Ngộ độc sau bữa ăn trường học: Quy định đầy đủ nhưng vẫn xảy ra?

28/02/2021 23:06 | 3 năm trước

(LSVN) - Vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn trường học cho các em học sinh đang được dư luận quan tâm khi những vụ việc ngộ độc sau bữa ăn vẫn xảy ra, theo các chuyên gia pháp lý về cơ bản các chế tài, quy định trong lĩnh vực này đã khá đầy đủ nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm được thực trạng này.

 

Ảnh minh họa.

Ngày 24/02, tại trường Tiểu học Vĩnh Thủy, Quảng Trị đã xảy ra tình trạng một số em học sinh sau khi ăn bữa trưa đầu có biểu hiện lâm sàng như mệt mỏi, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn...  25 học sinh của các lớp 3B, 4B, 5A đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh để khám, theo dõi sức khỏe. Sau khi được thăm khám, 18 học sinh phải nhập viện để theo dõi và điều trị, 07 học sinh trở về trường học bình thường.

Trước đó, ngày 27/11/2020, Phòng Y tế UBND quận Ba Đình, Hà Nội đã có báo cáo kết quả kiểm tra tại Trường Tiểu học, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục sau khi tiếp nhận phản ánh bữa ăn của học sinh trường này có giòi.

Theo kết luận, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Ba Đình xác định nhà trường đã có hành vi vi phạm hành chính. Cụ thể, thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm.

Những năm gần đây, với sự phát triển của mô hình dạy học 02 buổi/ngày, số lượng học sinh cấp tiểu học và phổ thông trên các địa bàn tỉnh thành ăn bán trú tại trường ngày càng tăng. Theo đó, nhiều vụ việc học sinh ngộ độc thực phẩm, đơn vị cung cấp suất ăn vi phạm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm liên tiếp xảy ra. Theo Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh nhận định, quy định về việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học đã đầy đủ., vấn đề là các bên liên quan có thực hiện đúng với quy định không mà thôi.

Luật sư Giang Hồng Thanh, văn phòng Luật sư Giang Thanh.

Cụ thể, tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12 tháng 5 năm 2016 về công tác y tế trường học có những quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của Nhà trường trong việc bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm.

Điều 06, Thông tư quy định đối với trường học có bếp ăn nội trú, bán trú, Nhà trường phải bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo khoản 01, khoản 02, khoản 03, mục VI và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo khoản 05 của quy chuẩn QCVN 07:2010/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT; Bếp ăn, nhà ăn, căng tin trong trường học bảo đảm theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn trong trường học phải bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe theo quy định tại Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Theo Luật sư Thanh, trong trường hợp trường học không có bếp ăn nội trú, bán trú, Nhà trường ký hợp đồng với các cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp thức ăn cho học sinh.

Đối với trách nhiệm bồi thường, Luật sư Giang Hồng Thanh cũng cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự, người nào gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường. Bên cạnh đó tại điểm h, khoản 02, Điều 02 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng quy định tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài việc bị phạt tiền còn có thể bị buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.

Điều 590, Bộ luật Dân sự quy định các khoản bồi thường trong trường hợp này như sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của học sinh; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người học sinh trong thời gian điều trị; Nếu học sinh cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì phải bồi thường cả khoản chi phí hợp lý cho việc chăm sóc học sinh…

Luật sư Thanh cho biết, xã hội ngày càng phát triển và những mặt trái đang xảy ra ngày càng nhiều, việc xây dựng kế hoạch cụ thể của từng năm học trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; Phối hợp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là việc làm cần thiết, bắt đầu từ nguồn cung cấp thực phẩm, quy trình chế biến và bảo quản, công tác giám sát thực hiện thường xuyên và chặt chẽ.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng nhiễm bẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nơi chế biến như: Luôn vệ sinh sạch sẽ nơi chế biến, bếp nấu ăn, nhân viên nấu ăn và luôn thực hiện quy trình một chiều để đảm bảo vệ sinh.

“Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe nhân viên nấu ăn, kiểm tra khu vực nấu ăn hàng ngày trước khi thực hiện công việc; Vệ sinh khu vực nấu ăn và xung quanh thường xuyên; Công đoạn xử lý rác thải phải đảm bảo vệ sinh không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; Tuyên truyền phổ biến kiến thức nuôi con theo khoa học, cách giữ vệ sinh môi trường tới các bậc cha mẹ học sinh và có biện pháp phối hợp chặt chẽ”, Luật sư Giang Hồng Thanh cho hay.

LÂM HOÀNG 

Quảng Trị: Yêu cầu tạm dừng hợp đồng với cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống sau vụ học sinh ngộ độc tại Vĩnh Linh

 

Từ khoá : quy định lsvn.vn LSVN