/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vướng mắc về áp dụng tình tiết tăng nặng 'phạm tội 02 lần trở lên'

Vướng mắc về áp dụng tình tiết tăng nặng 'phạm tội 02 lần trở lên'

14/02/2023 14:55 |

(LSVN) - Trong thực tiễn hiện nay, trong quá trình khởi tố điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, này sinh những vướng mắc và nhận thức khác nhau, thậm chí là xung đột giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về việc áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên.

Chứng cứ và đánh giá chứng cứ trong xét xử của Tòa án

Ảnh minh họa.

Bộ luật Hình sự 2015 không có quy định tình tiết “Phạm tội nhiều lần” mà chỉ quy định “Phạm tội 02 lần trở lên” và được xác định là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 52, Bộ luật Hình sự 2015. Phạm tội 02 lần trở lên là một trong những tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại nhiều điều luật trong Bộ luật Hình sự 2015.

Phạm tội từ 02 lần trở lên (trước đây là phạm tội nhiều lần) được hiểu là phạm một tội (được quy định trong cùng một điều hay cùng một khung hình phạt) từ hai lần trở lên mỗi lần phạm tội đó đủ yếu tố cấu thành 01 tội phạm và mỗi lần phạm tội đó chưa bị đưa ra xét xử và chưa có bản án kết tội. Có tài liệu định nghĩa: phạm tội nhiều lần là phạm một tội từ 02 lần trở lên, mỗi lần đó không cách nhau bằng một bản án. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng sinh những vướng mắc và nhận thức khác nhau về áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên.

Ví dụ: Nguyễn Văn A. sử dụng nguồn tiền của cá nhân, thực hiện hành vi cho vay lãi nặng cho ai có nhu cầu. Tùy vào mối quan hệ và hình thức vay mà Dũng đưa ra mức thỏa thuận lãi suất khác nhau. A. thực hiện hành vi thu lợi bất chính khi cho khách vay tiền được 02 lần thì A. bị Công an bắt giữ. Lần thứ nhất, A. thu lợi bất chính của anh D là 30 triệu vào ngày 25/10/2022. Lần thứ hai, A. thu lợi bất chính là 60 triệu vào ngày 02/11/2022 thì bị cơ quan Công an bắt giữ. Hiện tại, việc áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên còn có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất: Theo nội dung hướng dẫn tại Công văn số 212/TANDTC-PC ngày ngày 13 tháng 09 năm 2019 của Tòa án nhân dân Tối cao như sau: “Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 100 triệu đồng trở lên, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 52 của Bộ luật Hình sự”.

A. thực hiện 02 lần hành vi thu lợi bất chính của anh D. lần 1 là 30 triệu, lần 2 là 60 triệu. A. thực hiện hành vi thu lợi bất chính nhiều lần mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội là 90 triệu. Do vậy, hành vi của A. không thỏa mãn áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 52 của Bộ luật Hình sự vì tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội chưa đủ từ 100 triệu đồng trở lên.

Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Cấu thành tội phạm của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, hành vi nêu trên chỉ cấu thành tội phạm nếu người phạm tội thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Lần thứ nhất, A. thu lợi bất chính của anh D. là 30 triệu, lần thứ hai là 60 triệu. Cả hai lần số tiền A. thu lợi bất chính đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Phạm tội từ 02 lần trở lên được hiểu là phạm một tội (được quy định trong cùng một điều hay cùng một khung hình phạt) từ hai lần trở lên mỗi lần phạm tội đó đủ yếu tố cấu thành 01 tội phạm và mỗi lần phạm tội đó chưa bị đưa ra xét xử và chưa có bản án kết tội. Do đó, A. đủ điều kiện áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 52.

Theo Công văn số 212/TANDTC-PC ngày ngày 13 tháng 09 năm 2019 của Tòa án nhân dân Tối cao về áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” thì chỉ áp dụng trong trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản 2, Điều 201, Bộ luật Hình sự. Còn đối với trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 201, Bộ luật Hình sự thì không thể áp dụng tình tiết tăng nặng là “phạm tội 02 lần trở lên” vì tổng số tiền thu lợi bất chính là dưới 100 triệu. Do đó, Công văn số 212/TANDTC-PC hướng dẫn về áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” trong trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự ở Điều 201, Bộ luật Hình sự là chưa thực sự hợp lý.

Vì vậy, đối với trường hợp trên, tác giả cho rằng A đủ điều kiện áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 52.

Kiến nghị: Nên sửa đổi Hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao theo hướng “các lần từ 30 triệu đồng trở lên thay cho là từ 100 triệu đồng trở lên” để áp dụng thống nhất trong việc định tội và định khung hình phạt.

Trên đây là ý kiến của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc và đồng nghiệp; đồng thời kính đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao có văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

NGUYỄN PHI HÙNG

Toà án Quân sự Quân khu 4

Một số vấn đề về người làm chứng trong tố tụng hình sự Việt Nam

 
Nguyễn Hoàng Lâm