Hiện trường vụ mảng vữa trần rơi xuống khiến 2 học sinh bị thương.
Trưa ngày 06/9, một số học sinh lớp 10 Trường THPT Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) đang nghỉ tại phòng học trên tầng 3, bất ngờ có một mảng vữa lớn trên trần nhà rơi xuống giữa phòng học. Vì là thời điểm nghỉ trưa nên chỉ có hai học sinh bị thương nhẹ ở vai và lưng. Sau sự việc xảy ra, các em học sinh bị thương đã được nhân viên y tế của trường sơ cứu.
Đại diện nhà trường cho biết, Trường THPT Quang Minh đã được xây dựng từ nhiều năm, có nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trường cũng đã nằm trong danh sách các trường được xây mới trong thời gian tới. Sau khi xảy ra sự việc rơi vữa trần phòng học khiến hai học sinh bị thương, nhà trường cũng đã báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Trước sự việc trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, các vụ tai nạn xảy ra tại trường học không hiếm, trước vụ việc xảy ra tại Trường THPT Quang Minh nêu trên, đã có rất nhiều vụ tai nạn khác xảy ra. Trong các vụ việc đó, may mắn thì các em chỉ bị xây xát, còn không thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tai nạn xảy ra tại trường học không chỉ gây ám ảnh, sợ hãi, bất an cho học sinh và giáo viên mà các phụ huynh cũng rất lo lắng cho tính mạng sức khỏe của con em mình khi đi học. Việc tai nạn xảy ra trong trường là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, vẫn phải xem xét trách nhiệm của nhà trường trong việc bảo vệ an toàn sức khỏe của học sinh.
Các trường học phải ưu tiên đặt vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh lên hàng đầu bên cạnh việc cung cấp, truyền đạt kiến thức cho học sinh, nhà trường. Sau đó, nếu có căn cứ chứng minh trách nhiệm này thuộc về người khác thì sẽ truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân này. Ví dụ, sự cố xảy ra do lỗi của nhà thầu trong quá trình xây dựng, cụ thể, người có trách nhiệm theo dõi, bảo trì cơ sở vật chất của trường học nhưng không thực hiện đúng phạm vi nghĩa vụ thì sẽ bị quy trách nhiệm hoặc bên thi công không thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng dẫn đến cơ sở vật chất không đảm bảo an toàn thì bên thi công phải chịu trách nhiệm....
Theo đó, hành vi không bảo đảm điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học theo các quy định pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của trường, lớp học là hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm, chất lượng hoặc đảm bảo điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 04/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 127/2021/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, người này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đảm bảo điều kiện an toàn về cơ sở vật chất, trường lớp.
Trong trường hợp nếu do việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tù thấp nhất là 06 tháng, cao nhất lên tới 12 năm, ngoài ra còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại, trong vụ việc này, đầu tiên phải xét đến trách nhiệm của Nhà trường trong khâu kiểm tra cơ sở vật chất trước khi bắt đầu năm học mới. Khâu kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, các hạng mục công trình trước khi học sinh quay trở lại trường là rất quan trọng, nhằm đảm bảo sự an toàn cho cả học sinh và giáo viên. Thông qua khâu kiểm tra, những hạng mục công trình bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho việc giảng dạy và học tập phải được sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, đối với tai nạn xảy ra ở Trường THPT Quang Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng đã kiểm tra ban đầu nhưng sự cố vẫn bất ngờ xảy ra do công trình đã thi công từ lâu (năm 2000) nên khi gặp mưa lớn, trần bị ẩm và bong tróc rơi xuống là chưa thuyết phục. Bởi rõ ràng, khi kiểm tra đã phát hiện trần bị ẩm, quá cũ được xây dựng từ lâu nhưng nhà trường lại không thực hiện việc sửa chữa kịp thời, để tình trạng này kéo dài đe dọa tới tính mạng, sức khỏe của học sinh. Điều này đã thể hiện sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của người quản lý nên sự cố đã xảy ra, vữa trần nhà rơi xuống trong khi học sinh vẫn còn đang trong phòng học.
Do đó, nhà trường có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho các em căn cứ theo quy định tại Điều 584 và Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015. Các khoản phải bồi thường bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho các em và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Luật sư Tiền chia sẻ thêm, các vụ việc như trên xảy ra là những bài học đắt giá để trường học phải thường xuyên kiểm tra, sửa chữa trong năm học mới, đồng thời tăng cường việc bổ sung kiến thức phòng tránh tai nạn trong trường học cho học sinh để tránh các vụ việc thương tâm. Tai nạn có thể xảy ra với bất kỳ ai, thậm chí các thầy cô giáo cũng có thể trở thành nạn nhân. Nguyên nhân của vụ việc trên có thể cũng xuất phát một phần từ việc người kiểm tra không có chuyên môn trong việc đánh giá mức độ an toàn của công trình. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đào tạo, cần phải có một bộ phận chuyên môn, thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn về cơ sở vật chất, hạng mục công trình. Nếu phát hiện cơ sở vật chất có dấu hiệu hư hỏng, bong tróc thì cần nhanh chóng báo cáo với hiệu trưởng để kịp thời xử lý, khắc phục, đảm bảo an toàn lớp học.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải có những quy định cụ thể hơn về đánh giá chất lượng công trình trường học, công văn chỉ đạo các trường học tổng kiểm tra, rà soát tình hình cơ sở vật chất trước dịp khai giảng để có phương án khắc phục kịp thời, trường hợp phức tạp cần cử cơ quan có chuyên môn, lập đoàn kiểm tra thẩm định, tính toán cân đối sao cho hợp lý để đảm bảo công tác chuẩn bị cho năm học. Trong trường hợp các trường có khó khăn về nguồn ngân sách, có thể đề xuất với chính quyền địa phương cũng như tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực khác để xây dựng, tu sửa phòng, lớp học, tối đa nguồn lực xã hội hóa.
LINH NHI
Cách tính lương tối thiểu khi làm theo tuần, theo ngày từ 01/7/2022