/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Vướng mắc về những vấn đề pháp lý trong xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Vướng mắc về những vấn đề pháp lý trong xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

12/05/2024 07:01 |

(LSVN) - Nguyên tắc “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm” là một trong những  nguyên tắc quan trọng nhất được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Nguyên tắc này nhằm bảo đảm cho việc xét xử đúng người, đúng tôi, đúng pháp luật tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm, đồng thời tránh sai sót trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng. BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định về thẩm quyền Hội đồng xét xử phúc thẩm, khi bản án phúc thẩm có hiệu lực sẽ tạo ra rất nhiều thay đổi lớn trong cả quá trình tiến hành tố tụng và những vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án. Xoay quanh hoạt động xét xử phúc thẩm trên thực tế đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc đồng thời với đó là những quan điểm không thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật.

Ảnh minh họa.

Quy định của BLTTHS về thẩm quyền Hội đồng xét xử phúc thẩm

BLTTHS quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm bao gồm các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, hủy bản án hình sự để điều tra lại hoặc xét xử lại

Theo quy định tại Điều 358 BLTTHS về hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại: “1. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp:

a) Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm;

b) Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được;

c) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.

2. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong các trường hợp:

a) Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần mà Bộ luật này quy định;

b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm;

c) Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội;

d) Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ;

đ) Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.

3. Khi hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải ghi rõ lý do của việc hủy bản án sơ thẩm.

4. Khi hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự cần áp dụng và hình phạt đối với bị cáo.

5. Trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện Kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên hủy bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện Kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này".

Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong trường hợp nếu việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong trường hợp nếu Viện Kiểm sát cấp phúc thẩm không thể điều tra bổ sung được và ở tại phiên tòa phúc thẩm cũng không thể làm sáng tỏ được Việc điều tra bị coi là không đầy đủ nếu Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm không làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án. Nếu việc điều tra ở cấp sơ thẩm tuy là không đầy đủ, nhưng có thể điều tra bổ sung được ở cấp phúc thẩm, thì Tòa án cấp phúc thẩm không hủy bản án sơ thẩm mà yêu cầu Viện Kiểm sát cấp phúc thẩm điều tra bổ sung hoặc tự mình yêu cầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp thêm những tài liệu cần thiết.

Trong trường hợp Tòa án xét xử sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm, hay Tòa án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong các giai đoạn từ giai đoạn điều tra cho đến truy tố thì hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, vì trong trường hợp này, bản án có thể không phản ánh chính xác, không phản ánh đầy đủ hoặc sai lệch so với sự việc đã diễn ra, các phán quyết của tòa sơ thẩm không hợp lý.

Thứ hai, hủy bản án hình sự và đình chỉ vụ án

Theo quy định tại Điều 359 BLTTHS về hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án: “1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.

2. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.

Thứ ba, sửa bản án hình sự sơ thẩm

Theo quy định tại Điều 375 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về sửa bản án sơ thẩm: “1. Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn;

c) Giảm hình phạt cho bị cáo;

d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;

e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

2. Trường hợp Viện Kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:

a) Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Tăng mức bồi thường thiệt hại;

c) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn;

d) Không cho bị cáo hưởng án treo.

Nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị".

Vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật

Qua nghiên cứu những vụ án hình sự trên thực tế, tác giả đã nhận thấy những vướng mắc gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng mà tới thời điểm hiện tại các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa có hướng giải quyết.

Thứ nhất, bản án hình sự sơ thẩm bị cáo chỉ kháng cáo phần dân sự trong bản án, còn lại tất cả những phần khác của bản án bị cáo không kháng cáo. Theo quy định của BLTTHS, Hội đồng xét xử phúc thẩm hoàn toàn có quyền xem xét các phần khác của bản án sơ thẩm ngoài phạm vi kháng cáo và tuyên theo hướng có lợi cho bị cáo kháng cáo kể cả khi bị cáo không kháng cáo phần đó. Vụ án trên thực tế, bị cáo đã kháng cáo phần dân sự, phần hình sự bị cáo vẫn thi hành theo bản án, Hội đồng xét xử phúc thẩm thụ lý đơn kháng cáo về phần dân sự của bị cáo. Khi nghiên cứu các vụ án khác nhau, tác giả nhận thấy rằng có quan điểm thứ nhất cho rằng chỉ có phần bản án bị cáo kháng cáo thì mới chưa có hiệu lực pháp luật, còn lại những phần khác vẫn có hiệu lực pháp luật và đưa ra thi hành theo đúng trình tự, thủ tục của luật.

Tuy nhiên lại có quan điểm thứ hai cho rằng Toà cấp phúc thẩm hoàn toàn có thể có những quyết định về các phần khác của bản án sơ thẩm ngoài phạm vi kháng cáo nên toàn bộ bản án sơ thẩm khi có kháng cáo kể cả kháng cáo một phần thì toàn bộ bản án đều chưa có hiệu lực pháp luật, nếu cấp phúc thẩm sửa, huỷ án mà những phần đó của bản đã đã được đưa ra thi hành thì chắc chắn quyền lợi, nghĩa vụ của bị cáo và các bên liên quan cũng như tiến độ tố tụng của vụ án sẽ ảnh hưởng rất lớn. Từ vấn đề này đã khởi nguồn của rất nhiều những vấn đề pháp lý phức tạp kéo theo đó đặc biệt là nếu các toà án áp dụng theo quan điểm thứ nhất. Cho tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là một vấn đề pháp lý còn nhiều quan điểm khác nhau, việc không thống nhất trong quan điểm áp dụng pháp luật khi chưa có một hướng dẫn chi tiết của cơ quan trung ương đã ảnh hưởng rất lớn tới quá trình giải quyết các vụ án, trong đó có những vụ án rất phức tạp. 

Thứ hai, từ vấn đề trên, nếu Toà phúc thẩm đã tuyên huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại về một tội khác nhẹ hơn tội danh trong bản án sơ thẩm, trong khi đó người phạm tội đã chấp hành xong về phần hình sự của bản án sơ thẩm (phần bản án sơ thẩm không bị kháng cáo vẫn thi hành theo quy định của pháp luật; bị án đã được xét giảm án phạt tù theo đợt xét giảm án của Nhà nước), nếu như vậy người phạm tội sẽ bị xử phạt về một tội khác nhẹ hơn với mức hình phạt chắc chắn phải nhẹ hơn  thì khoảng thời gian bị án đã chấp hành án theo bản án sơ thẩm phải giải quyết như thế nào, phần hình phạt mà người phạm tội đã chấp hành “thừa” thì phải giải quyết ra sao, thực tế đã có vụ án như vậy mà đến thời điểm hiện tại cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện tại một số địa phương vẫn chưa có hướng giải quyết thoả đáng.

Thứ ba, nếu người phạm tội đã chấp hành xong án phạt tù theo bản án sơ thẩm đồng thời đã có giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù của cơ quan thi hành án hình sự, trong trường hợp này nếu họ phạm tội mới mà chưa được xoá án tích thì việc xác định các vấn đề về nhân thân, tái phạm, tái phạm nguy hiểm sẽ được thực hiện theo quy định của BLHS hiện hành không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, từ vấn đề nêu trên, khi Toà phúc thẩm đã huỷ bán án sơ thẩm để xét xử lại người phạm tội về một khác nhẹ hơn nhưng họ đã chấp hành xong án phạt tù của bản án sơ thẩm ban đầu về tội nặng hơn sau đó họ lại phạm tội mới thì xác định nhân thân, tái phạm, tái phạm nguy hiểm của người phạm tội này như thế nào khi bản án sơ thẩm đầu tiên đã bị huỷ.

Đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật

Theo quan điểm của tác giả, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn thống nhất theo một trong hai hướng sau: Việc xác định những nội dung liên quan đến bản thân bị cáo hoặc các bị cáo khác không kháng cáo trong vụ án có đồng phạm là phần bản án không bị kháng cáo, kháng nghị, hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị sẽ được đưa ra thi hành, trong khi những nội dung đó có thể bị sửa đổi trong xét xử phúc thẩm là điều không phù hợp. Kháng cáo của bị cáo trong trường hợp trên là đúng pháp luật, Tòa án cấp phúc thẩm cần căn cứ vào kháng cáo quy định của BLTTHS về thẩm quyền để xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm theo quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 345 BLTTHS. Coi toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm khi có kháng cáo một phần hay toàn bộ bản án chưa có hiệu lực pháp luật, chưa được đưa ra thi hành theo quy định tại Điều 339 BLTTHS. Hoặc theo hướng thứ hai nếu cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn theo hướng, chỉ coi phần bản án bị kháng cáo là chưa có hiệu lực pháp luật phần bản án còn lại vẫn có hiệu lực và được thi hành theo quy định thì cần có cả hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng pháp luật cũng như những tình huống pháp lý phát sinh theo đó để cơ quan cấp dưới có căn cứ pháp lý để giải quyết các vụ án.

Vướng mắc thứ hai là một vướng mắc rất điển hình, nếu cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết không thấu đáo sẽ rất dễ dẫn tới những hệ quả pháp lý rất phức tạp. Trên thực tế, tác giả thấy rằng đa phần các cơ quan tiến hành tố tụng thường nhận thức, áp dụng pháp luật theo hướng chỉ phần kháng cáo trong bản án sơ thẩm là chưa có hiệu lực phần còn lại không kháng cáo vẫn thi hành theo đúng quy định. Nếu cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn theo hướng này thì cũng cần hướng dẫn về căn cứ pháp luật và cách giải quyết đối với vướng mắc thứ hai, đặc biệt với phần hình phạt “thừa” với người phạm tội.

Ngoài ra, khi bản án sơ thẩm bị huỷ toàn bộ để xét xử lại như trong trường hợp trên thì theo tác giả không thể coi phần hình sự, tội danh và hình phạt mà người phạm tội đã bị tuyên, chấp hành theo bản án hình sự đã bị huỷ này để tính các yếu tố về án tích, nhân thân, tái phạm, tái phạm nguy hiểm hoặc để định khung, lượng hình được. Tuy nhiên, việc xác định nhân thân, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, án tích trong trường hợp này là rất phức tạp nên cần cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn để việc áp dụng pháp luật được chính xác.

VŨ VIỆT PHƯƠNG

Toà án quân sự Khu vực, Quân khu 1

Thu hút nhân lực chất lượng cao trong khu vực công: Thực trạng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện

Nguyễn Mỹ Linh