(LSVN) - Một trong những trang buồn của lịch sử Olympic là vụ tấn công khủng bố tại Thế vận hội Munich 1972, khi những kẻ khủng bố giết chết 11 vận động viên và huấn luyện viên người Israel, và theo sau là chiến dịch trả thù tàn bạo và táo tợn của Mossad.
Vụ thảm sát Munich
Cuộc tấn công diễn ra trong Thế vận hội Mùa hè năm 1972 tại Munich (Đức), bởi biệt đội 08 chiến binh người Palestine mang mật danh “Tháng Chín Đen”. Sau hơn một tuần Thế vận hội diễn ra theo kế hoạch, cải trang thành vận động viên và sử dụng chìa khóa đánh cắp được, rạng sáng ngày 5/9, 08 tay súng người Palestine đã vượt hàng rào, đột kích vào Làng Olympic, tiến về khu nhà ở của đội Israel tại 31 Connollystrasse.
Khi xông vào căn hộ 1, các tay súng đối mặt với Yossef Gutfreund - trọng tài đấu vật và Moshe Weinberg - huấn luyện viên đấu vật. Gutfreund chạy để cảnh báo các vận động viên về sự xâm nhập của người lạ trong khi Weinberg cố gắng chống lại những kẻ tấn công. Những tay súng đã bắn Weinberg trúng má và cưỡng chế anh bằng súng, bắt dẫn đến phòng của số huấn luyện viên và vận động viên Israel còn lại.
Weinberg đã dẫn chúng đi qua căn hộ 2, nơi các thành viên của đội bắn súng Israel và những kẻ tấn công không muốn cận chiến với những tay thiện xạ đẳng cấp thế giới, đến Căn hộ 3 nơi các đô vật và vận động viên cử tạ sẽ có thể khuất phục chúng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tại căn hộ 3, các tay súng bắt thêm con tin và buộc họ trở lại căn hộ 1. Weinberg bị thương đã tấn công những kẻ khủng bố một lần nữa, tạo điều kiện để một trong những đô vật lợi dụng trốn thoát qua hầm để xe. Weinberg bị bắn chết, cơ thể của anh đã bị quăng ra ngoài.
Sau đó, các tay súng rút đi cùng 09 con tin là vận động viên và huấn luyện viên người Israel. Ladany, một người sống sót trong trại tập trung Berger-Belsen, bị đánh thức, đã nhảy ra khỏi ban công tầng hai của mình, lao đến khu ở của các vận động viên Mỹ, đánh thức huấn luyện viên người Mỹ Bill Bowerman và thông báo về vụ tấn công.
Với việc bắt giữ 09 con tin, một vòng đàm phán kéo dài đã diễn ra sau đó giữa cá tay súng và chính quyền Tây Đức. Những kẻ khủng bố yêu cầu thả 234 người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel, giải phóng Andreas Baader và Ulrike Meinhof của Lực lượng Hồng quân khỏi các nhà tù của Đức, và cung cấp một máy bay để đưa họ đến một điểm an toàn ở Trung Đông.
Israel đã phản ứng với tình hình ngay lập tức và rất kiên định - không thương lượng với những kẻ khủng bố trong bất kỳ trường hợp nào, vì tin rằng, việc đó sẽ tạo ra tiền lệ sai lầm và tạo động lực cho các vụ việc tương tự trong tương lai. Israel đã xin phép Tây Đức không vận Đơn vị Lực lượng Đặc nhiệm tinh nhuệ của họ đến Munich để giải phòng con tin, nhưng đã bị Thủ tướng Willy Brandt và Bộ trưởng Nội vụ Hans-Dietrich Genscher từ chối.
Tây Đức nhận thức sâu sắc về tình hình cực kỳ khó khăn mà họ gặp phải, do các con tin là người Do Thái và có một lịch sử khá đau đớn khi người Đức đàn áp họ dưới chế độ độc tài của Adolf Hitler. Các nhà chức trách ở Đức đã thận trọng tiến hành đàm phán, thương lượng với những kẻ khủng bố Palestine, và cuối cùng chuyển những kẻ bắt cóc cùng các con tin đến một sân bay, “đáp ứng” yêu cầu của chúng.
Nỗ lực giải cứu bất thành
Người Đức đã nghĩ rằng các cuộc đàm phán sẽ câu giờ và giúp họ tìm ra phương án tiêu diệt những kẻ khủng bố. Trên đường băng là một chiếc Boeing 727. Kế hoạch là để 17 sĩ quan cảnh sát cải trang thành phi hành đoàn Lufthansa ra tay với những kẻ khủng bố Palestine nhưng cảnh sát đã đồng lòng từ chối nhiệm vụ. Những chiếc xe bọc thép được sử dụng để giải cứu các con tin Israel cũng không đến kịp khi họ bị kẹt đường, khiến kế hoạch trục trặc về mọi mặt.
Cuối cùng, khi các máy bay trực thăng đến vào lúc 22h30 tối ngày 5/9/1972, trò đánh lừa của Đức cuối cùng cũng kết thúc. Phát hiện thấy chiếc trực thăng trống rỗng, những kẻ khủng bố nhận ra là chúng đang bị chính quyền Đức lừa. Một cuộc đấu súng ác liệt xảy ra sau đó giữa cảnh sát ẩn nấp trong bụi rậm và những kẻ khủng bố vào lúc nửa đêm. Một tên khủng bố ném lựu đạn vào một trong những chiếc trực thăng, giết chết tất cả, trừ một trong những con tin người Israel. Một tên khủng bố khác đã vãi đạn vào bên trong của một chiếc trực thăng khác, giết chết tất cả các con tin Israel còn lại.
Tổng cộng, 11 người Israel đã thiệt mạng trong cuộc tấn công khủng bố; năm tên trong nhóm chiến binh Tháng Chín Đen bị tiêu diệt và ba trong số chúng bị bắt. Sau vụ tấn công, Thế vận hội Olympic lần đầu tiên trong lịch sử bị tạm dừng trong 34 giờ, với lễ tưởng niệm được tổ chức vào ngày 6/9 tại Sân vận động Olympic có sự tham dự của 3.000 vận động viên và 80.000 khán giả.
Chiến dịch “Sự phẫn nộ của Chúa”
Hai ngày sau vụ thảm sát tại Thế vận hội Mùa hè Munich 1972, Israel đã trả đũa bằng cách ném bom mười căn cứ của PLO ở Syria và Lebanon. Mùa thu năm 1972, Chính phủ Israel, đứng đầu là Thủ tướng Golda Meir, đã thành lập một nhóm đặc vụ Mossad thực hiện chiến dịch mang mật danh “Sự phẫn nộ của Chúa” (hay “Chiến dịch Bayonet”) để truy lùng và giết những người có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với Tháng Chín Đen, nhóm liên kết với Fatah đã dàn dựng vụ thảm sát ở Munich (kéo dài trong hơn 20 năm).
Một danh sách ám sát gồm 20-35 cá nhân bị tình nghi, cả thuộc biệt đội Tháng Chín Đen và Tổ chức Giải phòng Palestine (PLO), được lập ra và Mossad được giao nhiệm vụ xác định vị trí và tiêu diệt họ. Người đầu tiên bị ám sát bởi đặc vụ Mossad là Abdel Wael Zwaiter, một nhà tổ chức PLO và là em họ của nhà lãnh đạo Yāsir Arafāt. Zwaiter bị hạ sát tại sảnh của tòa nhà chung cư ở Rome vào tháng 10/1972. Mục tiêu tiếp theo là Mahmoud Hamshari, đại diện PLO tại Paris - là một trong những vụ giết người tàn bạo nhất.
Tháng 12/1972, Hamshari được một đặc vụ Mossad đóng giả một nhà báo người Italy gọi đến để sắp xếp một cuộc phỏng vấn. Sau khi danh tính và nơi ở của vị đại diện được xác nhận, chuyên gia chất nổ của Mossad đã bí mật đột nhập nơi ở và cài chất nổ vào điện thoại, sau đó kích hoạt từ xa giết chết người nghe điện thoại. Các nghi phạm khác sống ở các khu vực khác nhau của Châu Âu và Trung Đông cũng bị nhắm mục tiêu tương tự và bị giết trong vài tháng sau đó.
Một kế hoạch đầy tham vọng đã được Mossad kết hợp với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nhằm loại bỏ ban lãnh đạo PLO. Chiến dịch “Mùa xuân Tuổi trẻ” được phát động như một hoạt động phụ của chiến dịch “Sự phẫn nộ của Chúa”. Sử dụng chiến thuật nghi binh, một đội lính dù Israel đã xâm nhập trụ sở PFLP, trong khi các lực lượng chính nhắm vào Muhammad Youssef Al-Najjar, Kamal Adwan và Kamal Nasser, sát hại cả ba.
Năm 1973, “Sự phẫn nộ của Chúa” bị cho là đã gác lại sau khi Mossad xác định nhầm một trong các mục tiêu và giết oan một người đàn ông vô tội ở Na Uy trong khi mục tiêu nhắm đến là Ali Hassan Salameh, biệt danh “Hoàng tử Đỏ”, chỉ huy “Lực lượng 17” và đặc nhiệm Tháng Chín Đen, được Israel cho là linh hồn của vụ thảm sát Munich. Sau nhiều lần bị hoãn, tháng 11/1978, nữ điệp viên Mossad Erika Chambers nhập cảnh vào Lebanon với hộ chiếu Anh được cấp năm 1975, và thuê một căn hộ trên đường Rue Verdun, một đường phố Salameh thường đi lại.
Một số đặc vụ khác cũng được điều đến, bao gồm hai người mang tên Peter Scriver (hộ chiếu Anh) và Roland Kolberg (Canada). Một thời gian sau, một chiếc Volkswagen chứa đầy chất nổ dẻo đậu trên phố Rue Verdun trong tầm nhìn của căn hộ cho thuê. Chiều ngày 22/1/1979, khi Salameh lái xe cùng bốn người khác xuống phố trên chiếc Chevrolet, chất nổ trong chiếc Volkswagen đã được kích nổ bằng một thiết bị vô tuyến, giết chết tất cả mọi người trong xe và làm bị thương 18 người khác.
Ba đặc vụ Mossad nói trên trong tổng số 14 đặc vụ được cho là đã tham gia vào chiến dịch, đã biến mất không dấu vết. Vụ thảm sát ở Munich và sự trả đũa của Israel “Chiến dịch phẫn nộ của Chúa” được mô tả trong bộ phim truyền hình Sword của Gideon (1986) và bộ phim Munich (2005) của Steven Spielberg.
Trong lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo 2021, đã có một phút mặc niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Munich. Đây là lần đầu tiên các nạn nhân được tưởng nhớ trong lễ khai mạc Thế vận hội. Gia đình của 11 nạn nhân từ lâu đã yêu cầu Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) một phút tưởng niệm tại lễ khai mạc, nhưng bị từ chối. Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã tweet bày tỏ lòng biết ơn đối với Nhật Bản. Góa phụ của hai trong số các vận động viên bị sát hại nói, “cuối cùng chúng tôi cũng đòi được công lý cho những người chồng, con và người cha đã bị sát hại ở Munich”.
LÊ NGỌC/VOV.VN
Điều gì giúp Liên Xô thành công trong việc ngăn chặn các dịch bệnh?