Liên quan đến vụ việc Công an tỉnh Quảng Ninh vừa đánh sập một khai trường than “thổ phỉ”, thu giữ 100 nghìn tấn than có trị giá hàng trăm tỉ đồng. Có liên quan đến cán bộ của 2 công ty than lớn ở Quảng Ninh.
Cụ thể, theo tài liệu, vào hồi 08 giờ 30 phút ngày 23/02/2021, các lực lượng nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt kiểm tra, bắt giữ vụ tổ chức khai thác than trái phép với số lượng đặc biệt lớn tại khu vực Vỉa Dày, Tây Khe Sim, thuộc khai trường quản lý khai thác than của Công ty than Hạ Long - TKV (phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả); tạm giữ 50 người và 54 phương tiện (gồm: 08 máy xúc gầu bánh xích; 02 máy xúc lật bánh xích; 02 máy khoan bánh xích; 02 máy gạt bánh xích; 36 ô tô tải; 02 xe bồn; 02 xe ô tô bán tải), thu giữ khoảng 100 nghìn tấn than, trị giá khoảng 200 tỉ đồng.
Quá trình khám xét chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã thu giữ 2,7 tỉ đồng tiền mặt và nhiều hồ sơ, tài liệu có liên quan.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, một số doanh nghiệp tư nhân và cá nhân bên ngoài đã thông đồng với cán bộ thuộc Công ty than Hạ Long, Công ty than Khe Sim… lợi dụng danh nghĩa thực hiện hợp đồng bốc xúc đất đá để khai thác trái phép với quy mô lớn, chiếm đoạt than một cách công khai nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra các Quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 12 bị can về hành vi “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan tới vụ việc trên, Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, theo quy định của Luật khoáng sản, than là tài nguyên khoáng sản, việc khai thác các tài nguyên khoáng sản cần phải thực hiện theo quy định của luật khoáng sản và các văn bản có liên quan. Một điều quan trọng và vô cùng cần thiết, yếu tố bắt buộc khi tiến hành khai thác khoáng sản chính là phải có giấy phép khai thác khoáng sản và trong quá trình khai thác cần đảm bảo các yếu tố như đảm bảo môi trường khai thác, tránh sạt lở, ô nhiễm môi trường... Các hành vi khai thác khoáng sản khi không có giấy phép khai thác là trái quy định của pháp luật.
Luật sư Tùng đánh giá hành vi của các đối tượng trên đã vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được thực hiện bằng hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam. Đó là hoạt động thăm dò, khai thác không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc tuy có giấy phép nhưng không đúng với nội dung đã ghi trong giấy phép, lấp liếm, gian dối nhằm trục lợi.
Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.
Pháp luật Việt Nam đã có quy định rất cụ thể về trách nghiệm đối với người hoặc pháp nhân vi phạm quy định về nghiên cứu than dò, khai thác tài nguyên tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Điều 227. Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên 1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; c) Có tổ chức; d) Gây sự cố môi trường; đ) Làm chết người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. 4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. |
Đối chiếu với các quy định có thể thấy, trong trường hợp này, tội “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” được thực hiện với lỗi cố ý. Theo đó tùy vào mức độ thu lợi bất chính, giá trị khoáng sản sẽ xác định mức phạt cụ thể đối với 12 đối tượng nêu trên.
Vụ án có rất nhiều đối tượng tham gia, là đồng phạm trong việc thực hiện hành vi khai thác trái phép khoáng sản, tùy vào mức độ, tính chất đồng phạm của các đối tượng mà hình phạt áp dụng có thể khác nhau. Cơ quan điều tra cần điều tra làm rõ, xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (cụ thể là Công ty than và các doanh nghiệp tư nhân thông đồng) đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự.
“Trường hợp điều tra xác minh cho thấy hành vi này diễn ra trong thời gian dài mà chính quyền địa phương nhận được phản ánh của người dân nhưng làm ngơ hoặc xử lý không triệt để thì theo thẩm quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phải xem xét trách nhiệm. Nếu làm rõ nguyên nhân cấp nào cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm cán bộ. Trường hợp có chứng cứ thông đồng cần xem xét xử lý hình sự cán bộ. Tùy thuộc nội dung vụ án khi cần thiết mở rộng điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan”, Luật sư Tùng bày tỏ rõ quan điểm.
MINH HIỀN
Bàn thêm về quy định Toà án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự