(LSVN) - Phía nguyên đơn - Công ty Tài Lộc đưa ra hàng loạt vấn đề kèm theo các căn cứ pháp lý liên quan đến vụ kiện dân sự "Tranh chấp hợp đồng xây dựng" với Tổng Công ty 36, Bộ Quốc phòng để khẳng định TAND quận Đống Đa khi xét xử sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá các chứng cứ một cách khách quan nhất.
Liên quan đến vụ kiện dân sự “Tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng” giữa Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tài Lộc (Công ty Tài Lộc - nguyên đơn) và Tổng Công ty 36, Bộ Quốc phòng (bị đơn) được TAND quận Đống Đa đưa ra xét xử vào ngày 17/8/2020 vừa qua, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 34/2020/KDTM-ST của TAND quận Đống Đa, TP. Hà Nội đã quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Tổng Công ty 36 thanh toán tổng số tiền là 1.700.039.764 đồng; Đình chỉ yêu cầu của Tổng Công ty 36 về việc yêu cầu Công ty Tài Lộc phải thanh toán số tiền 2.287.657.696 đồng.
Về án phí, Công ty Tài Lộc phải nộp án phí số tiền 119.375.928 đồng, Tổng Công ty 36 phải nộp án phí số tiền: 63.375.928 đồng.
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Công ty Tài Lộc đã kháng cáo toàn bộ bản án và đề nghị Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án dân sự sơ thẩm số 34/2020/KDTM-ST theo hướng buộc Tổng Công ty 36 thực hiện nghĩa vụ trả nợ số tiền 9.603.074.919 đồng và số tiền lãi phát sinh được tính từ ngày 05/01/2017.
Nhận định về những phán quyết của Tòa cấp sơ thẩm, Luật sư Phan Nhật Luận, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng nhiều tình tiết, chứng cứ quan trọng liên quan đến vụ án chưa được Tòa cấp sơ thẩm xem xét, đánh giá thấu đáo làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Tài Lộc.
Chứng cứ viện dẫn của Tòa thiếu khách quan
Theo phán quyết của TAND quận Đống Đa xác định, lỗi của Công ty Tài Lộc khi ký kết hai Hợp đồng số 02/2016/HĐKT và Hợp đồng số 03/2016/HĐKT là 50/50.
“Do các bên có lỗi ngang nhau trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng vượt quá thẩm quyền nên mỗi bên phải chịu ½ chi phí xe, máy thi công là: 7.340.227.701 đồng : 2 = 3.670.113.850 đồng", bản án cấp sơ thẩm nêu.
Luật sư Phan Nhật Luận cho rằng, đây là một nhận định chưa đúng của Toà án cấp sơ thẩm, bởi lẽ: Giấy ủy quyền số 68c/UQ-TCT36 và Giấy ủy quyền số 68d/UQ-TCT36 được ký ngày 10/8/2013 (có hiệu lực từ ngày 10/8/2013) đã hết hiệu lực do không ghi thời hạn ủy quyền theo Điều 582, Bộ luật Dân sự 2005. Tuy nhiên, Toà án cấp sơ thẩm lại căn cứ vào nội dung hai Giấy uỷ quyền này để xác định lỗi, quy trách nhiệm đối với nguyên đơn trong vụ án là trái với quy định của pháp luật.
Điều 582 Bộ luật Dân sự 2005 về Thời hạn ủy quyền: “Thời hạn ủy quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”. |
Bên cạnh đó, Hợp đồng kinh tế số 02/02/2016 là căn cứ vào Quyết định 52a và Hợp đồng kinh tế nội bộ được giao kết giữa Tổng Công ty 36 và Ban Điều hành dự án 36.25 không phải căn cứ vào Giấy uỷ quyền số 68c và 68d như nhận định của TAND quận Đống Đa. Do đó, việc bị đơn yêu cầu xem xét thẩm quyền ký kết hợp đồng theo nội dung hai Giấy ủy quyền trên là không có căn cứ.
Trong quá trình giải quyết vụ án, phía bị đơn không có yêu cầu phản tố và không nộp án phí đối với yêu cầu xác định phạm vi uỷ quyền và xác định nghĩa vụ khi ký hợp đồng là vượt quá thẩm quyền nhưng TAND quận Đống Đa vẫn xem xét và chấp nhận yêu cầu của phía bị đơn là trái với quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Việc Tổng Công ty 36 tự lập bảng tính xe, máy thi công (do bà Phạm Thị Hiền ký tên) để áp số tiền 7.340.227.701 đồng kèm theo Công văn số 479/CV-TCT làm căn cứ xác định thiệt hại của Tổng Công ty 36. Theo đó, TAND quận Đống Đa chấp nhận yêu cầu của bị đơn và tuyên Công ty Tài Lộc có lỗi khi ký hợp đồng và buộc chịu ½ chi phí xe, máy thi công với số tiền là 3.670.113.850 đồng.
Theo Luật sư Luận, số tiền này là do Tổng Công ty 36 tự tính toán, tự bóc tách trong toàn bộ khối lượng công trình nhưng vẫn được TAND quận Đống Đa chấp nhận. "Số liệu Tổng Công ty 36 tự tính toán không đảm bảo được thuộc tính của chứng cứ: về tính khách quan, tính xác thực và tính liên quan được quy định tạiđiều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015", Luật sư Luận nhận định.
Điều 93, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về chứng cứ: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”. |
Về cách tính tiền xe, máy thi công của Tổng Công ty 36 kèm theo Công văn 479/CV-TCT làm căn cứ xác định thiệt hại của Tổng Công ty 36 là không đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 15/2015/NĐ-CP: “Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 05/2016/TT-BXD quy định về đối tượng áp dụng: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng của các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) áp dụng các quy định của Thông tư này”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 06/2016/TT-BXD quy định về đối tượng áp dụng: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (gọi tắt là Nghị định số 32/2015/NĐ-CP) và dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP)”.
Theo đó, Dự án BOT Quốc Lộ 6 không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 05/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Đây là Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT) chứ không phải dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong quá trình xét xử, TAND quận Đống Đa viện dẫn y nguyên căn cứ và cách tính của Tổng Công ty 36 để xác định giá trị thiệt hại và làm căn cứ ban hành bản án.
Tại Bản án của Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bị đơn giảm đơn giá sau kiểm toán số tiền là 1.254.603.914 đồng, Luật sư Luận cho rằng đây là một nhận định thiếu căn cứ.
Theo Công văn số 68/BOTQL6 ngày 20/5/2020 về việc xác nhận số liệu quyết toán, kiểm toán Gói thầu xây lắp số 10 thể hiện: Giá trị quyết toán A-B là 103.671.351.962 đồng; Giá trị quyết toán sau báo cáo kiểm toán là 102.557.788.848 đồng. Có thể thấy giá trị chênh lệch sau kiểm toán cho toàn bộ công trình là 1.113.563.114 đồng. "Số tiền này còn nhỏ hơn số 1.254.603.914 đồng mà TAND quận Đống Đa chấp nhận theo yêu cầu của Tổng Công ty 36. Đây là một điều hết sức vô lý nhưng TAND quận Đống Đa không xem xét, đánh giá", Luật sư Luận nói.
Căn cứ Báo cáo kiểm toán độc lập do Công ty TNHH Hãng kiểm toán ATC xác định: Tổng giá trị hai hợp đồng liên quan đến Công ty Tài Lộc là 1.254.603.914 đồng.
Số tiền này là do Tổng Công ty 36 tự tính toán nhưng vẫn được TAND quận Đống Đa chấp nhận. Như vậy, liệu căn cứ này có khách quan?.
Số tiền 3.306.000.000 đồng chỉ là vay cá nhân
Nội dung Bản án xác định số tiền 3.306.000.000 đồng là số tiền mà Tổng Công ty 36 đã thanh toán tiền mặt Công ty Tài Lộc?. Căn cứ vào các tài liệu liên quan Luật sư Luận cho biết đây chỉ là khoản vay mượn cá nhân, không liên quan đến giao dịch giữa hai pháp nhân.
Theo Báo cáo số 1076/2018/BC-TCT36 ngày 27/11/2018 của Tổng Công ty 36 (khoản 2 Mục II) xác định: Để thi công các công trình, Đồng chí Vũ Văn Thìn đã tạm ứng của Tổng Công ty số tiền mặt trên 59.853.000.000 đồng. Đến ngày 31/3/2018 còn trên 485 triệu đồng tạm ứng chưa có chứng từ thanh toán.
Tại phiên tòa, Tổng Công ty 36 không cung cấp bất cứ một chứng từ nào chứng minh việc đã thanh toán số tiền 3.306.000.000 đồng cho Công ty Tài Lộc. Liên quan đến dự án, phía Tổng Công ty 36 chưa bao giờ làm việc trực tiếp hoặc chi trả tiền mặt cho Công ty Tài Lộc.
Tại Bản tự khai ngày 14/7/2020 của Tổng Công ty 36 kê khai lần thứ 8 việc Tổng Công ty 36 thanh toán cho Công ty Tài Lộc số tiền 3.306.000.000 đồng không ghi ngày tháng năm chuyển tiền.
Nội dung tự khai của Tổng Công ty 36 được TAND quận Đống Đa đưa vào bản án sơ thẩm mà không cần kiểm tra, xem xét, đối chiếu. Việc mâu thuẫn về chứng cứ này TAND quận Đống Đa không xem xét, không phát hiện ra sai sót nhưng lại chấp nhận yêu cầu của phía bị đơn.
Về khoản tiền 3.306.000.000 đồng, theo chứng cứ phía nguyên đơn cung cấp thì đây là việc vay nợ giữa ông Cháu Tắc Sồi và ông Vũ Văn Thìn, có giấy vay nợ giữa các lần vay.
Theo nội dung 07 hoá đơn và chứng từ tại ngân hàng xác định, tổng số tiền Tổng Công ty 36 thanh toán, chuyển khoản cho Công ty Tài Lộc là 26.455.642.510 đồng.
Tuy nhiên, tại Bản tự khai ngày 144/7/2020 của Tổng Công ty 36 xác định, tổng số tiền mà Tổng Công ty 36 đã thanh toán cho Công ty Tài Lộc là 29.761.543.510 đồng. Đây là chứng cứ do Tổng Công ty 36 tự kê khai mà không có đủ chứng từ để chứng minh nhưng lại được TAND quận Đống Đa xác nhận.
Việc TAND quận Đống Đa chấp nhận yêu cầu của Tổng Công ty 36 xác định số tiền 3.306.000.0000 đồng đã được Tổng Công ty 36 thanh toán cho Công ty Tài Lộc là không đủ căn cứ để chứng minh theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Theo khoản 3, khoản 4 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ chứng minh: “3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp...; 4. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc”. |
Từ những căn cứ trên, phía Công ty Tài Lộc HĐXX cấp phúc thẩm sửa bản án số 34/2020/KDTM-ST của TAND quận Đống Đa theo hướng buộc Tổng Công ty 36, Bộ Quốc phòng thanh toán số tiền nợ gốc là 9.603.074.919 đồng và số tiền lãi tính đến ngày 17/8/2020 là 3.472.892.847 đồng.
Liên quan đến vụ việc, ngày 14/12/2020, Viện KSND Tối cao đã có Phiếu chuyển đơn Số 98/PC-VKSTC-V12 gửi Viện KSND TP. Hà Nội.
Nội dung Phiếu chuyển đơn nêu: Viện KSND Tối cao nhận được đơn của ông Cháu Tắc Sồi với nội dung tố cáo sai phạm của Thẩm phán Vũ Lệ Quyên, TAND quận Đống Đa, TP. Hà Nội đã xét xử vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự trong vụ án thụ lý số 148/TLST-KDTM ngày 17/12/2019.
Theo đó, Phiếu chuyển đơn nêu rõ, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã xác định đơn của ông Sồi là khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự.
"Viện KSND Tối cao chuyển đơn trên đến Viện KSND TP. Hà Nội để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật", nội dung Phiếu chuyển đơn nêu.
PV