Ảnh minh họa.
Thời gian qua, công tác trích xuất, dẫn giải bị cáo để xét xử và chấp hành án đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từng vụ án cụ thể việc trích xuất, dẫn giải bị cáo từ Trại tạm giam quân sự hoặc Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam Công an đến địa điểm xét xử và đi chấp hành án gặp những khó khăn, vướng mắc, cần được giải quyết, mặc dù Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã có hiệu lực pháp luật.
Trích xuất, dẫn giải bị cáo để xét xử và thi hành án được quy định cụ thể trong Luật Thi hành án hình sự 2019; Thông tư liên tịch số 04/3013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 30/5/2013 của Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn thực hiện trích xuất phạm nhân để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử và một số văn bản khác có liên quan.
Thông thường các bị can khi bị khởi tố, truy tố, bắt tạm giam thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, tạm giam tại Trại giam, Trại tạm giam quân sự. Khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử, đến ngày xét xử Tòa án ra lệnh trích xuất, dẫn giải bị cáo gửi cho Trại tạm giam hoặc Trại giam và gửi cho Cơ quan thi hành án hình sự, Trại tạm giam hoặc Trại giam có nhiệm vụ thi hành lệnh trích xuất, dẫn giải bị cáo đến địa điểm xét xử. Việc thực hiện lệnh trích xuất, dẫn giải trước đây do lực lượng cảnh vệ thuộc các đơn vị cảnh vệ của quân đội đảm nhận, hiện nay việc trích xuất, dẫn giải bị cáo để xét xử và thi hành án do Cơ quan thi hành án hình sự và Trại tạm giam hoặc Trại giam phối hợp thực hiện; trường hợp xét xử trong Trại tạm giam do cán bộ quản giáo, cảnh vệ của Trại thực hiện. Vấn đề đặt ra, khó khăn về lực lượng, phương tiện đảm bảo, dẫn giải bị cáo đến địa điểm xét xử và thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật với quãng đường xa và những tình huống phát sinh trên đường dẫn giải bị cáo thực hiện việc chuyển trại, cụ thể như sau:
Thứ nhất, trường hợp bị cáo vừa phạm tội do Tòa án nhân dân xét xử, vừa phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự và đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ hoặc Trại tạm giam Công an. Tòa án quân sự xét xử trước, Tòa án nhân dân xét xử sau, bản án của Tòa án quân sự đã có hiệu lực pháp luật nhưng vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân đang trong giai đoạn điều tra, việc trích xuất, dẫn giải bị cáo để xét xử và thi hành án sẽ gặp khó khăn. Thẩm quyền trích xuất tại Điều 40 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại Trại tạm giam hoặc phạm nhân do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trực tiếp quản lý”.
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC về thẩm quyền trích xuất thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị trích xuất: ‘‘Đề nghị thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân thuộc Trại tạm giam, Nhà tạm giữ do Công an đia phương đó quản lý’’.
Tòa án quân sự làm công văn đề nghị Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trích xuất bị cáo để xét xử, hoặc xét xử và đưa đi thi hành án đối với bị cáo phạm tội đã bị Tòa án nhân dân xét xử trước đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ của Công an cấp huyện. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra lệnh trích xuất bị cáo từ Nhà tạm giữ Công an cấp huyện đến nơi Tòa án quân sự xét xử và dẫn giải đi chấp hành án sau khi xét xử xong. Vấn đề đặt ra ở đây, cơ quan đơn vị nào đảm nhận việc trích xuất, dẫn giải bị cáo? Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, Nhà tạm giữ Công an huyện hay Cơ quan điều tra hình sự Khu vực điều tra vụ án đó đảm nhận việc trích xuất, dẫn giải bị cáo đi xét xử, chấp hành án.
Thực tế, đây là vấn đề vướng mắc, Tòa án quân sự không thể yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Nhà tạm giữ của Công an cấp huyện thi hành lệnh trích xuất, dẫn giải bị cáo, Tòa án quân sự chỉ đề nghị các cơ quan này phối hợp để đảm bảo thuận lợi cho việc xét xử vụ án. Việc thi hành lệnh trích xuất, dẫn giải, Tòa án quân sự phối hợp nhờ Cơ quan hay đơn vị nơi có án xảy ra, đảm nhận nhiệm vụ trích xuất, dẫn giải bị cáo để xét xử và thi hành án. Việc này Tòa án đã vận dụng giải quyết tốt trong từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên nếu có vấn đề sơ xuất xảy ra, ví dụ trên đường dẫn giải, bị cáo lợi dụng sơ hở của cán bộ dẫn giải trốn thoát, cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm? Tòa án đã ra lệnh trích xuất dẫn giải; cơ quan, đơn vị thi hành lệnh trích xuất, dẫn giải hay Cơ quan thi hành án hình sự, Nhà tạm giữ Công an huyện chịu trách nhiệm về việc để bị cáo trốn thoát.
Thứ hai, trường hợp bị cáo vừa phạm tội do Tòa án nhân dân xét xử, vừa phạm tội do Tòa án quân sự xét xử. Tòa án nhân dân đã xét xử trước, án chưa có hiệu lực pháp luật và bị cáo hiện đang bị tạm giam ở Nhà tạm giữ hoặc Trại tạm giam do Công an quản lý. Tòa án quân sự xét xử bị cáo sau, việc trích xuất, dẫn giải bị cáo để xét xử và đưa đi chấp hành án gặp khó khăn, vướng mắc: Cơ quan nào thi hành lệnh trích xuất, dẫn giải trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam ở nhà tạm giữ hoặc Trại tạm giam Công an cấp huyện? thời hạn trích xuất bị cáo; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi có Nhà tạm giữ đang tạm giam bị cáo; cơ quan điều tra hình sự Khu vực điều tra vụ án đó hay là cơ quan, đơn vị quân đội nơi xảy ra vụ án đảm nhiệm việc trích xuất, dẫn giải bị cáo đi xét xử và chấp hành án? đây là vướng mắc thường gặp, hiện chưa có văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất.
Ví dụ: Phạm Năng V., phạm tội “Trộm cắp tài sản” và “Cướp tài sản” Tòa án quân sự xét xử sau tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù. Trước đó, bị cáo V. bị Tòa án nhân dân xét xử 9 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, tổng hợp hình phạt của cả 2 bản án bị cáo V. phải chấp hành là 11 năm 3 tháng tù. Phạm Năng V. bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện N., tỉnh T. Tòa án quân sự làm Công văn đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh T. trích xuất, dẫn giải bị cáo V. từ Nhà tạm giữ Công an huyện N., đến địa điểm xét xử là Công ty 732, xét xử xong dẫn giải bị cáo V. về Trại tạm giam Quân sự để đảm bảo thi hành án.
Vấn đề vướng mắc là cơ quan, đơn vị nào thi hành lệnh trích xuất, dẫn giải bị cáo: Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện N. nơi có Nhà tạm giữ đang tạm giam bị cáo hay Cơ quan điều tra hình sự Khu vực đã điều tra vụ án thực hiện dẫn giải bị cáo? Thực tiễn, Tòa án quân sự đã vận dụng nhờ Công ty 732 nơi xảy ra vụ án thi hành lệnh trích xuất, dẫn giải bị cáo. Vấn đề đặt ra, nếu trên đường dẫn giải bị cáo từ Nhà tạm giữ đến địa điểm xét xử và đưa đi chấp hành án lợi dụng sơ xuất của cán bộ dẫn giải bị cáo trốn thoát thì ai là người chịu trách, bởi theo quy định của pháp luật, Công ty 732 không có chức năng dẫn giải bị cáo.
Thứ ba, trường hợp khi Tòa án quân sự xét xử bị cáo là phạm nhân đang chấp hành án về một tội khác Tòa án nhân dân đã xét xử giam tại Trại giam Công an, vấn đề đặt ra bị cáo bị xử phạt tù giam, xét xử xong, khi bản án của Tòa án quân sự có hiệu lực pháp luật có phải trích xuất, dẫn giải bị cáo để chuyển Trại giam quân sự chấp hành án không? để bị cáo chấp hành 02 bản án tù tại Trại giam của Công an hay Trại giam quân sự.
Thứ tư, trường hợp bị cáo A. phạm tội do Cơ quan điều tra hình sự khu vực Quân khu K. điều tra, Viện Kiểm sát quân sự khu vực Quân khu K. truy tố, Tòa án quân sự xét xử tuyên phạt bị cáo A. 7 năm tù, nhưng bị cáo A. đang được gửi tại Trại tạm giam Quân đoàn. Theo quy định Trại tạm giam Quân đoàn chỉ quản lý, cải tạo các phạm nhân có mức án 5 năm tù trở xuống, mức án trên 5 năm tù phải làm thủ tục chuyển trại, về nguyên tắc khi chuyển trại phải ra lệnh trích xuất, dẫn giải bị cáo. Vấn đề đặt ra là Tòa án ra lệnh trích xuất, dẫn giải thì cơ quan, đơn vị nào thực hiện lệnh trích xuất, dẫn giải của Tòa án để đưa phạm nhân chuyển trại. Cơ quan điều tra hình sự hay Trại tạm giam thực hiện? Thực tế Cơ quan điều tra cử lực lượng, phương tiện dẫn giải bị cáo chuyển trại, nhưng lại yêu cầu có cán bộ Tòa án cùng tham gia dẫn giải bị cáo. Pháp luật không quy định Tòa án thực hiện nhiệm vụ dẫn giải, vì vậy Tòa án không đảm nhận việc dẫn giải bị cáo.
Đề xuất, kiến nghị
Qua những vướng mắc Tòa án quân sự gặp phải khi thực hiện trích xuất, dẫn giải bị cáo để xét xử và thi hành án, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc về lực lượng, phương tiện đảm bảo cho việc trích xuất dẫn giải bị cáo để xét xử và thi hành án được thuận lợi, tạo sự thống nhất thực hiện giữa Cơ quan thi hành án hình sự, Trại giam, Trại tạm giam trong và ngoài Quân đội.
THẠC SĨ LÊ ĐÌNH NGHĨA
Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5