/ Dọc đường tố tụng
/ Các nguyên lãnh đạo Tổng Công ty kiến nghị bản án chưa thỏa đáng

Các nguyên lãnh đạo Tổng Công ty kiến nghị bản án chưa thỏa đáng

05/01/2021 17:53 |4 năm trước

LSVNO – Đồng loạt 5 cán bộ hưu trí vốn là lãnh đạo chủ chốt trước đây của TCT cùng viết các tờ trình kiến nghị Viện KSND tối cao, TAND cấp cao xem xét lại bản án số 118/2018/HS-ST ngày 18/04/2018 và...

LSVNO – Đồng loạt 5 cán bộ hưu trí vốn là lãnh đạo chủ chốt trước đây của TCT cùng viết các tờ trình kiến nghị Viện KSND tối cao, TAND cấp cao xem xét lại bản án số 118/2018/HS-ST ngày 18/04/2018 và bản cáo trạng số 21/VKSTC-V3 vì cho rằng chưa thỏa đáng và sẽ gây oan sai cho 2 bị cáo.

Các vị hưu trí cùng lên tiếng bảo vệ 2 bị cáo

Theo đó, các nguyên lãnh đạo gồm: ông Nguyễn Văn Trương – Nguyên Phó TGĐ TCT Cà Phê Việt Nam; ông Hồ Xuân Thọ - Nguyên Chủ tịch Công đoàn TCT; ông Phạm Xuân Quý – Nguyên PCT CĐ TCT, ông Trần Văn Đường -  Nguyên PCT CĐ TCT. Các vị nguyên lãnh đạo chủ chốt đại diện  cho biết: “Sau khi biết tin về vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 2 bị cáo Nguyễn Nhật và Nguyễn Công Hoàng. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi theo dõi và xem xét cáo trạng và bản ản xét xử 2 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm từ ngày 16-18/4/2018 tại TP. HCM. Vì trong quá trình cùng công tác tại TCT và theo dõi quá trình làm việc của 2 bị cáo tại Trung Tâm Xuất Nhập Khẩu Vinacafe (TTXNK) và Công ty kinh doanh phân bón tổng hợp Vinacafe Quy Nhơn (VNQN) thì chúng tôi nhận thấy rằng cần phải lên tiếng tới TAND cấp cao và Viện KSND tối cao xem xét lại hoàn cảnh, tính chất hành vi, kết quả của vụ án để hai bị cáo Nguyễn Nhật và Nguyễn Công Hoàng không bị oan sai”.

 Ông Nguyễn Văn Trương - Nguyên PGĐ TCT gặp gỡ nhân chứng ông Nguyễn Đại Ngọc - Nguyên GĐ CTY TNHH MTV Cà Phê Iagrai cùng bàn bạc kêu oan cho 2 bị cáo Hoàng và Nhật.

Cần xem xét lại hoàn cảnh, hành vi kết quả của hợp đồng số 01

Theo các vị nguyên lãnh đạo được biết, bối cảnh ra đời của Hợp đồng số 0l/2010/TTXNK-VNQN, ký kết ngày 03/8/2010 là do bối cảnh nền kinh tế thời điểm năm 2010 các ngân hàng thương mại khan hiếm đồng ngoại tệ. Trong khi TTXNK được giao chỉ tiêu thường xuyên là xuất khẩu 62.500 tấn cà phê và thu mua tạm trữ 17.000 tấn và phải chịu trách nhiệm trả nợ hộ khoản nợ cho Vinacafe Sài Gòn là gần 139 tỷ đồng - Vinacafe Sài Gòn là một đơn vị kinh tế của TCT vừa phải giải thể vì làm ăn thua lỗ. Trong khi vào năm 2010, TTXNK chỉ được TCT cấp vốn tương ứng 1,63% so với nhu cầu thực tế nên được TCT ủy quyền cho vay vốn tại các ngân hàng và các đơn vị thành viên.

Tuy nhiên, ngân hàng cũng chỉ giải ngân số tiền bằng 70% giá trị hàng hóa mua vào. Vì thế, TTXNK phải hợp tác và cần sự giúp đỡ cho vay của các đơn vị thanh viên trong TCT để thanh toán cho bên bán hàng khi TTXNK thu mua cà phê.

Thế nhưng, thực tế nhiều ngân hàng thương mại khi tìm hiểu về tình hình tài chính của TTXNK lại không cho TTXNK vay vì sợ không thu hồi được vốn. Trung tâm ở vào thế không có vốn để kinh doanh. Cà phê nằm trong các kho của ngân hàng là tài sản thế chấp để vay tiền của TTXNK nếu không có tiền trả ngân hàng thì TTXNK không thể xuất hàng khỏi kho để đưa đi xuất khẩu. Nếu để kéo dài tình trạng cà phê nhân bị dồn ứ trong kho thì những hạt cà phê này sẽ bị biến chất.

Còn về phía VNQN, vào ngày 28/012/2009, TCT có quyết định số 455/QĐ-TCT về việc giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2010. Trong đó, VNQN được giao chỉ tiêu nhập khẩu phân bón  các loại là 80.000 tấn, tương đương khoảng 20,48 triệu USD. Nhưng lại rơi vào thời điểm kinh tế đất nước khó khăn và khan hiếm ngoại tệ. Trong khi VNQN nhiều năm liền làm ăn có lãi đã tích lũy được một lượng vốn lớn là 41.638.214.822 đồng lại là đơn vị rất có uy tín về việc vay vốn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Chi nhánh Bình Định. Vì vậy, Trong lúc TTXNK đang rất khó khăn về vốn thu mua cà phê để kinh doanh xuất khẩu và VNQN lại thiếu đồng ngoại tệ để nhập khẩu phân bón hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đặt ra của TCT. Vì vậy, mục đích quan hệ vay vốn giữa hai đơn vị nhằm khai thông nguồn vốn ngoại tệ để phục vụ nhập khẩu phân bón và xuất khẩu cà phê. Việc phối hợp cũng là nhiệm vụ chung của TCT, đã đem lại hiệu quả cao cho VNQN (năm 2010 lợi nhuận đạt 28,4 tỷ VND, năm 2011 lợi nhuận 32,7 tỷ VND và TTXNK năm 2010 đạt 8 tỷ đồng).

Chưa có văn bản nào của TCT thể hiện TCT bị thất thoát 36 tỷ đồng

“Toàn bộ 36 tỷ VND thất thoát theo cáo buộc của cáo trạng là yếu tố bắt buộc phải có để kết tội 02 bị cáo Nhật và Hoàng. Chúng tôi đề nghị xem xét số tiền đó có thật sự bị thất thoát, gây thiệt hại cho TCT hay không? Bởi lẽ, tại văn bản làm việc về việc thanh toán công nợ ngày 10/8/2016 giữa VNQN và TTXNK đã thống nhất phương án về kế hoạch và thời gian TTXNK trả nợ cho VNQN”.

Tại Văn bản số 656/TCT-KLTGĐ ngày 16/08/2016 của Tổng giám đốc TCT thông báo kết luận tại buổi làm việc với Giám đốc VNQN có nội dung: “Chỉ đạo Ban Tài Chính kế toán, Ban Kinh doanh XNK về việc xử lý khoản nợ giữa VNQN và TTXNK và dẫn chứng tại Công văn số 301/CV-TCT ngày 25/4/2014 do ông Nguyễn Hà - Chủ tịch HĐTV TCT ký gửi Cục cảnh sát kinh tế, Bộ Công an: “Tuy hồ sơ phương án tín dụng giữa 2 đơn vị chưa được cụ thể hóa bằng văn bản phê duyệt của Vinacafe. Nhưng thực tế đã có chủ trương của Vinacafe tại cuộc họp do Tổng giám đốc TCT chủ trì ngày 28/7/2010 tại Văn phòng TCT và cuộc họp ngày 11/8/2010 do Chủ tịch HĐTV TCT chủ trì. Có lãnh đạo ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh Bình Định, có tổng số 27 người tham gia cuộc họp để bàn biện pháp vay vốn kinh doanh sau khi hai đơn vị đã ký kết hợp đồng số 01”.

Cho nên các vị nguyên lãnh đạo khẳng định: “Việc ký kết Hợp đồng số 01 giữa VNQN và TTXNK đã có ý kiến trong cuộc họp giữa lãnh đạo, các phòng ban TCT và các đơn vị thành viên thuộc TCT, nhưng chưa có ý kiến phê duyệt bằng văn bản của lãnh đạo TCT. Vì vậy, điều này được chứng minh vào ngày 04/10/2013 TCT đã ban hành Quyết định số 273/QĐ-TCT thi hành kỷ luật ông Nguyễn Nhật Giám đốc Vinacafe Quy Nhơn với hình thức khiển trách.

Sổ sách tài chính kế toán của TCT luôn được cân đối rõ ràng

Nói về việc quản lý tài chính kế toán ở TCT các vị nguyên lãnh đạo cho biết thêm: Theo quy định tại Quyết định số 92/TCT-TGD/QD ngày 05/02/2009 của TCT ban hành “Quy chế về công tác quản lý tài chính và công tác hạch toán kế toán cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc đều phản ánh đầy đủ, kịp thời số hiện có cũng như biến động tài sản, vật tư hàng hóa, tình hình công nợ, doanh thu, chi phí kinh doanh…, định kỳ và mỗi tháng, lập và báo cáo theo quy định của TCT”, cũng như sau khi xem xét các biên bản kiểm tra tình hình tài chính và ý kiến kết luận của Ban Tài chính kế toán TCT định kỳ hàng năm theo quy định.

 Ông Hồ Xuân Thọ - Nguyên Chủ tịch Công Đoàn TCT cho rằng 2 bị cáo bị oan sai.

Tuy hiện nay TTXNK có khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), nhưng Giám đốc TTXNK cũng chưa có văn bản nào chối bỏ trách nhiệm trả nợ cho VNQN và hàng năm các khoản nợ này đều thể hiện rõ ràng trên sổ sách và trong các báo cáo quyết toán tài chính hàng năm và đã được Ban Tài chính kế toán, lãnh đạo TCT phê duyệt. Tại Văn bản số 461/TCT-TCKT ngày 30/6/2011 do Chủ tịch HĐTV ông Đoàn Đình Thiêm ký chỉ đạo về việc xem xét các khoản nợ giữa VNQN và TTXNK thì dư nợ giữa hai đơn vị là 45 tỷ và từ văn bản này và các văn bản chỉ đạo của HĐTV, Tổng giám đốc TCT, TTXNK đã thực hiện trả nợ được 9 tỷ VND và hiện tại TTXNK còn nợ VNQN 36 tỷ (đến 28/4/2017). TTXNK đã thể hiện thiện chí có kế hoạch tiếp tục trả nợ cho VNQN. Trong trường hợp TTXNK mất khả năng thanh toán (vì giải thể, phá sản) thì TCT phải có trách nhiệm xử lý khoản nợ này (vì hai đơn vị cũng thuộc Công ty mẹ), nếu không được xử lý thì VNQN có thể khởi kiện TTXNK tại Tòa án dân sự để thu hồi khoản nợ này theo HĐ01. Tuy nhiên, TTXNK hiện vẫn đang hoạt động bình thường và đã có kế hoạch tiếp tục việc thực hiện trả nợ cho VNQN.

Các vị nguyên lãnh đạo TCT tiếp tục khẳng định: TCT hoàn toàn không có động thái gì để cảnh báo cho hai đơn vị về sự sai sót khi ký kết HĐ01, mà còn cho rằng HĐ01 vay vốn này đúng (điều này đã thể hiện trong kết luận biên bản kiểm tra tài chính). Nếu TCT phát hiện ra có sai sót trong nội dung HĐ01 thì đã chỉ đạo kịp thời thu hồi ngay. Như vậy, HĐ01 giữa hai đơn vị sẽ không thể tiếp tục thực hiện.

Tuy nhiên, việc kinh doanh giữa hai đơn vị VNQN và TTXNK vẫn hoạt động bình thường và được lãnh đạo, phòng ban nghiệp vụ TCT theo dõi, chỉ đạo, thông qua việc quyết toán, đối chiếu, xác nhận công nợ hàng năm và có văn bản yêu cầu các đơn vị thanh toán các khoản công nợ phát sinh theo quy chế quản lý tài chính của TCT.

Điều đáng lưu ý, cơ quan quản lý vốn và tài sản tại TCT là HĐTV TCT mà người đại diện phần vốn là Chủ tịch HĐTV. Nhưng các vị nguyên lãnh đạo cho biết hiện nay chưa có văn bản nào, nghị quyết nào của Chủ tịch HĐTV khẳng định 36 tỷ nợ giữa VNQN và TTXNK là thất thoát, gây thiệt hại cho TCT.

Cần xem xét lại cáo trạng và bản án để tránh oan sai

Riêng với trường hợp bị cáo Nguyễn Nhật, các vị nguyên lãnh đạo chủ chốt của TCT cho hay: qua quá trình công tác và làm việc cùng bị cáo Nhật chúng tôi biết rõ quá trình hình thành phát triển của VNQN với kết quả kinh doanh của VNQN từ năm 2001 đến 2010 đạt doanh thu trên 9000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 146 tỷ (2001 đến 2013 nộp ngân sách nhà nước 56 tỷ đồng, nộp cấp trên 75 tỷ đồng). Đây là một Công ty rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, qũy vì người nghèo, thăm nuôi Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, thăm hỏi ủng bộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào các tỉnh bị thiên tai lũ lụt trên 4 tỷ đồng. Từ những thành tích cũng như sự đóng góp nói trên của đơn vị VNQN do bị cáo Nhật là người đứng đầu mà nhiều năm qua  bị cáo Nhật đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ngoài ra còn được các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen…

Với những phân tích của các vị nguyên lãnh đạo TCT và qua diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm xét xử từ ngày 16-18/04/2018 tại TP. HCM. Các vị Nguyên lãnh đạo TCT một lần nữa đề nghị Viện KSND và TAND cấp cao cần xem xét một cách khách quan các chứng cứ, để xét xử lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật, hợp tình, hợp lý, nhằm xử lý đúng người đúng tội, tránh oan sai.

Kim Chi