/ Luật sư trực ban
/ Vụ việc cháu bé 17 tháng tuổi tử vong: Cần phải rà soát hoạt động trông giữ trẻ em tự phát ở các địa phương

Vụ việc cháu bé 17 tháng tuổi tử vong: Cần phải rà soát hoạt động trông giữ trẻ em tự phát ở các địa phương

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Theo Luật sư, vấn đề động cơ, mục đích, nhận thức và diễn biến hành vi cụ thể của đối tượng gây án sẽ quyết định việc khởi tố đối tượng này về tội "Cố ý gây thương tích" theo khoản 5, Điều 134 Bộ luật Hình sự hay tội "Giết người" theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Ảnh minh họa.

Ngày 15/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 7 (TP. HCM) đã ra quyết định bắt khẩn cấp Nguyễn Ngọc Phượng (31 tuổi, quê Bình Phước) để điều tra liên quan đến vụ việc cháu bé 17 tháng tuổi tử vong.

Trước đó, ngày 07/11, Công an phường Phú Mỹ (quận 7) tiếp nhận tố giác của anh Trương Hoàng Đức về việc con gái của anh là bé T.G.H. (17 tháng tuổi) tử vong bất thường khi được anh gửi tại nhà trọ của bà Phượng.

Qua quá trình đấu tranh và bằng những tài liệu, chứng cứ, chứng minh, Phượng phải thừa nhận hành vi phạm tội. Thep lời khai, từ ngày 25/9, Phượng có nhận giữ bé H. từ anh Đ. với giá 5 triệu đồng/tháng. Bé H. ở xuyên suốt ngày đêm với Phượng. Từ khi ở với Phượng, bé H. thường xuyên quấy khóc nên Phượng bực bội.

Cộng thêm việc anh Đ. không trả tiền công giữ bé H. cho Phượng đúng hẹn nên Phượng đã nhiều lần dùng tay và cán chổi bằng nhựa đánh vào mặt, tay và chân của bé H. gây thương tích.

Phượng khai đỉnh điểm từ ngày 31/10 đến ngày 05/11, khi bé H. quấy khóc, Phượng đã dùng tay tát mạnh vào mặt và dùng tay dí mạnh vào vùng đầu của bé H. nhiều lần; có lần đã dùng bình sữa gõ vào đầu bé H.

Mức hình phạt có thể tới 15 năm tù

Dưới góc độ pháp lý, theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, nếu có căn cứ cho thấy đối tượng Nguyễn Ngọc Phượng đã đánh đập khiến cháu bé 17 tháng tuổi tử vong thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. và tạm giam để điều tra đối với đối tượng này về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Với hành vi giết người dưới 16 tuổi (trẻ em), hành vi có tính chất côn đồ thì đối tượng thực hiện hành vi giết người trong trường hợp này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Luật sư Cường phân tích thêm, trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng không có động cơ mục đích giết người, không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, hành vi chỉ nhằm gây thương tích cho nạn nhân hoặc bỏ mặc việc nạn nhân có thể thương tích, khi phát hiện cháu bé bị thương tích nghiêm trọng thì sợ cháu bé tử vong nên đã mang đi cấp cứu... thì cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét đến việc có thể áp dụng các tình tiết để xử lý đối tượng này về tội "Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người" theo quy định tại khoản 5, Điều 134 Bộ luật Hình sự hay không. Trường hợp bị xử lý hình sự về tội "Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người" thì mức hình phạt có thể tới 15 năm tù.

Cụ thể khoản 5, Điều 134 Bộ luật Hình sự quy định như sau: "Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.".

Vấn đề động cơ, mục đích, nhận thức và diễn biến hành vi cụ thể của đối tượng gây án sẽ quyết định việc khởi tố đối tượng này về tội "Cố ý gây thương tích" theo khoản 5, Điều 134 Bộ luật Hình sự hay tội "Giết người" theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Cần phải rà soát hoạt động trông giữ trẻ em tự phát ở các địa phương

Có thể thấy rằng, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ án mạng do những đối tượng trông giữ trẻ em tự phát gây ra. Không phải ngẫu nhiên mà pháp luật quy định giáo dục là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, người thực hiện các hoạt động giáo dục đặc biệt là trông giữ trẻ em, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học... thì phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có đạo đức và có kỹ năng chăm sóc trẻ em... trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ bởi trẻ em là người yếu thế trong xã hội, chưa có nhận thức đầy đủ về cuộc sống, chưa có khả năng tự vệ bảo vệ bản thân.

Việc giáo dục, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi mầm non đòi hỏi phải có kĩ năng, có kiến thức, có đạo đức, giàu lòng yêu thương trẻ. Việc giao trẻ cho những đối tượng thiếu đạo đức, thiếu kỹ năng phải không có chuyên môn nghiệp vụ thì đó là hiểm họa, là mối nguy hiểm đối với trẻ em. Chính vì vậy, những vụ việc hành hạ, bạo hành, gây thương tích, sát hại trẻ em thường diễn ra ở các cơ sở giáo dục tự phát, những đối tượng trông giữ trẻ tự phát hoặc đối với những người bỗng dưng phải chăm sóc trẻ em như cha dượng, mẹ kế...

Để giảm thiểu những vụ án mạng liên quan đến trông giữ trẻ em tự phát, để trẻ em được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, Luật sư Cường cho rằng các bậc phụ huynh cần có những kiến thức cơ bản về quyền trẻ em, biết cách thức bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là chỉ giao con mình cho những người có đạo đức, có đủ điều kiện về sư phạm, có sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động nghề nghiệp của họ thì mới giảm thiểu được nguyên nhân trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bị sát hại như vậy.

VĂN QUANG

Ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại

Lê Minh Hoàng