Trụ sở WB. (Nguồn: iStock).
Ngày 11/10, Nhà kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Indermit Gill nhận định rằng việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất có thể gây rủi ro cho các quốc gia vốn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết nợ.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu và nhiều ngân hàng khác để ngỏ khả năng duy trì chính sách tăng lãi suất rong thời gian dài nhằm kìm hãm lạm phát tăng.
Trong Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố ngày 10/10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế toàn cầu đã cho thấy "sức bền đáng kể" khi vừa tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19, vừa khắc phục các ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Dù vậy, tăng trưởng kinh tế vẫn chậm và không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt trên toàn cầu.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị mùa Thu thường niên của WB và IMF ở Marrakesh, Maroc, ông Gill cho rằng bất chấp tất cả những cú sốc này, WB chưa thấy nền kinh tế lớn nào thực sự gặp khó khăn.
Tuy nhiên, lãi suất cao trong khi tốc độ tăng trưởng chững lại là một rủi ro cần lưu ý.
Trong thời kỳ lãi suất cao vào những năm 1970, khoảng 24 nền kinh tế đã bị phá sản.
Chuyên gia kinh tế này cũng dự báo chu kỳ siết chặt tiền tệ có thể kéo dài, do đó một số quốc gia sẽ gặp khó khăn.
Trong khi đó, Chủ tịch WB Ajay Banga nhấn mạnh rõ ràng lạm phát bắt đầu giảm song sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Ông Banga nhận định điều này ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và gây khó khăn cho người dân vốn đã quen với mức lãi suất thấp trong nhiều năm.
THANH HƯƠNG/TTXVN