Huyết áp tâm thu lớn hơn 140mmHg hoặc nhỏ hơn 100mmHg; Huyết áp tâm trương lớn hơn 90mmHg; Bệnh ở động mạch vành; Khoảng chênh lệch giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương nhỏ hơn 30mmHg; …

THANH THANH

/bo-gtvt-chi-dao-gap-vu-nhan-ban-phieu-sieu-am-tim-cho-hon-600-phi-cong-tiep-vien-hang-khong.html