(LSVN) - Những vấn đề về nội dung phản cảm trên mạng internet đã không còn là vấn đề mới, tuy nhiên nó vẫn luôn là một cái “gai” nhức nhối trong xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh thời kì công nghệ 4.0 khi mà mạng xã hội hiện này đều "mở" và cách tiếp cận thông tin cũng đa dạng đối tượng người dùng. Các bậc phụ huynh lo ngại, rất nhiều ý kiến được đặt ra trong câu chuyện làm thế nào để kiểm soát nội dung thông tin độc hại ảnh hưởng đến con em mình?
Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao vì một clip đăng tải trên mạng xã hội Tik Tok bởi một Youtuber nổi tiếng có lượng thu hút lớn với đối tượng chủ yếu là trẻ em.
Youtuber trên có tên là Thơ Nguyễn với những clip content nhằm quảng bá đồ chơi cho các em nhỏ. Tuy nhiên, việc quảng bá sản phẩm qua clip của Thơ Nguyễn lại gây ra nhiều ý kiến tranh cãi. Theo đó, YouTuber Thơ Nguyễn đã đăng một đoạn clip dài gần 1 phút về việc xin vía học giỏi cho các em học sinh. Trong đoạn clip này, Thơ Nguyễn đeo cặp kính kỳ dị, vẻ mặt nghiêm trọng, tay ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng "mẹ" và gọi búp bê là "con".
Được biết, Thơ Nguyễn đã lên tiếng đính chính là làm đoạn clip này nhằm muốn lên án hành vi mê tín của những bạn tin vào búp bê Kumathon xin vía này, vía nọ... Tuy nhiên, vẫn rất nhiều ý kiến cho rằng với những nội dung ở đoạn đầu clip sẽ gây ảnh hưởng xấu tới con trẻ, khiến trẻ em có những suy nghĩ lệch lạc.
Đây không phải là lần đầu tiên Thơ Nguyễn dính vào lùm xùm vì nội dung clip bị cho là không phù hợp khiến nhiều người phẫn nộ. Trước đó, nữ YouTuber sinh năm 1992 này từng bị tẩy chay vì một loạt clip thực hiện thử thách nguy hiểm khi thí nghiệm đun nước có ga trên bếp hay bỏ đá khô vào chai nước gây nổ tung.
Dù có đưa ra lời cảnh báo không nên làm theo, tuy nhiên chẳng ai dám chắc rằng trẻ em - đối tượng chính của kênh YouTube Thơ Nguyễn sẽ không tò mò rồi bắt chước theo những nội dung vô bổ này.
Thế nào là tự do tín ngưỡng?
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, với tư cách là người của công chúng và là người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với trẻ em thì những Youtuber có nghĩa vụ phải tuyên truyền, lan truyền những thông tin, hành vi, lối sống tích cực, tránh xa những tin tức “độc hại”, chưa rõ ràng, còn nhiều tranh cãi.
Được biết, sự việc gây ồn ào của YouTuber Thơ Nguyễn xuất phát từ một video có nội dung được nhiều phụ huynh chỉ trích có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ nhỏ và bị cộng đồng mạng tẩy chay vì cho rằng là clip độc hại, có dấu hiệu truyền tải nội dung mê tín dị đoan.
“Để lý giải cho câu hỏi ‘tại sao hành vi của youtuber Thơ Nguyễn lại bị lên án mạnh như vậy?’ thì đầu tiên chúng ta cần phải hiểu thế nào là mê tín dị đoan? Phân biệt thế nào là tự do tín ngưỡng và mê tín dị đoan”, Trưởng VPLS Chính Pháp cho biết.
Theo Luật sư Cường, tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi công dân tuy nhiên tự do tín ngưỡng và mê tín dị đoan là khác nhau.
Thực chất của tín ngưỡng và tôn giáo là mê tín vì đều tin vào những điều không có thực, nhưng bản chất của tín ngưỡng và tôn giáo là không có dị đoan. Tôn giáo và tín ngưỡng đều xây dựng trên những điều “thần bí, huyền hoặc”, vấn đề là “thần bí, huyền hoặc” đến đâu thì được xem là mê tín, dị đoan? Dị đoan có thể hiểu là những điều quái lạ huyễn hoặc do tin vào những điều không thực mà có gọi là dị đoan (dị là khác thường; đoan là lắm mối, nhiều rắc rối, lắm vấn đề). Tín ngưỡng và mê tín dị đoan có quan hệ chặt chẽ với nhau và giữa chúng là một ranh giới mỏng manh.
“Chúng ta nên coi tín ngưỡng chỉ là niềm tin và sự ngưỡng mộ của một người nào đó vào một hiện tượng, một lực lượng nào đó… mà thông thường được chỉ một niềm tin tôn giáo”, Luật sư Cường nhận định.
Theo nghĩa rộng, tín ngưỡng bao hàm cả tôn giáo; Theo nghĩa hẹp tín ngưỡng là một bộ phận cấu thành của tôn giáo. Dị đoan là hệ quả của mê tín, làm theo những điều quái dị không thật, không hợp lẽ phải. Dị đoan là mức cao hơn của mê tín.
Mê tín dị đoan là niềm tin của con người vào các lực lượng siêu nhiên đến mức độ mê muội, cuồng tín với những hành vi cực đoan, thái quá, phi nhân tính, phản văn hóa, mơ hồ không có thật và không phù hợp với quy luật tự nhiên. Mê tín dị đoan thường gây ra hậu quả tiêu cực đến đời sống xã hội, thậm chí là nguy hiểm tới cả tính mạng con người Hiện tượng mê tín dị đoan thường gắn liền với các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo đó, dưới góc độ pháp luật, Luật sư Cường cho biết, theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Trong đó, hoạt động tín ngưỡng được hiểu là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
Luật này nghiêm cấm Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Mê tín dị đoan là hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục và vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ mà các hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc sẽ bị phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/ N Đ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Trường hợp thực hiện hành nghề mê tín dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan quy định tại Điều 320, Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt có thể là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Làm chết người; b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Cần phải có những biện pháp mạnh tay
Trưởng VPLS Chính Pháp cho hay, hiện nay mạng xã hội, mạng internet đang phát triển nhanh chóng, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những nội dung phản cảm, không phù hợp với văn hóa, đạo đức xã hội, thậm chí là cổ súy cho những hành vi mê tín dị đoan.
“Điều đáng buồn là những nội dung đó lại được rất nhiều người quan tâm, nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ tâm lý sùng tín cùng với nhận thức và ý thức pháp luật của nhiều người còn kém, dẫn đến nhiều người dễ mê tín và lan truyền thông tin sai sự thật”, Luật sư Cường cho biết.
Đối với trường hợp của youtuber Thơ Nguyễn, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, đây chỉ là một trong rất nhiều kênh sản xuất nội dung phản cảm bị phát hiện và lên án, bởi đây là kênh youtube dành cho các em nhỏ nên hành vi có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan lại càng trở nên nguy hiểm hơn.
Thực tế cho thấy, tỉ lệ người dùng mạng xã hội hiện nay chủ yếu là giới trẻ, trong đó có phần nhiều là trẻ em, đây là đối tượng rất dễ bị các thông tin trên mạng tác động tâm lý và ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách.
“Do đó, cơ quan chức năng và cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa để kiểm soát nội dung thông tin đăng tải trên mạng và xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật để giúp cho mạng xã hội trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng”, Luật sư Cường cho biết.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh, cha mẹ cũng cần phải quan tâm, có sự hướng dẫn, kiểm soát những kênh thông tin, trang mạng xã hội mà trẻ em sử dụng, ngăn chặn những trang có thông tin độc hại, có tính chất phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức xã hội hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Người dùng mạng xã hội khi phát hiện những kênh thông tin độc hại nên chủ động báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Đối với hành vi đưa thông tin trái pháp luật lên mạng xã hội, gây dư luận xấu trong xã hội cũng thật có thể bị xử lý hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”
Theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" như sau: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này; b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam; g) Dẫn đến biểu tình. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Như vậy, trong trường hợp chưa đủ căn cứ xử lý hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan theo Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 nhưng hành vi của YouTuber này được xác định là “Đưa thông tin trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc hành vi gây dư luận xấu làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tổ chức cá nhân thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trường hợp thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm có thể đối mặt với mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại khoản hai điều 288 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nêu trên. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước hết sẽ kiểm tra hệ thống các clip mà YouTube ờ này đã đăng trong thời gian gần đây, đánh giá nội dung để so sánh với các quy định pháp luật. Trường hợp hành vi vi phạm quy định của luật an ninh mạng, đưa những thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội cũng như những thông tin trái pháp luật trên mạng xã hội để thu lợi bất chính thì có thể xử lý hình sự theo điều 288 Bộ luật Hình sự nêu trên.
Phải có "vùng cấm" các chương trình trên mạng dành cho con trẻ
Bên cạnh đề xuất đưa ra chế tài mạnh dưới góc độ pháp luật để quản lý nội dung trên không gian mạng, các chuyên gia cho rằng cần ngăn chặn cái xấu từ gốc rễ, có nghĩa là chính các chủ kênh thông tin trên mạng cần có cam kết về nội dung để nâng cao trách nhiệm với xã hội. Đồng thời, các nhà truyền thông mạng cũng cần được trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng để hướng tới sản xuất video lành mạnh.
TS. Vũ Thu Hương, Đại học Sư Phạm Hà Nội cho biết, hiện nay môi trường trên mạng đang chưa có “bộ lọc” cho trẻ em. Không có mức giới hạn lứa tuổi xem. Trong khi ngày nay, trẻ em lại được cha mẹ cho tiếp xúc với mạng internet từ rất sớm.
Vì thế, TS. Hương cho rằng có những nội dung, chương trình trên mạng phải có “vùng cấm" quy định rõ ràng lứa tuổi nào thì xem những nội dung nào. Có chương trình phải tối thiểu dành cho trẻ từ 12-13 tuổi. Bởi, ở lứa tuổi này các con mới có thể nhận thức để loại trừ 1 số sản phẩm không phù hợp với mình. Nhưng với các cháu tuổi mầm non, tiểu học thì khi xem có thể rất dễ làm theo.
Thực tế, đã có nhiều bài học vì xem và làm theo trên mạng ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của trẻ như trường hợp thắt cổ tự tử, cắt cổ tay tự tử theo phong trào Momo một thời, hay làm theo hướng dẫn trên tik tok thắt cổ tự tử mà không chết có trẻ đã làm theo và đã phải trả giá cả mạng sống.
TS. Hương cũng cho rằng, trẻ nhỏ học bằng cách bắt chước. Nên việc làm các sản phẩm trẻ em, chúng ta phải luôn cẩn trọng. Cách so sánh rút ra bài học thường chỉ phù hợp với người lớn, không phù hợp với trẻ nhỏ.
“Do đó, khi chưa có quy định rõ ràng về "bộ lọc" thông tin cho trẻ khi xem trên mạng thì cha mẹ cần phải quan tâm hơn đến con, kiểm soát con và có quy định cho con xem những kênh thông tin nào để ngăn cản trẻ tiếp xúc với các nhân vật có thể gây hại đến trẻ”, TS. Vũ Thu Hương nhận định.
Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an mời YouTuber Thơ Nguyễn lên làm việc Trước đó, vào ngày 11/3, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, Cục đã yêu cầu Tik Tok và YouTube chặn, gỡ những clip vi phạm liên quan đến tài khoản Thơ Nguyễn. Theo ông Tự Do, hiện Cục đang phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) thuộc Bộ Công An để mời chủ kênh Thơ Nguyễn lên làm việc về dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan. “Tiếp đó chúng tôi sẽ xử lý theo quy định”, ông Lê Quang Tự Do nói. Đến sáng ngày 12/3, ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở TT&TT Bình Dương cho biết, Bộ TT&TT đã giao cho Sở TT&TT Bình Dương xác minh làm rõ những dấu hiệu vi phạm và xử lý vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn làm và đưa clip “xin vía cho em học giỏi” bằng búp bê. Theo ông Thành, sau khi xác định được nơi ở, Thanh tra Sở TT&TT Bình Dương đã gửi giấy mời hẹn YouTuber Thơ Nguyễn đến Sở TT&TT Bình Dương làm việc, nhưng do YouTuber Thơ Nguyễn đang bị “suy sụp” tinh thần nên đã hẹn làm việc vào ngày thứ hai (15/3). Được biết, Thơ Nguyễn là một hot YouTuber (nhà sáng tạo, sản xuất nội dụng trên YouTube) được nhiều thiếu nhi và cha mẹ theo dõi kênh. Hiện kênh YouTuber của người này có khoảng 8,7 triệu lượt đăng ký theo dõi, đứng top đầu những kênh YouTube được nhiều người theo dõi ở Việt Nam. Những ngày qua, YouTuber này đăng tải clip trên tay ôm một con búp bê, tay kia cầm chiếc vòng để trước mặt búp bê và giới thiệu có nhiều bạn nhỏ nhờ xin vía học giỏi. “Giờ con cầu cho các anh chị học giỏi nha. Nếu mà con cầu được lắc ngang, không cầu được lắc dọc, nói chung là cứ lắc tứ tung đi”, cô nói. Chưa hết, YouTuber này còn nói “bạn ấy” thích uống nước ngọt, khi khui lon nước phát ra tiếng xịt ga lớn, cô khẳng định “bạn ấy” uống tham, uống như vậy là các bạn nhỏ sẽ học giỏi?. Clip của Thơ Nguyễn gây phẫn nộ lớn với cộng đồng, nhiều người lo ngại những clip này sẽ tác động xấu, ảnh hưởng đến suy nghĩ và tạo hành vi lệch lạc cho trẻ em khi đây là đối tượng chính của kênh YouTube này. |
LÂM HOÀNG